1. Hai năm kể từ khi bốc mộ chú mình, hôm nay những người cháu của liệt sĩ Lê Văn Bồ ở TP.Việt Trì (Phú Thọ) lại về thăm mẹ Huỳnh Thị Huệ, còn gọi là mẹ Sướng, ở thôn An Mỹ 2, xã Tam An, Phú Ninh. Người mẹ tuổi 80 này vẫn còn rất minh mẫn khi nhớ về 8 chiến sĩ quân Giải phóng hy sinh và cả câu chuyện liên quan đến chiếc thắt lưng của liệt sĩ Lê Văn Bồ.
Mẹ Huỳnh Thị Huệ, còn gọi là mẹ Sướng (giữa) với gia đình liệt sĩ Lê Văn Bồ. Ảnh: HỒNG VÂN |
Mẹ Sướng rơm rớm nước mắt, kể: “Sau Mậu Thân 1968, lính ngụy về đóng trong làng An Mỹ này, nhưng đêm đó bộ đội không biết nên lọt vào ổ phục kích của chúng. Tám chiến sĩ đã hy sinh, chỉ có một người thoát được. Nghe tiếng súng tôi chạy ra, chỉ cho chú ấy hướng tránh an toàn. Địch bắt dân đào hố trước chợ Quán Rường rồi dùng xe chở 8 liệt sĩ đổ xuống đó lấp lại. Mấy ngày sau, khi tạm lắng, tầm 3 giờ sáng, du kích mò mẫm xuống kéo thi thể anh em lên. Tôi và bà Huỳnh Thị Lũy cùng xóm về nhà mình, qua cả hàng xóm kiếm 8 tấm chiếu bó liệt sĩ lại đem khâm liệm, chôn cất đắp mộ vun cao. Còn nhớ, khi mang thi thể các liệt sĩ lên, du kích dùng dao cắt hết thắt lưng ra. Trong đó thắt lưng một chú có khắc chữ “Lê. Th. Hường”. Tôi nhớ rõ vì du kích dùng bật lửa đọc để có chứng cứ sau còn tìm. Chú Hường còn trẻ măng, da trắng như con gái. Tôi và bà Lũy chôn ở ngoài cùng dãy mộ”.
Cũng theo mẹ Sướng, sau giải phóng, có chỉ huy đơn vị về tìm mẹ hỏi chuyện liệt sĩ. Mấy anh nói rằng đây là các chiến sĩ của Đại đội Thông tin thuộc Tiểu đoàn 72, Tỉnh đội Quảng Nam về đánh trận Quán Rường. Đồng thời cho biết “Lê. Th. Hường” là viết tắt của Lê Thanh Hường, tên thật là Lê Văn Bồ. Sau này, khi dời hài cốt vào nghĩa trang liệt sĩ xã, mẹ cũng đã ghi vào giấy và đưa cho địa phương. Tuy nhiên xã quyết định khắc trên bia mộ chỉ lấy tên “Lê. Th. Hường” như tên khắc trên thắt lưng cùng với năm sinh, quê quán, thời gian hy sinh do đơn vị cung cấp. Hai lần di dời từ chợ Quán Rường vào nghĩa trang Tam An, sau tách xã, lại tiếp tục dời vào nghĩa trang mới liên xã Tam Đàn - Tam An, tên ghi trên bia mộ vẫn được giữ nguyên.
Quy tập hài cốt liệt sĩ Lê Văn Bồ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tam An (Phú Ninh) đưa về Phú Thọ. |
Cứ nghĩ danh tính đã rõ, có người chứng kiến, việc tìm liệt sĩ và cất bốc hài cốt sẽ đơn giản, không ngờ vô cùng phức tạp. Anh Lê Quảng Ba, cháu gọi liệt sĩ Lê Văn Bồ bằng chú, kể: “Ông nội tôi có 4 người con đều đặt tên cây trái là Đề, Bồ, Trám, Chín. Nghe các chú trong đơn vị kể, đi bộ đội chú Bồ thấy tên của mình không đẹp nên khai lại trong giấy tờ ở chiến trường là Lê Thanh Hường. Ai cũng biết điều này. Năm 1974, gia đình có thông báo tìm liệt sĩ trên Đài Tiếng nói Việt Nam cũng nêu rõ liệt sĩ Lê Văn Bồ tức Lê Thanh Hường. Tờ giấy đăng thông báo năm 1974 ấy gia đình vẫn còn giữ. Nhưng khi đem vào Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam thì không được chấp nhận, lý do được đưa ra là không có dấu đỏ”.
Cũng có lẽ vì sự không trùng khớp do hồ sơ của Quảng Nam chỉ quản lý tên liệt sĩ “Lê. Th. Hường” trong khi giấy báo tử là Lê Văn Bồ mà việc cất bốc hài cốt liệt sĩ không được chấp nhận. Cho dù sau đó gia đình đã nhờ hai cán bộ Tiểu đoàn 72 chứng nhận liệt sĩ là người của đơn vị, rồi về Việt Trì xin xác nhận của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Thọ rằng TP.Việt Trì không có liệt sĩ nào tên Lê. Th. Hường. Không còn cách nào khác, gia đình quyết định lấy mẫu giám định ADN. Người cháu một lần nữa trở ra Bắc đưa cô ruột mình đi xét nghiệm và kết quả giám định đúng như mong muốn. Lễ bàn giao hài cốt liệt sĩ tại huyện Phú Ninh và lễ truy điệu, an táng tại TP.Việt Trì đã được tổ chức trang trọng trong niềm vui vô bờ của gia đình liệt sĩ.
Khi nghe liệt sĩ Lê Văn Bồ đã được quy tập về quê, mẹ Sướng vui mừng lắm. Bây giờ nghe thân nhân liệt sĩ đến cảm ơn, mẹ bảo: “Ai trong trường hợp của mẹ cũng làm vậy thôi. Các con miền Bắc đang tuổi ăn học mà gác hết để vào giải phóng miền Nam. Nay hy sinh, mẹ không chôn được cho đàng hoàng thì còn ra làm sao”. Chính vì “chôn cho đàng hoàng” mà bọn địch đã phát hiện mẹ Sướng là người tiếp tay cho cách mạng và bắt nhốt ở Tam Kỳ. Chúng đánh đập đến nỗi hai tay mẹ bị rút lại, cái dài, cái ngắn. Hai năm sau mẹ mới được thả. Hiện nay sức khỏe yếu, mẹ sống trong căn nhà đại đoàn kết do xã xây tặng và nhận mức trợ cấp tù đày 800 nghìn đồng/tháng.
Trong tháng 7 tri ân này, vượt đường sá xa xôi, anh Lê Quảng Ba đưa vợ và hai con gái còn nhỏ vào Quảng Nam viếng hương nghĩa trang liệt sĩ nơi chú mình từng nằm và thăm các gia đình ân nhân. Anh nói rằng, tìm được chú Bồ về gia đình mới thấy thanh thản. Trở lại Tam An, anh thấy mình gắn bó biết bao với mảnh đất này, nơi gần 50 năm trước, người chú thân yêu đã nằm lại khi tuổi đời mới hai mươi.
2. Đầu tháng 10.2010, trong lúc dọn dẹp đồ đạc để xây lại nhà mới, ông Vũ Đức Hưởng - cán bộ bưu điện tỉnh Hưng Yên tìm thấy cuốn nhật ký chiến trường của mình mà lâu nay ngỡ đã thất lạc. Đặc biệt, ở trang viết ngày 14.8.1974 có ghi về trường hợp hy sinh của đồng đội Vũ Duy Hoạt làm ông giật mình và không cầm được nước mắt. Trong đó có đoạn: “…Mộ Hoạt nằm cạnh một tảng đá rất to, đầu quay về hướng bắc, khâm liệm bằng 3 lần tăng và võng, nhớ lấy sau này có khi cần đến”.
Lễ an táng hài cốt liệt sĩ Vũ Duy Hoạt ở quê hương Việt Cường, Yên Mỹ, Hưng Yên. (ảnh do gia đình liệt sĩ cung cấp). |
Từng kỷ niệm hiện về mồn một trong cựu chiến binh Vũ Đức Hưởng, ngỡ như mới hôm qua. Ngày xưa ông cùng người đồng đội Vũ Duy Hoạt (quê Việt Cường, Yên Mỹ, Hưng Yên) làm nhiệm vụ bảo đảm thông tin cho Sở chỉ huy phía trước Quân khu 5. Lúc Hoạt hy sinh, đang chiến trận, không kịp đưa về hậu phương, đồng đội chôn ngay tại nơi đơn vị đóng quân dưới chân núi Chôm, nay thuộc xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn… Không thể chậm trễ hơn nữa, ông Hưởng bắt đầu hành trình vào Nam tìm đồng đội.
Ông Hưởng cùng hai người em của liệt sĩ Hoạt vào Đà Nẵng, tìm gặp hai đồng đội cũ là Nguyễn Tiến Đãi và Nguyễn Văn Bão thuộc Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 575. Không chỉ cùng chiến đấu trước đây, họ còn là “đồng môn” lớp báo vụ do Đoàn 4 Bộ Tư lệnh Thông tin đào tạo tại Hà Bắc (cũ) nhằm bổ sung cho các chiến trường B, C, K. Đến làm việc với Trung đoàn Thông tin 575 (nay là lữ đoàn), họ nhận được sự giúp đỡ tận tình. Đơn vị hỗ trợ kinh phí, ưu tiên phương tiện đi lại trong suốt hành trình. Không may là những ngày đó mưa lớn, đường xấu, ô tô không thể lên được núi Chôm. Mọi người dừng dưới chân đèo Le, rồi mượn xe máy đi tiếp 60km đường rừng ngoằn ngoèo vòng qua huyện Hiệp Đức. Rồi xe máy cũng không đi được khi gặp dốc cao. Các cựu chiến binh tuổi xấp xỉ 70 bẻ cây làm gậy lội bộ hơn chục cây số nữa mới đến nơi đơn vị đóng quân khi xưa.
Thượng úy Lê Minh Phương - Trợ lý chính sách Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nông Sơn kể: “Với người trẻ thì không sao, nhưng với các bác tuổi đã cao mà vẫn lội rừng cả ngày khiến chúng tôi vô cùng cảm phục. Có những đoạn đường bị xói lở, dù các bác không đồng ý, hai dân quân của xã Quế Lộc đi cùng đã tình nguyện cõng hoặc dìu đi để tránh nguy hiểm. Chính tâm huyết của các bác đã động viên chúng tôi rất nhiều”.
|
Thời gian trôi qua hơn 40 năm, địa bàn thay đổi, dấu tích xưa không còn, cuộc tìm kiếm vô cùng gian nan. Cũng may họ có được một lán trại trú tạm trên núi Chôm. Đây là nơi ở để đốt than của gia đình người cháu cựu chiến binh Lại Văn Nhiên - hiện ở Nông Sơn, thành viên trong đoàn. Nhiều hôm mưa như trút nước, quật tung lán trại sơ sài, những người lính già phải né chỗ này, tránh chỗ kia cho khỏi ướt. Có người bị vắt cắn toàn thân, phải sơ cứu như thời chiến tranh. Không nghĩ đường sá trắc trở nên thực phẩm đoàn mang theo chỉ có mì tôm, lương khô, rau rừng. Vợ cựu chiến binh Nguyễn Tiến Đãi từ Đà Nẵng lặn lội mang lên cho đoàn 60 ổ bánh mì, được cho là “quý hơn vàng”. Sau đó, một dân quân của xã cấp tốc chạy về nhà mang thêm gạo rồi kho thịt với mắm, làm thức ăn nhiều ngày cho gần 10 người. Nơi đây không có điện, chiếc đèn pin nạp nhiên liệu của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nông Sơn là nguồn sáng duy nhất cho cả đoàn. Khó khăn là vậy nhưng không ai nản lòng. Bảy ngày băng bộ lùng sục khắp chiến trường xưa vẫn không tìm thấy nơi đồng đội được chôn cất. Tảng đá to trong nhật ký nay đã bị cây rừng che phủ, không còn đâu vật chuẩn và là ẩn số phải đi tìm. Có bản đồ mang theo nhưng vẫn không xác định được phương hướng trước núi rừng mênh mông. Đến ngày thứ 8, trước tình huống bế tắc, cựu chiến binh Nguyễn Tiến Đãi phải băng bộ ra, về lại Đà Nẵng lấy bản đồ quân sự từ trước 1975 đem lên để tìm tọa độ cho chính xác hơn. Quả đúng như vậy, sân bóng dã chiến của đơn vị trong những ngày đóng quân hiện lên rõ ràng. Từ đây, việc tìm kiếm dễ dàng, thông suốt. Cuối cùng mọi người vỡ òa trong niềm vui khi mộ liệt sĩ Vũ Duy Hoạt được tìm thấy với dấu tích như trong nhật ký của cựu chiến binh Vũ Đức Hưởng.
Việc đưa hài cốt liệt sĩ về quê cũng gặp nhiều trở ngại khi phải 3 lần sang xe do các chủ phương tiện xe khách nặng mê tín. Tuy nhiên khi về đến nơi, đoàn gặp ngay tình cảm ấm áp của đồng đội một thuở. Đại tá Nguyễn Đình Hùng - Chủ nhiệm Chính trị Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga (nay đã về hưu), bạn cùng lớp thông tin của liệt sĩ Vũ Duy Hoạt đón sẵn và cho xe chở về Yên Mỹ, Hưng Yên. Cảm động nhất là tại đây, Đại tá Nguyễn Đình Hùng đã tập hợp và “điểm danh” quân số lớp báo vụ của Bộ Tư lệnh Thông tin năm trước. Trong số 32 chiến sĩ năm ấy qua các chiến trường nay còn 22 người. Họ có mặt trong lễ an táng hài cốt liệt sĩ với niềm xúc động sâu xa.
HỒNG VÂN