Cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động (CNLĐ) tại các khu công nghiệp (KCN), nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh là nội dung sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII (khai mạc vào ngày mai 19.3). Nội dung này đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người lao động, nhà đầu tư, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Cần đất
Toàn tỉnh hiện có 7 KCN tập trung, gồm KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Thuận Yên, Đông Quế Sơn, Phú Xuân, Tam Hiệp, Tam Thăng, Bắc Chu Lai với diện tích hơn 2.100ha. Mạng lưới cụm công nghiệp (CCN) gồm 108 cụm với tổng diện tích 2.313ha, trong đó đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho 43 CCN, diện tích đất đã thực hiện là 530ha. Có 2.245 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh với khoảng 87.624 CNLĐ, dự báo đến năm 2020 sẽ là 130 nghìn CNLĐ, tuy nhiên số CNLĐ có nhà ở ổn định chỉ chiếm khoảng 40%. Theo số liệu thống kê, số người thu nhập thấp tại đô thị hiện nay trên 12 nghìn người, chủ yếu tập trung ở Tam Kỳ khoảng 3,5 nghìn người, huyện Đại Lộc khoảng 1,6 nghìn người và rải rác tại các đô thị khác. Dự báo đến năm 2020 sẽ tăng lên khoảng 26 nghìn người. Số lượng người thu nhập thấp đô thị có chỗ ở khoảng 30%, còn lại khoảng 8,4 nghìn người chưa có nhà ở.
Khu nhà ở cho công nhân bên cạnh nhà máy sản xuất sẽ giúp công nhân ổn định chỗ ở, yên tâm sản xuất. |
Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến vấn đề nhà ở, đất ở đối với người dân, như hỗ trợ người nghèo tại khu vực nông thôn có nhà ở; một số cơ chế chính sách phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, nhà ở cho CNLĐ ở các KCN, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị... Tuy nhiên, việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội đến nay hiệu quả chưa cao, do chi phí đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm và ít khả thi nên không thu hút nhà đầu tư. Mặt khác, Quảng Nam chưa ban hành quy định cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho CNLĐ tại các KCN, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh nên các nhà đầu tư còn nhiều lúng túng trong việc tiếp nhận các ưu đãi đầu tư của Trung ương, của tỉnh và chưa có động lực đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông Lâm Quyền Quý - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH liên doanh may Như Thành cho biết: “Chúng tôi đã có kế hoạch xây dựng nhà ở cho CNLĐ của mình, chỉ cần địa phương bố trí quỹ đất, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng ngay. Vì mục đích chính là cho CNLĐ hoàn toàn được ở miễn phí, ổn định, bớt gánh nặng cho bản thân người lao động và doanh nghiệp cũng yên tâm hơn về nguồn lao động”. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Lành - Giám đốc Công ty CP phát triển đô thị và KCN Quảng Nam - Đà Nẵng kiến nghị: “Tôi nghĩ trước mắt tỉnh nên ưu tiên những hộ dân ở trong khu vực được thực hiện các dự án nhà ở nhỏ, lẻ với cơ chế ưu đãi, có sự quản lý của Nhà nước, giúp họ đầu tư nâng cấp những khu nhà trọ đang có để CNLĐ có chỗ ở tốt hơn. Tỉnh nên đứng ra thành lập quỹ hỗ trợ nhà ở có sự đóng góp của ngân sách tỉnh, doanh nghiệp và các tổ chức khác; ưu tiên thực hiện một số dự án theo phương án đổi đất lấy hạ tầng nhằm giúp nhà đầu tư nhanh chóng thu hồi vốn tái đầu tư”.
Những khu nhà trọ trong dân cần được đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu nhà ở trước mắt. Ảnh: D.LỆ |
Hỗ trợ 2 lượt/căn hộ
Theo Đề án của UBND tỉnh trình HĐND lần này, ngoài những ưu đãi đã được Trung ương quy định, tỉnh có rất nhiều ưu đãi vượt trội khác để kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp. Đối với nhà đầu tư, sẽ được hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng trên khu đất đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng dự án nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp. Đối với khu đất chưa được giải phóng mặt bằng thì UBND tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và giao đất sạch cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư được sử dụng tối đa 20% quỹ đất ở của dự án xây dựng nhà ở công nhân, nhà thu nhập thấp để làm nhà ở thương mại. Việc sử dụng 20% quỹ đất này phải thực hiện đúng theo quy định của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn quy định luật hiện hành. Chủ đầu tư được sử dụng tầng trệt đối với các chung cư từ 5 tầng trở lên để kinh doanh các dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu của các hộ tại các khu nhà trong phạm vi dự án. Các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án được hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng. Phí và lệ phí trong thực hiện thủ tục thẩm định quy hoạch, thẩm định góp ý thiết kế cơ sở cho dự án sẽ được Nhà nước hỗ trợ.
Nguồn tín dụng đầu tư được hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các chủ đầu tư với mức 50% lãi suất vay tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, lãi suất vay được hỗ trợ không cao hơn lãi suất ngân hàng thương mại quy định và có các chứng từ để kiểm soát thanh toán vốn ngân sách Nhà nước. Với mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư dự án và mức hỗ trợ lãi suất vay không quá 40 tỷ đồng/dự án. Tổng mức đầu tư dự án được xác định dựa trên tổng mức đầu tư của chủ đầu tư lập nhưng không quá suất đầu tư của dự án do Bộ Xây dựng công bố và được các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh thống nhất. Lãi vay được tính theo tiến độ vay vốn đầu tư vào dự án và có hợp đồng tín dụng cụ thể. Thời gian hỗ trợ tối đa là 5 năm và được tính từ khi hoàn thành xong phần xây dựng móng của công trình.
Thêm nhiều dự án xây dựng nhà ở cho CNLĐ Trong những năm qua, trên cơ sở khuyến khích và kêu gọi đầu tư của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư các dự án nhà ở phục vụ cho CNLĐ và người thu nhập thấp. Một số dự án đầu tư đang thực hiện có thể kể đến như khu nhà ở thu nhập thấp tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc do Công ty STO làm chủ đầu tư có quy mô 18,28ha với 2.156 căn, đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 8,6 nghìn CNLĐ; khu nhà ở cho CNLĐ tại CCN Đại Quang (Đại Lộc) rộng 2,4ha với 180 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 720 người. Dự án đang xin chủ trương xây dựng có khu nhà ở thu nhập thấp tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc do Công ty CP Kỹ thuật châu Âu làm chủ đầu tư có quy mô 18,62ha, dự kiến đầu tư 551 căn thấp tầng và 2 chung cư khoảng 1.000 căn, đáp ứng nhu cầu của 5,1 nghìn CNLĐ; khu nhà ở công nhân tại TP. Tam Kỳ do Công ty Phước Kỳ Nam thực hiện có quy mô 0,87ha với khoảng 150 căn, đáp ứng khoảng 600 công nhân. |
Đối với người mua, thuê mua nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp được hỗ trợ lãi vay tại các tổ chức tín dụng theo cơ chế tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất vay để thanh toán tiền mua, thuê mua nhà ở. Trong đó, lãi suất vay không được cao hơn lãi suất ngân hàng thương mại quy định với mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không quá 70% giá căn hộ được UBND tỉnh phê duyệt, thời gian hỗ trợ tối đa là 5 năm. Như vậy, trên một căn hộ tính ra đã được Nhà nước hỗ trợ đến 2 lượt, cho cả nhà đầu tư và người mua nhà. Với 8 dự án đã, đang và sẽ thực hiện, tính ra sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 101,695 tỷ đồng, trong giai đoạn 2013- 2015.
DIỄM LỆ