Nắng nóng đang ở đỉnh điểm. Thông tin từ báo chí cho biết ở nhiều nơi người lao động ngoài trời đang phải gồng mình chống chọi với cái nắng. Tại Tam Kỳ, hôm qua tôi lại chứng kiến “một bàn chân bé xíu” đang bước trên đường mưu sinh...
Đó là một cậu bé trạc 10 tuổi, đang bưng bê một mủng quà vặt. Cu cậu chạy ù qua một khoảng nắng mới đến được một quán nhậu sát đường nhựa, cũng đang trong cái nóng chát chúa. Người bán lẫn người mua đang nhăn nhó vì nắng, vì thế mủng quà vặt của cậu bé không được quan tâm. Khách nhậu ơ thờ xua tay, nghi ngờ những món ăn trong mủng hàng khó giữ được độ tươi ngon dưới nắng, nên cậu bé lại nhăn nhó bước đi.
Những bước chân trên đường mưu sinh, vào độ hè đến như rộn ràng hơn và chủ yếu dồn về phố thị. Dễ thấy nhất là trẻ em ven đô Tam Kỳ, hè đến là bỏ sách vở mưu sinh với đủ thứ nghề như đánh giày, bán vé số, bán hàng rong... Thậm chí ở lứa tuổi mẫu giáo, các em cũng được người lớn dắt đi buôn bán trên các nẻo đường với ánh mắt ngơ ngác. Tôi còn nhìn thấy nhiều phụ nữ bồng bế con cái đi dưới cái nắng chang chang, dạt vào quán xá bán hàng. Người mua thương thì ít mà giận thì nhiều, giận bởi nghĩ rằng đứa trẻ đã bị lợi dụng lòng thương hại của thiên hạ.
Nhớ lại tuổi thơ của mình, tôi cũng từng là đứa trẻ “bon chen”, hơn 10 tuổi đã biết theo cha chèo ghe đưa đò dọc cho những rổi cá từ biển quê lên thị thành. Những ngày hè, phải thức dậy từ tờ mờ sáng, chèo ghe hơn 3 tiếng đồng hồ mới đến được bến Tam Kỳ hay chợ Bà Bầu (xã Tam Xuân 2, Núi Thành). Chèo đến tay chân phồng rộp, chai đi rồi khi gặp nước lở ra rát rạt; tới bến còn phải khiêng vác cá mắm nặng nề. Ở vùng quê liền sông kề biển, nhiều đứa trẻ trang lứa với tôi thời ấy cũng từng nhọc nhằn lặn ngụp mưu sinh.
Có vẻ công việc của chúng tôi khi ấy dù cực nhọc, nguy hiểm nhưng dễ dàng hơn nhiều trẻ em mưu sinh ở đường phố bây giờ, ít ra là không phải đối mặt với thái độ của nhiều người. Trẻ em bán hàng rong trên đường phố hôm nay không có được cái nhìn thiện cảm, thậm chí bị gộp chung với nhiều đối tượng gây mất mỹ quan đô thị. Ở Tam Kỳ và Hội An, năm nào cũng nghe nói đến chiến dịch thu xếp đối với đội ngũ bán hàng rong, đẩy đuổi những người lang thang, tâm thần, ăn xin... chủ yếu đến từ các vùng quê ven đô. Dù đã triển khai bằng nhiều cách, nhưng có thể thấy việc “lập lại trật tự” đô thị này không hề dễ dàng. Khó, có thể do đó là nhu cầu tự thân của một xã hội đang còn rất nhiều người nghèo, không có việc làm ổn định; và cũng có thể do giờ đây người ta tìm thấy ở đường phố nhiều cơ hội để giải tỏa áp lực của chi phí cuộc sống, mà nhiều vùng quê những cơ hội này đang mất dần...
Tuổi thơ tất tả, với tôi không để lại “vết sẹo” nào cho đến bây giờ. Nhưng với những bước chân trên đường mưu sinh mà tôi gặp, làm sao tránh được tổn thương khi bước đi dưới cái nắng đang thiêu đốt và trong sự nhăn nhó của nhiều người nơi thị thành.
C.B.L