Năm 2013, tôi tham gia đoàn làm phim Biển đảo Việt Nam. Nguồn cội tự bao đời, do Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh (HTV) thực hiện. Ngoài Việt Nam, đoàn còn đến các nước: Mỹ, Nhật, Úc, Singapore, Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Ý và Pháp để phỏng vấn các học giả, nhân chứng và ghi hình tư liệu. Tôi được mời làm cố vấn nội dung của phim, tìm kiếm tư liệu và tổ chức phỏng vấn các học giả, nhân chứng liên quan đến chủ đề bộ phim.
GS. Tạ Văn Tài (giữa) trả lời phỏng vấn đoàn làm phim tại Boston. |
Tấm lòng của kiều bào Việt Nam
Chúng tôi đã đi qua nhiều quốc gia, tiếp xúc với kiều bào Việt Nam ở nhiều nơi và đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của kiều bào trong việc tìm kiếm thông tin, thu thập tư liệu, trả lời phỏng vấn, hỗ trợ chuyên môn…
GS.Huệ - Tâm Hồ Tài ở ĐH Harvard (Boston, Massachusette) là giáo sư sử học. Tuy không phải là chuyên gia về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng nhờ mối quan hệ rộng rãi với học giới ở Mỹ, GS.Huệ-Tâm đã giới thiệu những học giả chuyên nghiên cứu Biển Đông ở Mỹ và những nước khác để chúng tôi phỏng vấn, hỗ trợ chúng tôi “đăng nhập” vào các thư viện danh tiếng ở Boston, New York, Washington, D.C. để tìm kiếm và ghi hình tư liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Bác sĩ Kiều Quang Chẩn (trái) trả lời phỏng vấn đoàn làm phim ở California. |
Tại ĐH Harvard, chúng tôi được cô Phan Thị Ngọc Chấn, người phụ trách fond tư liệu Việt Nam trong Thư viện của Viện Harvard-Yenching, hỗ trợ rất tích cực. Trước khi đoàn làm phim đến Harvard, cô Ngọc Chấn đã dành thời gian để tìm kiếm những tư liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam đang lưu trữ nơi đây, tập hợp về một nơi, đợi đoàn đến quay phim và sao chụp. Nhờ đó, chúng tôi đã tiết kiệm được thời gian, nhanh chóng tiếp cận được những tư liệu quý hiếm.
Học giả Harold E. Meinheit (trái), “người mở đường” cho đoàn làm phim “thâm nhập” Thư viện Quốc hội Mỹ. |
Cũng tại Boston, chúng tôi có cuộc phỏng vấn quan trọng với TS.Tạ Văn Tài, nguyên giáo sư Luật của ĐH Harvard. TS.Tạ Văn Tài đưa ra các luận điểm bác bỏ những xuyên tạc của Trung Quốc đối với bức Công hàm do Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Chính phủ Trung Quốc vào tháng 9.1958. Ông cũng cung cấp cho chúng tôi nhiều hồ sơ, chứng lý để phản biện và bác bỏ những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Trong khi đó, kỹ sư Trần Thắng, “người sưu tầm bản đồ chủ quyền” lại là người hỗ trợ thủ tục và hậu cần cho đoàn làm phim ở bờ đông nước Mỹ. Anh là người viết thư mời, lo thủ tục xin visa vào Mỹ cho cả đoàn. Khi đoàn tới Mỹ, Trần Thắng mời tới nhà anh ở West Hartford (Connecticut), giới thiệu những bản đồ mà anh vừa sưu tầm để đoàn quay phim, rồi gói ghém cẩn thận gửi cho chúng tôi mang về “tặng cho quê nhà”.
Tại California, chúng tôi được bác sĩ Kiều Quang Chẩn và cựu Trung tá hải quân Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Mạnh Trí, tạo điều kiện thuận lợi nhất để quay phim và phỏng vấn về những vấn đề liên quan đến vai trò của Việt Nam trong mạng lưới hải thương trên Biển Đông, và đặc biệt là cung cấp những thông tin xác thực về trận “hải chiến Hoàng Sa” ngày 19.1.1974 mà ông Nguyễn Mạnh Trí là một “người trong cuộc”. Bác sĩ Kiều Quang Chẩn và ông Nguyễn Mạnh Trí cũng kêu gọi một nhóm Việt kiều ở California, bỏ ý định tụ tập trước nhà ông để phản đối đoàn làm phim, giải thích với họ rằng đây là đoàn làm phim về Hoàng Sa - Trường Sa để phản bác những yêu sách và hành động xâm phạm của Trung Quốc đối với chủ quyền biển đảo Việt Nam. Những người này đã rút lui. Và chúng tôi đã được “yên ổn” trong hành trình quay phim ở California.
Khi sang Úc quay phim, chúng tôi lại nhận được sự giúp đỡ chí tình của kiều bào ở Úc. Trong số đó có ông Nguyễn Điền, một kỹ sư công nghệ, nhưng rất quan tâm và am hiểu vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam. Ông đã lái xe suốt 4 tiếng đồng hồ từ Canberra đến Melbourne để thăm đoàn làm phim và trả lời phỏng vấn của chúng tôi.
Ở châu Âu, TS.Ngô Văn Tuấn ở Hà Lan và nhà nghiên cứu Philippe Truong ở Pháp là hai người để lại trong chúng tôi những ấn tượng sâu sắc nhất. TS.Ngô Văn Tuấn là chuyên gia cao cấp của Cộng đồng châu Âu. Sau khi về hưu thì làm việc cho Tổ chức quốc tế phát triển Việt Nam ở Hà Lan. Khi biết tin chúng tôi tới thành phố Den Haag để tìm tư liệu, ông liền mời cả đoàn đến thăm nhà và mở tiệc để chiêu đãi, đồng thời cung cấp danh sách những học giả ở Hà Lan trong lĩnh vực này để chúng tôi tiếp xúc và phỏng vấn. Philippe Truong là một nhà nghiên cứu về khảo cổ học và bảo tàng học, mà tôi đã quen từ 15 năm trước. Trước khi sang Pháp, tôi gửi cho anh danh mục những bản đồ và tư liệu cần tìm trong các thư viện và kho lưu trữ ở Pháp. Philippe Truong sốt sắng nhận lời, rồi liên lạc với những nơi cần thiết để tra cứu, tìm kiếm tư liệu giúp chúng tôi. Sau đó anh làm các thủ tục để đoàn làm phim có thể tiếp cận và quay phim những tư liệu này ở Thư viện quốc gia Pháp và ở Viện lưu trữ phim ảnh Pháp tại Paris.
Sự hào hiệp của bạn bè quốc tế
Tháng 10.2013, bộ phim đã quay xong và chuyển làm hậu kỳ. Phải mất gần 2 năm và 13 lần chỉnh sửa, đến tháng 8.2015, bộ phim Biển đảo Việt Nam. Nguồn cội tự bao đời dài 5 tập mới chính thức phát sóng ở Việt Nam và đưa lên YouTube. Tháng 6.2016, phim nhận được giải A Giải báo chí quốc gia và giải A Giải báo chí TP.Hồ Chí Minh, cùng nhiều giải thưởng danh giá khác ở trong nước và trong khu vực ASEAN. |
Trong hành trình làm phim “Biển đảo Việt Nam. Nguồn cội tự bao đời” ở nước ngoài, chúng tôi còn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ rất vô tư của các học giả nước ngoài.
Tại Washington, D.C., chúng tôi được ông Harold E. Meinheit, cựu viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ, làm cầu nối để tiếp cận các tư liệu quý đang lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Mỹ. Sau khi hồi hưu, Meinheit trở thành nhà nghiên cứu bản đồ cổ và là người rất am tường kho bản đồ ở Thư viện Quốc hội Mỹ. Ông đã hướng dẫn chúng tôi làm thủ tục “nhập” kho, giúp chúng tôi tìm kiếm thông tin trên hệ thống thư viện điện tử. Nhờ đó, chúng tôi đã tìm thấy và ghi hình hơn 20 bản đồ quý hiếm đang lưu trữ ở Cục bản đồ và địa lý của Thư viện Quốc hội Mỹ. Đó là những bản đồ vô giá, góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tại Nhật Bản, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ quý báu của PGS-TS. Nishimura Masanari và vợ chồng GS. Kikuchi Seiichi. Nishimura là nhà khảo cổ học Nhật Bản chuyên nghiên cứu về gốm cổ Việt Nam trong các thế kỷ 15-17. Anh đã lập cho chúng tôi một bản kế hoạch chi tiết với khoảng 20 địa điểm cần đến, những nội dung cần quay phim và cung cấp địa chỉ e-mail, số điện thoại của những người mà đoàn làm phim cần liên hệ ở Nhật. Ngày 6.6.2013, Nishimura gửi e-mail cho tôi: “Tôi quen những nơi này nên sẽ hết sức giúp đỡ để đoàn được quay phim những tư liệu và hiện vật quan trọng nhất, đồng thời sẽ mời các học giả để các anh phỏng vấn”. Đó là e-mail cuối cùng anh gửi cho tôi, bởi sáng ngày 9.6.2013, trên đường từ Hà Nội đi khai quật một di chỉ khảo cổ ở Bắc Ninh, Nishimura bị tai nạn giao thông và qua đời.
May thay, một người quen khác của tôi là GS.TS. Kikuchi Seiichi ở Đại học Nữ Showa (Tokyo), đã nhận lời giúp đỡ chúng tôi. Lộ trình do Nishimura vạch ra đã được Kikuchi và vợ của ông là TS.Abe Yukiko tiếp nối, chỉ dẫn rất tận tình. GS.Kikuchi Seiichi còn cung cấp cho chúng tôi hàng chục tư liệu thành văn quý hiếm liên quan đến hoạt động ngư nghiệp và hải thương giữa Việt Nam với Nhật Bản trong các thế kỷ 17-18, còn TS.Abe thì trở thành “cầu nối” đưa chúng tôi đến khai thác tư liệu về biển đảo Việt Nam ở Đông Dương văn khố tại Tokyo.
Ở Hà Lan, đoàn làm phim nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của GS. John Kleinen, GS. Koetsier, TS. Willem F. van Eekelen (nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan) và TS. Frans-Paul Van Der Putten. Chúng tôi đã có những cuộc phỏng vấn hữu ích với họ về lịch sử chủ quyền biển đảo Việt Nam và phương thức giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Nhờ sự giới thiệu của các học giả này, đoàn làm phim đã “thâm nhập” vào Kho tư liệu cổ ở Văn khố Quốc gia Hà Lan tại Den Haag và tìm được nhiều tư liệu quý liên quan đến lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo Việt Nam đang lưu trữ nơi đây. Đặc biệt, những thủ thư ở Văn khố Quốc gia Bồ Đào Nha và ở Thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha, là những người tôi chưa quen biết trước đây, nhưng khi nhận được đề nghị của tôi qua e-mail, thì đã vô tư giúp đỡ. Họ cho phép đoàn làm phim đến khảo sát, đo đạc, chụp ảnh và làm bản sao tất cả bản đồ và tư liệu lịch sử quý giá đang lưu trữ tại hai nơi này, vì một lý do rất cao cả: “Chúng tôi muốn giúp các bạn những tư liệu giá trị và xác thực để các bạn có thể bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình”.
Trong hành trình làm phim, chúng tôi còn nhận được sự ủng hộ chí tình của bạn bè quốc tế ở Ý, Bỉ, Úc, Singapore… Nhờ họ mà hành trình làm phim của chúng tôi bớt đi nhọc nhằn và có được kết quả ngoài mong đợi.
TRẦN HUYỀN