Những bông hoa tiêu biểu

ANH TRÂM 26/03/2013 08:43

Những gương mặt được chọn giới thiệu trong ngày kỷ niệm 82 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần này là những bông hoa điển hình trong vườn hoa tuổi trẻ đất Quảng. Mỗi người là một câu chuyện về lý tưởng của người trẻ, đằng sau bảng thành tích...

Đặt mình trong tập thể

Trung úy Hồ Thị Minh Huệ với đời thường.
Trung úy Hồ Thị Minh Huệ với đời thường.

Lột bỏ phong thái nghiêm nghị của một Trung úy Công an chuyên phụ trách các nữ phạm nhân, đoàn viên tiêu biểu Hồ Thị Minh Huệ đã nói chuyện chân tình: “Đặt mình trong tập thể sẽ thấy được giá trị của kết quả làm việc. Không chỉ riêng trong công tác đoàn thanh niên mà bất kỳ phong trào đoàn thể nào, sức mạnh của tập thể làm nên kết quả cuối cùng. Mình chỉ là người được chọn để kể về những thành tích đó”. Công tác tại Trại tạm giam (PC81B, Công an tỉnh), Hồ Thị Minh Huệ có 4 năm kinh nghiệm thực hiện vai trò của một quản giáo nghiêm khắc, điềm tĩnh. Không nói về chuyện nghề nghiệp hay những khó khăn trong công tác, Huệ chỉ kể về những chương trình đã làm cùng Chi đoàn PC81B trong vị trí của Phó Bí thư chi đoàn. Mô hình mới trong công tác “quản giáo, trực tiếp quản lý, giam giữ và cải tạo can phạm nhân nữ” xem ra được rất nhiều thành viên của PC81B tâm đắc. Bởi mô hình này đòi hỏi tâm huyết và nỗ lực của cả tập thể với công việc được đánh giá nhiều cam go. Trẻ, lại rất thục nữ, Trung úy Hồ Thị Minh Huệ tưởng sẽ nhiều khó khăn khi quản lý can phạm nhưng đó đôi khi là một lợi thế trong những chương trình đặc biệt như: Giáo dục pháp luật cho phạm nhân hay Thắp sáng ước mơ cho thanh niên hoàn lương. Huệ nói: “Tội phạm ngày càng trẻ hóa, nhưng không phải tội phạm nào cũng là người xấu, nhất là đối với phạm nhân nữ. Do đó, khi giáo dục pháp luật cho phạm nhân, các đoàn viên của chi đoàn cũng rất nhiệt tình, điều này đã đem lại những kết quả rất tốt”. Vừa chuyển công tác từ Trại tạm giam về Ban công tác cán bộ nữ của Công an tỉnh, nhưng Trung úy Hồ Thị Minh Huệ vẫn còn “máu” với những kế hoạch sẽ thực hiện tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Huệ nói: “Được làm việc cùng với tập thể là một động lực rất lớn đối với một đoàn viên. Tuy chuyển công tác nhưng nếu Chi đoàn PC81B có những chương trình gì thì mình luôn sẵn sàng làm một cộng tác viên nhiệt tình và tiêu biểu”.

“Bác sĩ cộng đồng”

Bác sĩ Nguyễn Thái Nguyên trong đợt khám chữa bệnh tình nguyện tại Sê Kông (Lào).
Bác sĩ Nguyễn Thái Nguyên trong đợt khám chữa bệnh tình nguyện tại Sê Kông (Lào).

Bác sĩ Nguyên đã là một cái tên quá quen thuộc trong danh sách “tình nguyện” của Đoàn thanh niên. Các chương trình tình nguyện quốc tế, tình nguyện cấp tỉnh, tình nguyện do Đoàn Khối Các cơ quan hay Chi đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức… đều có tên bác sĩ Nguyễn Thái Nguyên. Đến mức các bạn đoàn viên tình nguyện gọi anh là “bác sĩ cộng đồng”. Kể về các chuyến khám chữa bệnh tình nguyện của bác sĩ Nguyễn Thái Nguyên, không chỉ nói về công việc chuyên môn mà còn về quan niệm của người trẻ về cuộc sống. “Có đi tình nguyện về những vùng núi cao, vùng biên giới và cả ở xứ bạn Lào mới thấy cộng đồng cần mình và mình cũng rất cần cộng đồng để có thể tích lũy kinh nghiệm sống. Hễ có đợt tình nguyện là mình tham gia, vì mình biết mỗi chuyến đi như vậy đem lại cho bản thân nhiều bài học chân thực từ cuộc sống. Điều quan trọng là mình đã làm được điều gì cho cộng đồng khi họ cần” - bác sĩ Nguyên nói. Điều đơn giản Nguyên nhìn thấy trong các chuyến đi này là cuộc sống luôn có những điều giản dị nhưng đầy ý nghĩa, bởi vậy “mình yêu những chuyến công tác tình nguyện cộng đồng”. Điều đáng nhớ nhất với bác sĩ Nguyễn Thái Nguyên là được tháp tùng chăm sóc sức khỏe cho đoàn Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào khi sang thăm Quảng Nam; “bảo trợ” sức khỏe cho các cán bộ dân tộc thiểu số cùng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đi thăm Lăng Bác Hồ.

Vì mọi người

Liên lạc được với đoàn viên tiêu biểu của làng Tu Ngung, xã Arooih (huyện Đông Giang) vô cùng khó khăn, bởi anh luôn ở trong núi, trong rừng. Đến cả lúc đại diện của Tỉnh Đoàn đến tận nhà khen tặng nghĩa cử hiến đất xây trường học của anh cũng chỉ gặp người nhà. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, gia tài lớn nhất của 4 anh em Arất Biếp, Arất Hùng, Arất Hứa, Arất Alênh chỉ là hơn 2.000m2 đất ở. Thế nhưng, khi có chủ trương của xã Arooih làm trường học mẫu giáo, 4 anh em đã thống nhất hiến toàn bộ đất của gia đình để xây trường học. Ngôi trường với 6 phòng học được dựng lên trong niềm vui của anh em nhà Arất nói riêng và của dân làng Tu Ngung nói chung. Giờ đây, câu chuyện 4 anh em người dân tộc Cơ Tu nghèo tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu để xây dựng trường học đã trở thành câu chuyện có ý nghĩa giáo dục đối với thế hệ trẻ ở xã Arooih. Bí thư Huyện Đoàn Đông Giang - Trần Phú Thọ kể: “Biết mình được chọn là gương mặt đoàn viên tiêu biểu của năm 2013, Biếp vui lắm, chỉ nói là sẽ tham gia lễ tuyên dương tại tỉnh để gặp mặt tất cả các đoàn viên. Dù cuộc sống hiện tại của 4 anh em nhà Arất còn không ít khó khăn, nhưng tất cả đều rất hài lòng, bởi họ đã làm được một việc nghĩa”.

Nguyễn Hoàng Vũ và công việc lao động hằng ngày.
Nguyễn Hoàng Vũ và công việc lao động hằng ngày.

Trong khi đó, đoàn viên Nguyễn Hoàng Vũ (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) lại có một hoàn cảnh khác. Chỉ có thể gặp Vũ ở chỗ làm việc lúc Vũ đang bốc vác hàng hóa chuyên chở cho các chủ cửa hàng trong vùng. Là anh lớn trong gia đình, công việc hàng ngày của Vũ là “làm việc quần quật” để chăm sóc mẹ và bà ngoại đã hơn 90 tuổi đau yếu bệnh tật ở nhà. Một tay Vũ vừa làm việc, vừa chăm sóc mẹ và bà. Lý do để Nguyễn Hoàng Vũ được đoàn viên - thanh niên huyện Nông Sơn thống nhất chọn là gương mặt tiêu biểu của Huyện Đoàn vì đã dũng cảm cứu 2 người trong dòng nước lũ hồi cuối năm 2011. Vũ cũng đã được Trung ương Đoàn tặng thưởng Kỷ niệm chương “Tuổi trẻ dũng cảm”. Nhưng Vũ nói rằng, ai gặp phải trường hợp như mình cũng sẽ làm như vậy.

ANH TRÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những bông hoa tiêu biểu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO