Những ngày cận tết, không khí lao động tại làng nghề bánh tráng Quế Trung (huyện Nông Sơn) càng trở nên nhộn nhịp.
Ở một cơ sở sản xuất bánh tráng tại xã Quế Trung (Nông Sơn). Ảnh: TÂM LÊ |
Không khí làm việc tại lò bánh tráng của gia đình chị Nguyễn Thị Sương, thôn Trung Hạ những ngày này khá khẩn trương. Ba phụ nữ là lao động chính tại cơ sở luôn tay tráng, sấy, gỡ bánh với nhịp điệu hối hả. Chị Phượng - một lao động tại cơ sở nói: “Mùa tết, làm nghề này khá vất vả, tuy nhiên thu nhập cũng khá, có tiền trang trải cuộc sống, vài bữa còn mua sắm tết. Hai tháng gần đây, lượng hàng cung cấp cho thị trường rất lớn cho nên các cơ sở tráng bánh ở Quế Trung không có thời gian nghỉ”.
Chị Phượng cho biết, cứ khoảng giữa tháng 11 âm lịch trở đi, làng nghề bánh tráng Quế Trung lại nhộn nhịp vào mùa tết với những đơn đặt hàng dồn dập. Để có hàng kịp giao cho khách, các thợ làm bánh phải thức dậy từ 3 giờ sáng để vuốt gạo, rồi nhóm lò, khuấy bột, chuẩn bị lò than sấy... Xong hết các khâu chuẩn bị, mọi người bắt đầu công việc, mỗi công đoạn có một người phụ trách (như chị Phượng phụ trách khâu sấy bánh). Công việc kéo dài từ lúc trời vừa rạng sáng cho đến chiều tối, có hôm tới 9 - 10 giờ đêm mới nghỉ. Chị Nguyễn Thị Sương cho hay: “Vài năm trở lại đây, nghề làm bánh tráng ở Quế Trung giải quyết được đầu ra sản phẩm nên sản xuất ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động, nhờ đó đời sống của một số hộ dân đã khá hơn rất nhiều”.
Chị Phan Thị Thùy Linh, một thợ làm bánh tráng tại thôn Trung Hạ chia sẻ: “Để có bánh tráng ngon phải lựa chọn loại gạo Trang Nông, gạo xiệc (các giống gạo được sản xuất tại địa phương) làm nguyên liệu. Riêng bánh để nướng thì chế biến có đủ 5 thứ gia vị mắm, muối, đường, tỏi và mè. Mỗi cái bánh phải tráng làm 2 lớp và phải sấy trên bếp than hồng thì bánh mới ngon”. Mỗi dịp tết, bánh tráng là thứ không thể thiếu trên mâm cúng gia tiên, đãi tiệc bạn bè, người thân của người dân Quảng Nam. Vậy nên, thời điểm trước tết, đơn đặt hàng làm bánh tráng ở các cơ sở tại Quế Trung rất nhiều. Chị Linh còn cho biết, bánh tráng ở đây hoàn toàn không có phụ gia, được làm thủ công và đặc biệt là sấy bằng than chứ không phơi nắng như những nơi khác nên bánh giữ được hương vị truyền thống, người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Hiện nay, trên địa bàn xã Quế Trung có hơn 30 hộ sản xuất bánh tráng, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động. Những năm trước, làng nghề bánh tráng Quế Trung chỉ sản xuất để tiêu thụ nhỏ lẻ tại địa phương. Nhưng gần đây, để tìm hướng đi mới cho làng nghề, các ban, ngành địa phương đã vào cuộc hỗ trợ, giúp đỡ người dân thay đổi phương thức làm bánh, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm. Chính quyền địa phương cũng tìm các nguồn kinh phí để hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất cho bà con. Như Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Nông Sơn giúp làng nghề trong khâu thiết kế in bao bì, giới thiệu tham gia các hội chợ thương mại để quảng bá sản phẩm, hỗ trợ 5 hộ mua máy xay bột với mức 3 triệu đồng/hộ từ nguồn vốn khuyến công. Đến nay, sản phẩm bánh tráng Quế Trung đã mở rộng thị trường tiêu thụ ra các địa phương lân cận. Ước tính mỗi năm làng nghề cung cấp cho thị trường gần 10 tấn bánh tráng, thu nhập bình quân mỗi lao động 36 triệu đồng/năm. Được biết, hằng năm, Hội LHPN xã Quế Trung cũng tranh thủ từ các nguồn vốn để hỗ trợ 153kg bao bì in hình cho các hộ sản xuất nhằm quảng bá thương hiệu làng nghề.
Với thương hiệu sẵn có, huyện Nông Sơn đang xây dựng nhãn hiệu để nâng giá trị cũng như giá thành cho sản phẩm bánh tráng Quế Trung. Ông Nguyễn Chí Tùng - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Nông Sơn cho rằng, khi xây dựng nhãn hiệu, bánh tráng Quế Trung có thể làm sản phẩm thương mại, giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế, định hình một làng nghề thủ công từ nghề truyền thống.
TÂM LÊ - ANH ĐÔNG