Sáng nay, tôi đến nhà ông Trần Ngọc Tiến để tìm hiểu chuyện chiến trận năm xưa. Đã nhận được điện thoại của Huyện ủy Quế Sơn thông báo trước nên vợ chồng ông đón tôi từ ngõ, ân cần mời vào nhà. Ngồi vào bàn, tôi xin phép dẫn chuyện ngay:
- Thưa anh, có lẽ anh đã biết rồi, tôi đến là để nghe chuyện đánh Mỹ. Lượm lặt chuyện cũ, viết được cái chi thì viết. Người ta nói tôi ăn mày quá khứ, nhưng thực ra anh em mình, quê hương mình có quá khứ chứ thèm đi ăn mày của ai đâu. Tôi mong anh cố gắng nhớ để chúng ta cùng nhau giữ lại chút ít dấu tích cho con cháu sau này.
Trần Văn Tiến thoát ly gia nhập Tiểu đoàn 70 thuộc Tỉnh đội Quảng Nam từ tháng 12.1964. Lúc ấy Mỹ chưa đổ quân vào miền Nam, chính quyền Sài Gòn trên đường tan rã, dân các xã đông Quế Sơn đồng loạt nổi dậy phá ấp chiến lược, giải phóng quê hương. Làng Mông Nghệ là điểm nút của đường dây đông - tây Quế Sơn. Du kích, cán bộ, người thoát ly lên chiến khu, dân công hỏa tuyến từ đông Thăng Bình, đông Duy Xuyên; từ các thôn Đồng Tràm, Trà Đình, Mông Lãnh thuộc Phú Phong… về căn cứ Hòn Tàu hoặc đi ngược trở lại đều ngang qua đây. Sau 3 năm đi bộ đội, ông Tiến trở lại quê rồi được tín nhiệm làm Đội trưởng công tác, sau đó là Bí thư Phú Hương. Lúc này tình hình đã khác hẳn trước.
Giữa mùa hè năm1967, lính Mỹ đến chiếm đóng Núi Quế. Từ đây chúng đưa quân đi đánh phá, càn quét hỗ trợ cho lính ngụy lấn chiếm vùng giải phóng thuộc các xã Phú Hương, Phú Phong, Phú Cường, Phú Thọ. Đông Quế Sơn trở nên vô cùng ác liệt. Làng Mông Nghệ thuộc xã Phú Hương, nằm cách phía bắc chân đồn Núi Quế độ 2km thường xuyên bị lính Mỹ hành quân đến lập các chốt điểm dã chiến; lính ngụy ở Mộc Bài, Cống Ba dựa hơi lính Mỹ xua quân tiến lên càn quét, phục kích bất ngờ trên các ngả đường công tác, gây cho ta nhiều tổn thất. Làng xóm xơ xác, người chết, bị thương liên miên.
Bọn Mỹ-ngụy quyết tâm tát dân ra khỏi làng, tách dân ra khỏi lực lượng đối phương. Ta thì quyết bám dân, bám đất. Là Bí thư Chi bộ của một xã thuộc vành đai căn cứ quân sự Núi Quế, địch có quân số cả trung đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, trong khi Phú Hương chỉ có vài chục tay súng. Đối địch với chúng có khác gì đem trứng chọi đá. Nhưng, qua mấy năm chiến đấu và học tập chính trị trong bộ đội đã trang bị cho ông Tiến lòng tin vào sức mạnh của nhân dân. Hơn thế, Phú Hương là nơi có truyền thống cách mạng ngay từ thời Pháp thuộc. Các làng Phương Trì, Hương Quế, Mông Nghệ đều có đảng viên cộng sản trước khởi nghĩa 1945. Chi bộ ghép Phương Trì - Hòa Mỹ là chi bộ đầu tiên của huyện Quế Sơn cũng được hình thành tại vùng đông này. Ông Tiến luôn động viên đồng đội rằng: “Ta có dân che chở và luôn được sự yểm hộ của lực lượng cách mạng ở hậụ cứ. Đây là đất của ta, ta thuộc từng gốc cây ngọn cỏ, ta có thể chủ động bám trụ đánh địch gìn giữ mảnh đất cha ông”.
Nói cứng với đồng đội như vậy, nhưng trong lòng Bí thư Tiến cũng cảm thấy nao núng. Bởi, trước mắt ông là thực tế chiến trường. Sau Tết Mậu Thân (1967) tình hình càng xấu hơn. Ta mất đất quá nhiều, đông Quế Sơn chỉ còn lại những “vùng lõm”. Hỏa lực Mỹ tăng cường quá mạnh, bom pháo cày xới nát đất.
Bọn lính thủy đánh bộ Mỹ về đóng ở Núi Quế không ngây ngô, xem thường đối phương như mấy năm trước. Bây giờ, mỗi lần tiến hành càn quét nơi nào, chúng cho trực thăng chiến đấu phóng rốc-két, phản lực thả bom, các đồn xung quanh dội pháo nát cả một vùng, “dọn sạch” các mối nguy hiểm, bọn chỉ huy mới cho đổ quân. Chúng cũng chơi trò du kích, xé quân nhỏ, mật phục các nẻo đường. Từ Núi Quế đến các vùng phụ cận, lính Mỹ thường xuất quân lúc trời chưa sáng hoặc chạng vạng. Rất chịu khó, không theo lối mòn mà băng đường đồng hoặc tự mở đường để đi. Với cách hành quân như vậy, chúng vừa tránh được mìn của ta vừa bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ… Có lúc cả đội công tác vừa thức dậy, trời còn mờ mờ mà lính Mỹ đã ở ngay bìa làng. Chưa kịp rút dây võng, chúng đã nổ súng. Các ông chỉ kịp chụp lấy vũ khí thoát thân. Tư trang vứt lại, dân trụ bám cất giúp cho.
Lúc này đánh Mỹ quá khó so với trước. Mỗi lần du kích bắn tỉa một tên, lập tức dân trụ bám phải đội bom trả đũa cả ngày trời. Có nơi chúng xông vào làng xả súng điên dại, bất kể già trẻ lớn bé. Dân cũng có người phiền trách du kích: Tụi bay có đánh thì đánh cho ra trò, chứ đừng có xẹt đùng rồi bỏ chạy, chỉ tổ chọc cho chúng phá nát làng xóm.
Ông Tiến cùng đội công tác ngày đêm quần quật, vừa tránh vừa đánh nhưng cũng chẳng diệt được bao nhiêu tên địch mà anh em mình hao mòn dần. Dân nói cũng đúng, ta phải đánh những trận tập trung, tiêu diệt gọn, bọn chúng mới khiếp sợ. Nghiên cứu chiến thuật và hành sự của lính Mỹ, Chi bộ Phú Hương phát động phong trào đánh Mỹ lết. Du kích quyết tâm khiến bọn Mỹ phải bỏ thói ngang tàng hoành hành làng xóm vùng giải phóng.
Bọn Mỹ từ Núi Quế hành quân đến Mông Nghệ, thường đóng tại bãi đất trước nhà ông Bảy Cái. Mỹ ra khỏi đồn đóng quân dã ngoại là rời các lô cốt và hàng rào kiên cố, đánh mất lợi thế quân sự. Nhưng chúng lại bố trí quân linh hoạt, đi ở bất thường, ta khó trinh sát chuẩn bị chiến trường. Nhưng khó mấy cũng phải đánh.
Hôm ấy là ngày thứ năm bọn Mỹ đến đóng tại bãi đất trước nhà Bảy Cái. Tối đến, chúng cho quân ra khỏi các công sự tạm bợ đi phục kích các ngả đường. Ông Tiến cho du kích dò la nắm tình hình. Biết khá chắc hành sự của chúng, ông chỉ đạo xã đội lên sa bàn tập kích chốt điểm dã ngoại này.
Trong lúc lên kế hoạch chuẩn bị đánh quân Mỹ tại chốt điểm Bảy Cái, trưa ngày 25.5.1970 Trần Định đi ngược khe Nhung lên triền đồi phía Rộc Luyến hái sim ăn cho đỡ đói bất ngờ phát hiện một trung đội Mỹ đang dầm mình dưới hố nước Rộc Luyến. Có lẽ vì trời nắng gắt nên bọn chúng tìm chỗ nước mát xả bớt cái nóng nực của vùng nhiệt đới này. Lợi dụng những bờ cây um tùm, ông bò tới quan sát, thấy bọn chúng ở dưới hố nước, ba lô tư trang, súng ống chất ngổn ngang trên bờ không một chút cảnh giác. Ông vội vàng quay lui, chạy về vườn nhà ông Tiến, nơi toàn Đội du kích Phú Hương đang tập trung. Ông Định lập tức báo cáo tình hình và xin chỉ thị cho tập kích bọn Mỹ tại Rộc Luyến ngay trưa hôm ấy. Ông đề xuất:
- Các đồng chí tập trung lựu đạn cho tôi. Một mình tôi bất ngờ tập kích bọn này. Chỉ một mình tôi thôi, đi đông dễ bị lộ. Tôi bảo đảm sẽ hoàn thành nhiệm vụ nếu như anh Tiến đồng ý. Mà rủi có chuyện chi thì cũng chỉ có mình tôi thôi. Cái thế đó dễ đánh lắm, xung quanh toàn bụi rậm, ta nằm phía trên cao, tụi nó ở dưới hố, bất ngờ nện lựu đạn từ trên xuống tụi nó sẽ không trở tay kịp.
(Còn nữa)
PHẠM THÔNG