Những câu chuyện tình người

CHÂU NỮ - PHƯƠNG NAM 28/09/2017 12:28

Giúp người dân tiếp cận các dịch vụ pháp lý miễn phí, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, đúng pháp luật... là niềm vui, niềm hạnh phúc của những người làm công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Quảng Nam.

Trung tâm TGPL tỉnh tuyên truyền pháp luật cho đồng bào vùng cao. Ảnh: C.N
Trung tâm TGPL tỉnh tuyên truyền pháp luật cho đồng bào vùng cao. Ảnh: C.N

1. Vượt quãng đường xa xôi đến với các khu vực vùng sâu, vùng xa để TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số; kiên trì theo đuổi vụ việc để đòi quyền lợi cho người có công cách mạng; khơi gợi lòng nhân ái trong các vụ án... là những câu chuyện đầy tình người và đậm tinh thần nhân văn của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý. Niềm vui, hạnh phúc của người dân và cũng chính là niềm vui, mục đích công việc mà họ hướng đến. Ông Lê Văn Hương - Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh chia sẻ, sở dĩ những người làm công tác TGPL sẵn sàng “dấn thân” như vậy là vì ai cũng mong muốn mọi người dân đều được tiếp cận pháp luật; hiểu, làm đúng theo các quy định của pháp luật và được hưởng các quyền lợi chính đáng của mình.

Trong “đội hình” trợ giúp viên pháp lý của Quảng Nam, hầu như ai cũng từng đến vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người dân. Thậm chí, với một số người, việc đến những nơi xa xôi ấy gần như là “chuyện thường ngày”. Trợ giúp viên Nguyễn Thành Lê - một trong những người rất nhiều lần tham gia TGPL cho người dân các xã đặc biệt khó khăn, cho biết thông qua tư vấn, TGPL, anh và các cộng sự đã giúp một số người vi phạm chính sách bảo vệ rừng do thiếu hiểu biết về pháp luật được hưởng mức án có phần nhẹ hơn, đúng với hoàn cảnh phạm tội của họ. Và quan trọng hơn, sau những vụ việc đó và nhất là sau khi được tư vấn, TGPL, người dân đã hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về bảo vệ rừng nói riêng. Đây cũng là dịp để các cơ quan chức năng ở địa phương vào cuộc tích cực trong việc phổ biến pháp luật đến người dân.

Hay trong câu chuyện dưới đây, vấn đề không chỉ là các tình huống pháp luật. Một lần, Trung tâm TGPL tổ chức một đoàn công tác TGPL lưu động ở các xã Phước Lộc, Phước Thành, Phước Công của huyện Phước Sơn. Ở các xã này, đồng bào Bh’noong chiếm 90% dân số, đời sống còn rất nhiều khó khăn nhưng vẫn vượt đường sá xa xôi đến nghe. Nhìn cảnh ấy, những người làm công tác TGPL hiểu ngay rằng, bà con ở đây không chỉ thiếu thốn về vật chất mà còn thiếu cả kiến thức pháp luật và luôn khao khát được tìm hiểu. Lần đó, đoàn công tác đã hội ý, quyết định tổ chức tư vấn trên phạm vi rộng hơn so với dự kiến ban đầu, rồi phân công nhau giới thiệu cho bà con những chính sách mới, gần gũi, thiết thực. Nhiều người dân cho biết, qua tư vấn, trợ giúp của đoàn công tác, họ mới hiểu được các giao dịch dân sự, các chính sách của Đảng, Nhà nước, hiểu được giá trị của những tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Và còn một điều đặc biệt nữa, sau chuyến đi đó, khi trở lại miền núi công tác, các trợ giúp viên pháp lý đã mang theo nhiều áo quần, vật dụng sinh hoạt để tặng bà con. Chị Lê Thị Hồng Thu, một trong những trợ giúp viên tham gia đợt TGPL ấy, kể lại: “Thấy bà con phấn khởi mang quà về, chúng tôi rất vui. TGPL đâu phải lúc nào cũng chỉ là những điều luật, quy định khô khan...”.

2. Trước khi kể câu chuyện của mình, ông Bùi Doãn Giới (thương binh 4/4, trú xã Tam Đại, Phú Ninh) nói: “Cũng nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn, tư vấn của TGPL mà gia đình tôi đã được cấp sổ đỏ”. Ông Giới kể, năm 1992, ông mua của HTX số 2 xã Tam Thái (cũ) một nền sân gạch với giá 3 triệu đồng. Từ đó về sau, vợ chồng ông canh tác trên mảnh đất ấy. Từ năm 2005 - 2012, sau nhiều lần làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được giải quyết, ông Giới đến Trung tâm TGPL tỉnh nhờ giúp đỡ. Sau khi nghiên cứu hồ sơ của ông Giới, Trung tâm TGPL đã cử trợ giúp viên đến làm việc với địa phương; tìm hiểu, giải thích về các cơ sở pháp lý liên quan... Sau đó không lâu, ông Giới đã được được phép chuyển mục đích sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Không chỉ mang kiến thức pháp luật đến với người dân ở vùng sâu, vùng xa và các nhóm đối tượng ít có cơ hội tiếp cận dịch vụ pháp lý, các trợ giúp viên pháp lý còn tham gia bào chữa tại tòa cho nhiều trường hợp. Trên tinh thần thượng tôn pháp luật và nhân văn, các trợ giúp viên tham gia bào chữa tại các phiên tòa đã giúp bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho nhiều người, mà phần lớn là những người yếu thế. Có những phiên tòa kết thúc rất có hậu, như bào chữa cho một người trẻ can tội trộm cắp tài sản được hưởng án treo, để  họ có cơ hội đứng lên từ vết ngã đầu đời. Có những phiên tòa kết thúc trong sự đồng tình của nhiều người vì sự thấu tình đạt lý, như khi bào chữa để giúp một người cha khuyết tật giành được quyền nuôi con và cũng phù hợp với nguyện vọng đứa trẻ vì người mẹ không quan tâm đến con cái trong một vụ án ly hôn... Ông Hồ Văn Hiệp, một người khuyết tật ở xã Tam Anh Bắc (Núi Thành) được Trung tâm TGPL tỉnh hỗ trợ pháp lý và đã thắng trong vụ kiện đòi chính quyền địa phương thực hiện chế độ trợ cấp xã hội cho mình, tâm sự: “Tôi thật sự cảm phục vì không ngờ vụ việc nhỏ của mình lại được giúp đỡ tận tụy, chí tình như vậy”.

Tâm sự của trợ giúp viên Nguyễn Trí Bảy - người trực tiếp tham gia bào chữa cho ông Hiệp trong vụ việc vừa nêu, có lẽ cũng là tâm tình chung của những người làm công tác TGPL của tỉnh: “Đem kiến thức pháp luật đến cho người dân và giúp họ giành lại quyền lợi chính đáng của mình chính là động lực, là niềm vui để chúng tôi thêm gắn bó, thêm yêu công việc của mình. TGPL cho dân chính là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và góp phần nâng cao ý thức pháp luật, ứng xử pháp luật của công dân trong quan hệ đời sống hàng ngày”.

CHÂU NỮ - PHƯƠNG NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những câu chuyện tình người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO