Như đôi cánh chim thần Garuda

XUÂN THỌ 16/09/2018 03:18

Bén duyên mảnh đất Hội An, nữ nghệ sĩ Kiều Maily (33 tuổi) đã cần mẫn quảng bá những nét tinh túy văn hóa Chăm của mình.

Nghệ sĩ Kiều Maily.
Nghệ sĩ Kiều Maily.

1. Kiều Maily sinh ra ở Palei Phước Nhơn (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Năm học lớp 10, chị đã làm thành thục tất cả loại bánh của người Chăm. Chị ấp ủ ước mơ viết một cuốn sách về ẩm thực dân tộc. Trong suốt 2 năm từ năm 2012 - 2013, chị, nhiều khi một mình với chiếc xe gắn máy, lang thang khắp các làng của người Chăm sinh sống từ Nam Trung bộ cho đến miền Tây Nam bộ. Hành trình ấy, rất nhiều khó khăn bủa vây, thường trực nhất là vấn đề kinh phí. Chị “gỡ khó” bằng cách viết báo cộng tác, rồi đi sâu hơn để làm sách. Nhiều lúc chấp chới, tưởng chừng như không thế hoàn thành. Cũng may, khó khăn của chị, được hiểu thấu, nên những làng người Chăm chị đến, chị đều được giúp đỡ tận tình.

Ngày chị mừng rỡ với bản thảo “Độc đáo ẩm thực Chăm” hoàn thành, cũng là lúc… nỗi lo ập đến. “Mình thật sự lo lắng, vì không đủ tiền để in, gõ cửa một số nhà xuất bản nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu” - chị tâm sự. Rồi chị kể điều ấy với một người bạn văn chương, người bạn này nói chuyện với một nhà xuất bản. Khi xem thấy đó là một bản thảo chất lượng, có chiều sâu về văn hóa, nhà xuất bản đã đồng ý cấp phép in ấn. “Tính ra phải mất 1 năm sau ngày hoàn thành bản thảo, mới được in. Còn lúc nhà xuất bản này đồng ý in, thì chỉ mất 1 tháng đã ra sách” - chị cười. Vậy đấy, những miệt mài nhiều khi trúc trắc là thế, mà đôi lúc cũng có những ngả rẽ không ngờ.

Kiều Maily cho rằng ẩm thực Chăm chỉ là một phần và nằm trong tổng thể văn hóa Chăm: “Có thể chia ẩm thực Chăm thành 3 vùng, đó là Phan Rang, Phan Rí và miền Tây Nam bộ. Không khác nhiều về phương thức chế biến, chỉ có sự dị biệt về cách dùng gia vị. Ví như vùng Phan Rang thì dùng nhiều sả; vùng Phan Rí thì dùng nhiều nghệ, vùng miền Tây Nam bộ thì dùng nhiều nước dừa, có thêm lá cà ri và gừng. Do bản chất sinh hoạt kiểu gia đình, cộng đồng nên ẩm thực của người Chăm không cầu kỳ, bữa ăn trong gia đình thường chỉ có cơm, canh và thêm mắm, với nhà giàu thì có món cá kho hay các món xào”. Ấn tượng hơn, có lẽ là ẩm thực trong lễ hội. Với lễ Ramưwan của người Chăm Bà ni thì phải có tất cả loại hải sản và rau củ; trong khi lễ Katê của cộng đồng thức ăn phải đủ màu sắc, bắt buộc phải có gà, dê và chuối; lễ năm mới thì có dê và gà; lễ cúng đất thì chủ yếu là món luộc, bắt buộc có dê và gà.

2. Nghe chị kể say sưa về những dự định của mình, mới hiểu chị yêu dân tộc Chăm biết nhường nào và yêu luôn tất thảy văn hóa thuộc về. Nhưng nó quá mênh mông so với cuộc đời và vị thế hiện tại của chị, nên chị không thể làm hết ngay, mà nhiều khi, phải ngồi xếp lại từng dự định và hiện thực hóa dần. Đó là sau khi hoàn thành cuốn địa dư chí “Palei Phước Nhơn của tôi”, chị triển khai kế hoạch “Chăm đẹp trên mọi nẻo đường”. Việc này xuất phát từ một câu hỏi mà dường như chị dành cho chính mình: “Câu hỏi đơn giản lắm, tại sao người nước ngoài qua mình, khi mặc trang phục của mình, họ thích thú, mà mình lại không tự hào với nó?”.

Nghệ sĩ Kiều Maily trong buổi nói chuyện về trang phục Chăm ở Hội An.
Nghệ sĩ Kiều Maily trong buổi nói chuyện về trang phục Chăm ở Hội An.

Dự án ban đầu được chị thực hiện ở Sài Gòn vào năm 2016. Chị muốn làm nhiều hơn, nhưng không thể, chỉ 3 - 4 tháng mới làm được một lần, vì không có kinh phí. Nhưng vui, là từ sự kêu gọi, hay ở một khía cạnh nào đó mà tạm gọi là cảm hứng từ chị, những người Chăm thuộc thế hệ đàn em của chị sinh sống trong Sài Gòn đã hưởng ứng. “Bọn mình chỉ tổ chức ngày Chủ nhật, vì ngày đó các em sinh viên được nghỉ, còn các gia đình cũng ra phố để dạo. Mà bọn mình cũng chẳng dám nghĩ gì lớn lao, chỉ coi như anh chị em gặp nhau cuối tuần, khoác trên mình trang phục của người Chăm là sung sướng thôi. Mình muốn tiếp thêm ngọn lửa tinh thần cho các em để cùng nhau giữ gìn văn hóa truyền thống tổ tiên” - chị kể.

Sau hai lần tổ chức ở Sài Gòn, chị ngược về Hội An, và nơi mảnh đất giàu tính giao thoa văn hóa này, chị đã tìm thấy được những chất xúc tác mà tin rằng sẽ chắp cánh cho những dự định của mình bay xa. “Ở Hội An, du khách tìm hiểu nhiều về văn hóa Chăm, nhưng dường như họ không thấy được người Chăm sống ở đây, dù dấu ấn văn hóa còn rất nhiều. Mình muốn xây dựng một hình ảnh “Chăm đẹp” ở đây, để du khách thấy được. Đầu tiên, mình tham gia múa biểu diễn tại xứ Đàng Trong vào các ngày thứ 3, 5 hàng tuần. Và mới đây, có khách sạn mời mình lập kế hoạch cho chương trình biểu diễn để đưa vào làm sản phẩm du lịch” - chị tâm sự. Cách đây không lâu, chị đã tổ chức “Chăm đẹp trên mọi nẻo đường” để nói về trang phục Chăm, sắp tới chị sẽ sẽ làm chương trình để nói về ẩm thực Chăm. Tháng 10 năm ngoái, chị được mời sang Nhật để trình diễn và dạy về ẩm thực, thời trang, hát dân ca và các điệu múa Chăm cho người Nhật. Hay như sau những trình diễn của mình tại Ngày hội văn hóa Hội An - Nhật Bản vừa rồi, chị nhận ra rằng người Nhật rất quan tâm đến văn hóa Chăm, bởi lẽ dân tộc hai bên có mối bang giao từ rất sớm. “Thế kỷ 7 người Chăm qua Nhật nói về Phật pháp. Thế kỷ 8, người Chăm qua Nhật dạy họ múa…” - chị Kiều Maily kể.

Có người ví, hành trình miệt mài của Kiều Maily, như đôi cánh chim thần Garuda bay mãi, vì sứ mệnh gìn giữ và quảng bá văn hóa Chăm.

XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Như đôi cánh chim thần Garuda
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO