Nó xếp lá thư vừa viết xong còn nguyên mùi mực, vuốt góc cẩn thận rồi đặt ngay ngực trái. Xong rồi mới đặt vào bao thư. Nó lại nắn nót viết từng chữ hoa thật đẹp vào ô người nhận. Tỉ mẩn. Chăm chút. Như muốn dồn tất cả tình yêu thương, sự nhớ mong, lòng tự hào vào từng nét chữ ấy. Dán chiếc phong bì cẩn thận, nó đi về phía đầu giường, lôi ra một chiếc hộp nhỏ. Mở khóa. Nhẹ nhàng đặt bao thư vào đó cùng với 99 lá thư khác đã nằm ngăn nắp trong đó. Mỉm cười. Đây là lá thư thứ 100 nó viết cho ba.
Minh họa: VĂN TIN |
Nó – một con bé vừa tròn 11 tuổi. Nó sống với mẹ nơi thành phố phồn hoa đô hội. Tiếng còi xe inh ỏi. Tiếng ồn ào phố phường… Bao nhiêu âm thanh cứ trộn lẫn vào nhau mỗi ngày nhưng không làm sao át đi tiếng sóng biển vẫn vang lên trong lòng nó. Cứ mỗi dịp nghỉ lễ hay nghỉ hè, bao giờ mẹ cũng dẫn nó về quê nội. Quê nội nó là một ngôi làng nghèo ven biển miền Trung. Ở đấy, những ngày hè nắng gió đến rát da. Còn mùa mưa thì sóng vỗ ầm ầm với những cơn bão biển dữ dội. Ấy vậy mà nó lại yêu miền quê ấy đến lạ kỳ. Nó yêu những con sóng lăn tăn vỗ vào bờ cát mỗi sớm mai. Yêu những con cá, con tôm mắt sáng, trong xanh đến kỳ lạ. Yêu những buổi sớm mai ngồi nghe biển hát. Nó thích được ngụp lặn trong dòng nước mát lành ấy mà tưởng tượng như biển đang ôm nó vào lòng. Nó nhớ da diết những đứa trẻ đen nhẻm vì nắng và gió biển, nhưng nụ cười lại rạng ngời tỏa nắng… Đặc biệt, nó nhớ nơi ấy bởi ở đấy có người bà lưng còng, mắt mờ, ngày ngày chống gậy nhìn ra phía biển. Rồi lại chống gậy, men theo đồi cát, đến ngồi im lìm bên những ngôi mộ trên đồi. Bà thì thầm trò chuyện rất lâu. Rồi lại men theo đồi cát, đi về nhà. Nó vẫn thường hay theo bà mỗi khi về đó. Những lúc ấy, bà lại kể nó nghe bao nhiêu chuyện, những câu chuyện buồn, đã xa, xa lắm… Chuyện về ông, về ba nó, và về cả chính nó những ngày ấu thơ…
Những buổi chiều như thế, gió từ biển thổi vào phần phật. Mấy tàu dừa khô trước nhà xào xạc, xào xạc. Gió thổi tung mái tóc cắt ngang vai của nó. Nó nhìn mấy cọng tóc bạc phất phơ của nội mà thấy thương nội quá. Nội nhìn về phía biển lúc này đang nổi những con sóng bạc đầu bằng ánh mắt xa xăm. Tay nội sờ vào mấy tấm ảnh đã cũ. Rồi nội kể, giọng trầm hẳn đi: “Ông cháu ấy à! Ông đã từng là một người lính biển kiên cường đấy…”. Bao giờ nội cũng bắt đầu như thế! Qua lời kể ấy, nó hiểu được nỗi nhớ của bà dành cho ông. Vâng! Ông là lính biển, một người lính thực thụ. Cả cuộc đời bám biển, chiến đấu với bao kẻ thù, ông chưa bao giờ chùn bước. Ông yêu biển, đồng nghĩa với việc ông luôn phải xa gia đình. Tuổi thanh xuân của bà là những năm tháng cô quạnh. Bà vò võ nuôi con một mình. Ông ra đi trong một trận chiến ác liệt với kẻ thù. Bà đau đớn đến tận cùng nhưng phải gắng gượng vì con. Rồi ba lớn lên. Tình yêu biển đã ngấm sâu vào máu thịt. Mặc cho người mẹ khóc lóc, van nài, ba vẫn quyết tâm nối nghiệp ông. Ba cũng trở thành một người lính biển.
Một ngày của tám năm về trước – ngày nó lên ba. Một đứa bé ba tuổi, đầu quấn khăn tang, mặc bộ đồ tang trắng, tay cầm gậy đứng bên chiếc quan tài khiến bao nhiêu ánh nhìn ái ngại và thương cảm. Nó khóc… vì hôm nay nhà có nhiều người lạ quá! Mà ai cũng khóc! Tiếng kèn, tiếng trống ỉ ôi đến não ruột. Mẹ nó rũ rượi, ôm nó khóc không thành tiếng. Nó đâu biết rằng đó là ngày buồn tủi nhất. Ngày nó mãi mãi không còn ba nữa. Nó khóc đó, rồi ngủ đó, có khi cười với người quen khi được cho cái bánh, cái kẹo hay một món đồ chơi đẹp mắt… Ba tuổi, nó chưa hiểu mất mát là gì!
Sau này lớn lên, qua những lời kể của nội, của mẹ, qua những hình ảnh và kỷ vật ba để lại, nó đã khắc sâu trong tim hình ảnh về ba. Trong tâm khảm, nó hình dung ba là người cao lớn, vạm vỡ, ánh mắt đen đầy cương nghị, nụ cười thật hiền và giọng nói thật trầm ấm, vang xa.
Tuổi thơ đi qua. Nó dần lớn lên. Nhìn chúng bạn có ba đón mỗi chiều tan trường, được ba và mẹ chở đi công viên cuối tuần mà nó thấy chạnh lòng. Nó nhớ ba da diết nhưng không buồn. Nếu có ai hỏi: “Ba đâu?”, nó sẽ trả lời đầy tự hào: “Ba tớ ấy à! Ba tớ đã từng là lính biển đấy”. Ngày ấy, ba ra đi trong một lần làm nhiệm vụ, mãi mãi nằm lại nơi biển cả. Nội và mẹ tưởng không thể sống nổi. Nhưng rồi nhìn đứa con gái ba tuổi mắt đen láy, trong veo, cả hai đã cùng nhau đứng dậy, cùng nắm chặt tay nó. Lớn lên một chút, nó đã hiểu chuyện, đã biết những mất mát đau thương. Nó trở nên mạnh mẽ. Và tự nhiên nó yêu biển đến kỳ lạ. Những ngày ở quê, nó thường ngồi rất lâu bên bờ biển, nhìn ra xa. Nó di di bàn chân trên cát, để mặc những con sóng vuốt ve đôi bàn chân nhỏ. Thỉnh thoảng nó nằm sấp tai xuống cát để nghe những âm thanh u u trong ấy. Nó gọi đó là âm thanh của biển. Mẹ lại bảo: “Con lắng nghe đi, trong đó có tiếng thì thầm của ba”.
Nó bắt đầu viết những bức thư cho ba từ năm lớp 4. Nó đọc đâu đó trong sách nói rằng: “Nếu viết 1001 bức thư cho ai đó thì phép màu sẽ xuất hiện, người đó dù có đi xa cũng sẽ trở về”. Và nó tin, hy vọng phép màu ấy sẽ đến. Trong những bức thư, nó thường kể với ba về những chuyện trên lớp, chuyện cái Bích khóc nhè, chuyện thằng Tuân giật bím tóc, nhiều nhất vẫn là khoe những điểm 9, điểm 10 nó đạt được. Có hôm, nó thấy mẹ nhìn ảnh ba rồi khóc. Nó lại viết cho ba… Nó biết mẹ nhớ ba, như nỗi nhớ trong lòng nó vậy. Nó về thăm nội, chạy ù ra biển, chụm tay lên miệng rồi hét to : “Ba ơi! Con đã về thăm ba đây!” Sóng cuốn những lời của nó ra xa, xa mãi… Trên không trung những con hải âu trắng bay là là nhịp cánh. Người ta vẫn bảo, khi người lính biển ngã xuống họ sẽ hóa nên những chú hải âu. Hải âu bay lên cao nhưng vẫn bám biển muôn đời. Có lẽ trong những cánh chim kia có một đôi cánh là của ba nó….
Đêm ấy, nó lại thức khuya, nhìn ra phía biển, nhìn về phía xa, nơi có những ngọn hải đăng đang chiếu sáng vằng vặc . Nó lại ngồi viết những dòng thư cho ba. Lá thư thứ 101… Những cánh thư không bao giờ gửi…
“Ba thương nhớ! Chiều nay con lại về với biển, về với ba. Biển vẫn xanh và nước muôn đời vẫn mặn ba nhỉ? Cát dưới chân con vẫn vàng giòn. Những con còng cát vẫn chạy dài trên bãi. Con đã chạy theo chúng đến mỏi nhừ cả chân ba ạ! Biển chiều nay thật êm. Con đã nằm thật lâu để mặc những con sóng vỗ vào mặt, vào mình. Con biết biển đang thay ba ôm con vào lòng. Lời thì thầm của biển phải chăng là lời thì thầm của ba. Con không buồn đâu ba ạ. Con biết ba vẫn ở ngoài kia, ba hóa thân thành ngàn con sóng vỗ…. Ba là những cánh hải âu trên cao xanh bao la kia…Con đã lớn lên từng ngày bằng tình yêu thương của mẹ, bằng lòng mong mỏi của bà. Con được bồi đắp lòng yêu biển quê hương bằng những chiến công của ông và của ba. Con tự hào vì con có ba. Bên con vẫn còn có bao nhiêu trái tim đồng lòng hướng về biển cả. Dân quê mình vẫn bất khuất kiên trung. Ba ạ! Bài học hôm nào cô giáo dạy con vẫn nhớ. Biển quê hương mình vẫn vất vả gian nan… Con yêu ba, yêu biển quê mình. Con biết nơi trời cao xanh thẳm kia, ba đang mỉm cười nhìn con. Những chú hải quân vẫn ngày đêm bảo vệ ngư dân bám biển. Như những đàn hải âu kia vẫn là là nhịp cánh mỗi ngày trên biển phải không ba? Con sẽ còn viết nữa những dòng thơ về biển, về ba... Bây giờ con đã biết sẽ không có phép màu nào nữa nhưng con vẫn sẽ viết, con tin sẽ có một điều kỳ diệu xảy đến với mình. Khi nào biển còn là ba vẫn bên con. Những con sóng bạc đầu nghìn năm vẫn không thôi vỗ nhịp. Và nhịp đập trái tim ba đã hòa vào nhịp của sóng phải không ba?...”.
Nó gấp lá thư lại, nhẹ nhàng đặt lên ngực trái, cẩn thận như mọi lần… Ngoài kia, trăng đã lên cao lắm. Trăng như chiếc mâm vàng khổng lồ soi sáng cả mặt biển mênh mông. Gió hát lời ru của biển. Gió cùng sóng mang những lời thì thầm từ trái tim bé bỏng của nó ra xa, xa mãi nơi biển khơi.
LÊ NGUYỄN HOÀNG DIỄM (*)
_______________
(*) Học sinh lớp 7/1, trường THCS Lê Quý Đôn, Phú Ninh. Bài viết đoạt giải A trong Trại sáng tác văn học thiếu nhi các tỉnh thành phía Nam, do Trung tâm thanh thiếu niên miền Trung tổ chức tháng 7-8.2016.