Hội An không chỉ nổi tiếng với “đèn lồng” mà nghề làm “đầu lân” cũng ăn nên làm ra mỗi khi dịp trung thu đến. Sản phẩm đầu lân phố cổ Hội An không chỉ cung cấp thị trường nội địa mà còn tiêu thụ nhiều nơi trong nước. Tại các cơ sở làm đầu lân ở phố Hội, những ngày qua không khí càng tất bật khi Tết Trung thu đang cận kề.
Không khí ở làng nghề lân Hội An những ngày này khá nhộn nhịp. |
Để sản xuất hàng cung ứng cho thị trường, từ nhiều tháng trước, các cơ sở làm đầu lân sư tại xã Cẩm Hà đã nhộn nhịp bởi không khí sản xuất, mua bán. Cơ sở làm đầu lân của gia đình anh Nguyễn Hưng, thôn Trảng Kèo, xã Cẩm Hà, ngổn ngang đầu lân, mặt nạ ông địa... Điều đặc biệt là cơ sở của anh Hưng đang tạo công ăn việc làm cho gần 20 trẻ vị thành niên, đa số các em nghỉ học sớm vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Là cơ sở làm đầu lân truyền thống nên xưởng của anh Hưng sản xuất quanh năm, chính vì thế mức lương của các em khá ổn định. Nhờ có năng khiếu vẽ hoa văn, chịu khó học hỏi nên em Mai Xuân Hoàng (thôn Phước Tân, phường Cửa Đại) được anh Hưng nhận vào làm lâu dài, bố trí ăn ở chu đáo. Xuân Hoàng tâm sự: “Em vào làm việc tại cơ sở của anh Hưng được 3 năm rồi. Ở đây có nhiều bạn bè cùng trang lứa và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên có sự đồng cảm và chia sẻ với nhau. Nhà em nghèo lắm nên em phải nghỉ học từ năm lớp 9. May được anh Hưng chỉ dẫn nghề và nhận vào làm trả lương ổn định, giúp em có thu nhập góp phần chăm lo cho gia đình”.
Nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có việc làm ổn định tại cơ sở sản xuất lân của anh Nguyễn Hưng. Ảnh: T.BÌNH |
Anh Nguyễn Hưng cho hay, làm đầu lân, quan trọng nhất là khâu vẽ, sơn màu lên những chi tiết mới toát lên được thần thái của con lân, mặt nạ. Mỗi con lân, mặt nạ cũng mang cái hồn, vẻ đẹp khác nhau, tùy theo tâm trạng và cảm xúc của người làm. Mẫu mã đầu lân năm nay khá phong phú. Loại đầu lân nhỏ vẫn thu hút khách hàng nhiều hơn, bởi giá mềm, chỉ 50 - 70 nghìn đồng; đầu lân lớn làm công phu hơn kèm phụ kiện đẹp giá đến 2,5 triệu đồng. Bình quân mỗi năm cơ sở của anh Hưng sản xuất 3.000 - 4.000 đầu lân. “Với tôi, làm lân không chỉ vì mưu sinh, mà còn là đam mê và để giúp những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Lúc nhỏ mình cũng khó khăn như vậy nên muốn giúp các em kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Công việc làm lân nhẹ nhàng, nên tôi muốn nhận các em có hoàn cảnh khó khăn hoặc khuyết tật vào làm việc lâu dài” - anh Hưng chia sẻ.
Cái khó nhất để làm đầu lân nằm ở khâu tạo khuôn, từ đó người thợ sẽ dán đắp giấy để tạo hình con lân theo ý muốn. Mọi công đoạn đều hết sức tỉ mỉ, từ khâu tạo khuôn, vẽ, sơn và làm phụ kiện cho lân. Người chơi ai cũng muốn lân của mình khác lạ và đẹp hơn người khác nên các cơ sở sản xuất phải cải tiến, sáng tạo mẫu mã. Nhiều khi khách hàng đưa ra ý tưởng, rồi cơ sở sản xuất thực hiện. Cũng nhờ cải tiến mẫu mã nên những năm gần đây, sản phẩm đầu lân truyền thống khá đắt hàng. Các cơ sở sản xuất và kinh doanh hy vọng thời tiết dịp trung thu năm nay thuận lợi để việc tiêu thụ lân tăng hơn mọi năm.
Tết Trung thu đã cận kề, lân lại xuất hiện khắp thành thị đến thôn quê, tiếng trống lân rộn ràng gợi nhớ nhiều kỷ niệm của thời thơ ấu. Và những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như Mai Xuân Hoàng sẽ cảm thấy vui hơn khi những sản phẩm của mình làm ra góp phần mang đến niềm vui cho trẻ thơ.
T.BÌNH