Nhọc nhằn nghề chăm sóc người bệnh

PHƯƠNG NAM 23/11/2017 14:06

Vài năm gần đây, nhiều gia đình lựa chọn dịch vụ chăm sóc người bệnh để hỗ trợ người thân đau ốm trong khi đó những người làm nghề này, ngoài sức khỏe, phải có tấm lòng với người bệnh.

Chị Huỳnh Thị Hương đang chăm sóc cho bệnh nhân. Ảnh: P.NAM
Chị Huỳnh Thị Hương đang chăm sóc cho bệnh nhân. Ảnh: P.NAM

Túc trực tại bệnh viện

Tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc của Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, chúng tôi đã gặp chị Huỳnh Thị Hương (50 tuổi, thôn Giao Thủy, xã Đại Hòa, Đại Lộc) khi chị đang chăm sóc cho bệnh nhân Trần Thị Quyên (86 tuổi). Không phải ruột rà, máu mủ nhưng chị Hương tỉ mỉ lau từng vết bẩn trên người cụ Quyên, rồi thay tã, xoa bóp chân tay cho người bệnh. Chị Hương kể, cụ Quyên bị bệnh đái tháo đường nặng nên khó thở, người luôn mệt mỏi, mắt mờ, chân tay đau và tê. Vì neo người nên gia đình cụ Quyên thuê chị chăm sóc với giá 5 triệu đồng/tháng. Khi cụ Quyên vào điều trị tại Khoa Hồi sức, chị hầu như phải túc trực 24/24. Có những lúc mệt quá, chị nằm thiếp ngay dưới chân giường bệnh nhân. Nhưng chỉ được dăm phút, cụ Quyên ho là chị bật dậy lau miệng, lấy đờm từ ống thông, xoa bóp cho cụ. Theo lời chị Hương, trước đây chị làm nghề trông trẻ thuê. Sau khi con cái đã trưởng thành, thấy nghề này có mức lương ổn định nên gắn bó hơn 1 năm nay. Ngoài cụ Quyên, chị chăm thêm 1 bệnh nhân khác tại khoa này vào buổi sáng và được trả công 2 triệu đồng/tháng. Với thu nhập từ nghề nuôi bệnh, chị có thể trang trải được cuộc sống và tích lũy một ít để dành khi về già.

Với thâm niên 5 năm làm nghề nuôi bệnh, chị Võ Thị Nhung (50 tuổi, xã Đại Chánh, Đại Lộc) cho biết: “Nghề này vất vả lắm, để trụ được đòi hỏi phải có sức khỏe. Nhiều lúc phải thức trắng cả đêm để chăm sóc người bệnh. Những ai sợ dơ bẩn cũng không thể làm được nghề này. Rồi cũng có lắm lúc tủi thân nữa. Nên bước vào nghề này phải xác định tâm lý cho mình và phải chịu thương chịu khó”. Chị Nhung kể, trước khi đến với nghề này, chị buôn bán nhỏ để mưu sinh. Sau khi vay mượn tiền để làm nhà, chị chuyển sang nghề nuôi bệnh để có tiền trả nợ và nuôi con ăn học. Lần đầu tiên vào nghề, chị Nhung nuôi bệnh tại nhà cho một gia đình ở xã Đại Nghĩa (Đại Lộc). Khi mới làm chị hay tủi thân bởi cảnh phải hầu hạ một người không phải ruột thịt. Tuy nhiên, sau một thời gian, chị thấy thương yêu, gắn bó với người bệnh và muốn giúp đỡ họ thật nhiều để họ kéo dài cuộc sống. “Cả hai vợ chồng tôi đều đi làm xa nhà nên tôi phải gửi đứa con trai cho người bạn ở xã bên chăm sóc. Khoảng nửa tháng, tôi về thăm con một lần. Cũng may là cháu ngoan và học giỏi nên tôi yên tâm ở bệnh viện để chăm sóc người bệnh. Hiện tôi đang chăm sóc cho bệnh nhân Hiếu ở Khoa Hồi sức” - chị Nhung kể.

Cũng như chị Hương, ngoài bệnh nhân Hiếu, khi có gia đình nào nhờ chăm sóc bán thời gian cho bệnh nhân đang ở cùng Khoa Hồi sức, chị Nhung sẽ nhận với mức thù lao 100 nghìn đồng/ngày và 50 nghìn đồng/đêm.

Nuôi bệnh tại nhà

Chưa từng nuôi bệnh tại bệnh viện nhưng chị Lê Thị Phụng ( xã Tam Thái, Phú Ninh) đã nuôi bệnh tại nhà hơn 8 năm nay. Bây giờ, chị đã thao tác gọn gàng khi tắm rửa, lau cơ thể, thay tã cho bệnh nhân. Theo chị, người nuôi bệnh tại nhà có tâm lý và điều kiện sinh hoạt thoải mái hơn người nuôi bệnh ở bệnh viện. Tuy nhiên, những người bệnh ở nhà thông thường vẫn còn minh mẫn nên người nuôi bệnh dễ bị họ giận hờn, trách mắng khi không vừa ý. “Người bị bệnh thường phiền muộn, có tâm lý bi quan nên tôi nghĩ mình phải thông cảm với họ. Chia sẻ với nỗi đau của họ thì mình sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn để làm việc. Ai cũng vậy, sống với nhau lâu ngày sẽ có tình cảm thôi. Rồi đến ngày họ qua đời, mình cũng buồn như mất người thân vậy” - chị Phụng nói.  

Chị Nguyễn Thị Huệ (khu 7, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) kể, một năm gần đây, ba chị bị bệnh rối loạn sinh tủy nên cần phải có người chăm sóc lâu dài. Các anh em chị đều có gia đình ở xa và công việc buôn bán nên không thể thường xuyên cận kề. Sau khi họp bàn, gia đình thống nhất thuê người nuôi bệnh. Từ khi có người nuôi bệnh, ba chị ăn uống điều độ, đặc biệt có người trò chuyện thường xuyên nên sức khỏe, tinh thần cụ tốt hơn. Còn bà Huỳnh Thị Lựu, người chăm sóc cho ba chị Huệ chia sẻ: “Khi cụ biếng ăn, tôi phải dỗ dành như dỗ đứa trẻ. Lúc cụ bị táo bón, phải nấu những món giúp dễ tiêu hóa. Để cụ vui, chiều chiều tôi để cụ ngồi xe lăn đẩy xuống nhà con gái hoặc vào nhà thờ tộc để cụ thắp hương. Tôi làm công việc này vì mưu sinh, nhưng nói thật, nếu không có tình cảm với cụ thì tôi không làm được đâu”.

Nuôi bệnh thuê là một nghề khá vất vả. Với những người “hộ lý bất đắc dĩ” ấy, công việc này vừa là kế mưu sinh, vừa mang lại sức khỏe, niềm vui cho người bệnh và thân nhân của họ.

PHƯƠNG NAM

(1) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhọc nhằn nghề chăm sóc người bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO