Như mưa núi, như lũ rừng...

TRUNG VIỆT 19/10/2013 17:10

Tôi ngồi uống rượu thật lâu với ông Briu Pố tại nhà ông.  Hồi mới chia tách, trung tâm huyện lỵ tạm đóng ở xã Lăng này, tôi lên chơi với bác sĩ Trương Thần, đã ngồi thâu đêm với ông. Thỉnh thoảng trên báo, tôi thấy người ta gọi ông là già làng. Tôi nói anh không già, ai  mà phong chức cho anh sớm quá thế, ông cười ha ha, cũng già rồi em à. Hôm kia có bạn bảo mấy anh công nhân lái xe xúc xe ủi,  vào quán, thấy ông thì coi như mấy ông già Cơ Tu khác, lộ vẻ khinh khỉnh, ăn nói bặm trợn, nâng ly không thèm ngang mày, một lúc sau lại há hốc miệng khi ông nói diễn biến tình hình Syria đang ra sao. Ngay thẳng, vô tư, chân thành, hiểu biết rộng và thông minh, chưa đủ, ông là nghệ sĩ chính hiệu với những phù điêu, bức vẽ ở nhà gươl, về vốn dân ca hát lý lẫn quan niệm về cái đẹp vô hình lẫn khuất  sau những đám mây vấn vít cùng khói nhà sàn. Về hưu, suốt ngày sống với cây ba kích, nên lên nhà ông là có ngay ba kích để uống.    

Hạnh phúc.                                                                                                                                                                                                                                                                           (Ảnh có tính minh họa)
Hạnh phúc. (Ảnh có tính minh họa)

Mưa núi buồn tênh. “Em uống đi, mưa là do nước từ trên trời xuống mà”. Ông vỗ đùi tôi, nói một câu giọng đã la đà mà khiến tôi không có chỗ cãi. “Mối quan hệ nào chi phối lớn nhất đời người miền núi?”. “Hôn nhân”. “Cái này thì chỗ nào không thế?”. “Không đâu”. Ông chậm lại ở đó rồi uống. “Em chưa hiểu hết đâu, cơm áo chi, sống ra sao, cuối cùng người ta cũng lo tính chuyện đó, xoay quanh trục đó, mà đâu chỉ là vợ chồng,  cả sui gia hai bên cũng dính vào, đó là định ước, là luật tục”. Anh thanh niên áo quần bảnh bao, im lặng  từ đầu cuộc nhậu đến giờ, bất ngờ gật đầu. Anh này gọi ông là chú, nhà dưới xã Ba huyện Đông Giang. Tôi  không lạ người Cơ Tu đi thăm nhau để uống rượu, chơi ở lại mấy ngày, để uống và thì thầm nói những điều chỉ có họ và núi rừng hiểu. “Nó đi mời gia đình, người thân tuần sau ăn lễ biết ơn cha mẹ vợ đấy, đại khái gọi là lễ tạ ơn, con cái làm ăn được thì khi nào đó, chồng sẽ đưa vợ về  nhà bố mẹ vợ, dâng lễ là con trâu. Phía bên vợ sẽ cử người trong nhà đứng ra đâm trâu, nhảy múa và ăn uống”. “Sao phải đi xa thế?”. “Tập tục mà. Không mời đủ, bà con sẽ giận. Đấy, em coi, hôn nhân và tập tục nguyên thủy Cơ Tu đấy, dù có tốn kém, nhưng đó là định ước để níu giữ tình thân và một lần nữa cho vợ chồng nhìn vào hôn nhân của mình”. Đám cưới người Cơ Tu vùng càng sát đồng bằng chừng nào thì càng biến thái theo kiểu người Kinh chừng nấy, mất hết rồi. Bạn tôi nói, em trẻ nhưng vẫn thích đám cưới với đầy đủ nghi lễ truyền thống. bởi anh sống không thoát khỏi cộng đồng, trời đất đâu, chỉ lúc đó, anh mới thật sự là anh, cộng đồng mới thật sự là họ,  nếu bị biến dạng, thì câu chuyện huyền thoại vốn nhảy múa hàng ngày trên bếp lửa trong giấc mơ và chi phối toàn bộ đời sống người miền núi, sẽ bị mất đi hoặc “biên tập” ngô nghê không đầu không cuối.

Làng Pơ Ning xã Lăng lâu nay có tục là làng này với làng Brum A và Brum B  bên xã Zuôih  của Nam Giang khuyến khích  trai gái tìm hiểu để lấy nhau. Ông Clâu Nhấp kể chuyện giao ước sui gia hai làng có từ trước 1945, vì ở sát nhau, lội qua con sông Lăng là gặp. Cũng chẳng nhớ ai là người đầu tiên nghĩ ra chuyện này, để đến hiện nay, tại thôn Pơ Ninh, có đến 10 cô gái từ bên Zuôih sang làm dâu. Con trai ông Nhấp là Clâu Nhom có vợ là Bhlinh Thị Trơu làng Brum A, chị vợ nguyên là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Lăng. “Khuyến khích thôi, không ép đâu, con trai hai bên, đứa nào tìm hiểu vợ bên kia, được, là vui lắm, cưới liền, không đòi của, thách cưới, có thì cho, không thì thôi, hay lắm. Bên này gả con gái cho bên kia,  nếu  thiếu đất sản xuất, gặp  khó khăn trong đời sống, bên kia giúp liền. Qua lại thăm nhau, cho thịt, lương thực thực phẩm thường xuyên, có đám cưới đâm trâu là mời nhau. Có điều hay là quan hệ hai bên chưa từng xảy ra chuyện xấu” - ông Nhấp nói. Ông Pố kể  thêm chuyện, làng Pơ Ning lúc mới giải phóng ra, từng có chuyện 3 người Ve trên Zuôih sang chữa bệnh, có hai người bị giết, mà người giết không ai khác chính là 1 trong 3 người kia, anh em trong nhà cả, nhưng xích mích gì đấy, giết anh em mình nhưng muốn đổ tội cho người Cơ Tu. Chuyện ầm lên, công an bộ phải về điều tra. Mối thù giữa người Ve bên kia và Cơ Tu bên này có nguy cơ bùng phát. Chính người Cơ Tu bên Zuôih đã đứng ra hòa giải.

Bữa tôi vào xã Dang, trời mưa, đường trơn tuột, dốc và suối liên tục,  quãng nghỉ ở  cổng  thôn Ka Tiếc, thấy có  một chị đang ngồi bên vệ đường với hai gùi đồ trĩu nặng. Họ đi “tà mòi” đấy. Quân nói. À, thì đi thăm sui gia. Một năm đi một lần, nhà gái đi thăm nhà trai, thực chất là đi thăm con gái mình, cứ được ngày tháng thuận tiện là đi. Quà mang theo là thực phẩm, cái gì ngon quý thì đem tặng. Tôi giở xem. Một ché rượu cần. Muối. Nếp. Thịt rừng. Lọ ớt. Từ đây, chị sẽ đi bộ ra huyện rồi đi xuống xã A Vương.  Chắc phải một ngày đường. Xa mấy cũng đi, bởi đó là tập tục không thể bỏ. “Mình ra huyện mua gói thuốc nữa”. Chị nói nhẹ như không, coi như điều đó bình thường của tình thân quý. Không làm điều đó, sui gia, cộng đồng sẽ coi thường và lương tâm không cho phép. Nếu nhà gái có khó khăn gì thì con rể sẽ về giúp. Chẳng ai khảo sát thử những  hành xử truyền thống đẹp ở những bản làng miền núi, bây giờ cái nào còn cái nào mất, biến dạng tốt xấu ra sao, mà thói thường đã biến dạng là xấu, bởi căn tủy nó đã được đúc kết từ những nghiệm suy ngàn đời. Sui gia trân quý nhau, ắt con cái yêu thương và hạnh phúc, nếu không, làm gì có chuyện ngả nghiêng rượu cần và hát lý thâu đêm đến khàn cổ.

Chuyện hôn nhân, sẽ không được nhắc đến trong nghệ thuật như cánh cửa mở vào thế giới đời người, nếu như không có những niềm riêng, những “cú lừa ngoạn mục”, những chuyến “đi đêm” trong trí nhớ lẫn có thực và nghệ thuật về chuyện này nếu cứ như một phép cộng chính xác đến muôn đời từng mi-li-mét thì chỉ xứng đáng bị ném vào sọt rác. Đâu cũng vậy. Và đó  chính là đời sống. Hôn nhân người miền núi, được ràng buộc bởi luật tục, cộng đồng. Nhưng luật lệ định ra là để có người xé luật. Cách người miền núi trừng trị  kẻ ngoại tình thật độc đáo. Tôi nghe người bạn Cơ Tu ở Lăng kể: Ngoài chuyện phạt vạ heo gà, bị đưa ra trước dân làng để mọi người  góp ý dạy đời cho xấu hổ, cho sáng mắt ra, thì người Cơ Tu có một cách phạt là bắt người ngoại tình ôm con heo, đi quanh làng, đến trước cửa nhà ai thì vỗ cho con heo kêu một tiếng éc, tức thì dân làng sẽ biết đây là  thông báo “tôi là người ngoại tình”. Bây giờ thì cách thức trừng phạt trên vẫn còn. Nhưng có gì đi nữa, ngoại tình vẫn là thứ hồng ma lạ mọc lấp lánh sắc màu trong tim trong óc, hấp dẫn và ly kỳ, heo kêu cứ kêu, nắng hạn ắt gặp mưa rào cứ thế mà mọc. Tôi đã có dịp ngồi với một anh chàng Cơ Tu khá đẹp trai, hát hay, đàn giỏi, nói năng biến báo, đương nhiên là khối nàng mê, anh này đến chơi nhà tôi,  uống rượu cầm đũa gõ vào chén cất lời ứ…ư… thấm thoắt mà em đã ba mặt con, làm tôi tròn mắt. Anh cười thật thà là em cũng có vài ba mối, nhưng gia đình và làng chưa “bắt tận tay day tận trán”, vì cũng ở hơi xa, hehe, và anh quả quyết nếu có bắt ôm con heo bằng cây chò cổ thụ thì  vẫn cứ  “tình yêu lung linh”, bởi không có nó thì khó… sống vui sống khỏe!

Ông Pố nói thời của anh của những ước thề từ thuở ông bà truyền lại, đã qua rồi, nhưng nền tảng của quan hệ gia đình không vì thế mà mất đi, như mưa  núi lũ rừng vậy, nó ào ạt đến rồi đi, nhưng nước thấm vào đất để nuôi nương rẫy quanh năm nắng cháy, nuôi cỏ cây cho con chim có chỗ làm tổ, con nai có lá non mà ăn, con ong có hoa mà cho mật. Luân thường đạo lý , sai là không chấp nhận được.  Tôi nói, thì tất nhiên, cả phương tây văn minh ghê gớm vậy nhưng có chấp nhận đâu. Nhưng,  ở đời khó nói lắm, để cưỡng lại những gạ gẫm, nhiều khi bản lĩnh lớn lại thành lố bịch, bởi chuyện đó như bạn nửa chiều gọi nhậu, nghĩ đến ly rượu sủi tăm thấy cả càn khôn trong đó, người cứ như… động kinh nhẹ, khờ khờ đơ đơ, dù cái đó làm khổ ta cả đời.  Ông  cười lớn nhìn  tôi, rằng em này, rượu ba kích là ngon, nhưng uống vừa mới tốt sức khỏe, chứ uống như chúng mày từ sáng đến giờ, mưa to mưa nhỏ cũng không biết, thì có mười kích cũng bỏ…

TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Như mưa núi, như lũ rừng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO