Cả dãy quán đều dùng những chiếc ghế nhựa xanh đỏ tím vàng, cao khoảng ba mươi phân, khi ngồi vừa tầm để tay trên gối. Tờ mờ sáng, chủ quán đã dậy nhóm lửa, chuẩn bị đồ ăn thức uống rồi xếp ghế quanh mấy chiếc bàn con đặt từ trong nhà ra vỉa hè.
Quán san sát liền kề nguyên dãy phố, với bún bò, bánh bèo, cà phê, mỳ Quảng… nối nhau. Chỉ rộn ràng non buổi sáng, khi những đóa hoa mười giờ trong khuôn viên nhà thờ gần đó hé nở, người ta bắt đầu dọn rửa, những chiếc ghế được xếp lại thành chồng để trong góc, chờ hôm sau.
Nhà ông lọt giữa khu phố ẩm thực bình dân ấy, ngay phía trước đã có mấy quán án ngữ. Chỉ thoáng qua trong gió ông cũng biết người ta bắt đầu pha cà phê hay nướng thịt quá lửa hoặc hành phi bị cháy, lại biết nồi nhưn mỳ hay nồi xôi vừa mở nắp. Chỉ cách vài bước chân nhưng ông chưa một lần vào quán ở đây, chưa từng ghé mông lên cái ghế ngồi gò bó, ngó đã cảm thấy khó chịu. Vẫn xa lạ với ông từ anh đạp xích lô hay thợ hồ, bà nhặt ve chai hay quét rác, dẫu sáng nào ông cũng gặp họ vào quán điểm tâm.
Bữa sáng của ông ở nơi không thuộc về số đông, cũng tô bún bát phở nhưng ở đẳng cấp khác, thậm chí nghe tên quán đã biết độ sang trọng của người dùng. Lắm lúc ông xong bữa với vài sợi mì, con bún cộng thêm mấy muỗng nước lèo bôi trơn cổ họng nhưng cũng đủ để cơ quan hậu cần tất bật từ đêm qua. Khi ông đi thị sát đơn vị cấp dưới, bởi không biết gu ăn uống của sếp nên nhân viên phục vụ rụt rè dò hỏi; đáp lại là lời đại khái khiến thuộc cấp đau đầu động não: “Ăn gì chẳng được”. Sở thích tù mù, mênh mông thế thì biết chiều làm sao; người phục vụ đành đáp lại theo kiểu quăng chài, nghĩa là bày ra cả sê-ri món ăn, sếp thích gì chọn nấy. Lại nữa, việc ông nhận lời ăn sáng với thuộc cấp cũng đồng nghĩa ban phát niềm vui cho họ. Chỉ cần ông hạ cố đi ăn cùng là đã cho kẻ chi tiền có quyền vênh mặt khoe với đồng nghiệp.
Đang là quan chức đứng trên bao người, ông cảm thấy mình rơi ngay vào nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương, khi về hưu. Từng vi vu trên mọi miền hay đi mây về gió nhưng không gian của ông bây giờ dường như chỉ từ nhà ra ngõ. Hàng chậu kiểng gồm mấy cây sanh, si và lộc vừng để sát bờ rào, bỗng thành lưỡng tiện, vừa che chắn cho ông thỏa mái quan sát bên ngoài vừa là vạch giới hạn bước chân ông chủ. Nghe vợ bảo tỉa bớt cành lá rậm rạp để sân nhà được thoáng, ông lờ đi bởi muốn cây lá đồng tình chở che nỗi lòng bất ổn. Với ai kia, về hưu được thỏa thích chu du khắp nơi cho đã đời, ông thì ngược lại. Tất nhiên, chẳng ai dám cả gan xâm phạm quyền tự do đi lại của công dân, chỉ nỗi lo sợ mơ hồ khiến ông bỗng dưng yếm thế, khiến bước chân ngần ngại ra đường. Ánh mắt ghẻ lạnh hay lời xầm xì sau lưng, nụ cười nửa miệng hay ngón tay chỉ chỏ từ xa đều như lực cản vô hình, không cho ông tự nhiên ra khỏi ngõ.
Đến đi bộ buổi sáng ông cũng ngại, mặc vợ năn nỉ thiết tha. Lắm lần đứng sau hàng rào nhìn từng tốp trẻ già tung tăng sải bước trong tiếng nói cười, ông nôn nao, ao ước. Cả mấy quan chức từng đứng đầu bộ ngành hay tỉnh thành cũng hòa vào dòng người đi bộ rồi thỏa mái xoay hông, ưỡn ngực đón bình minh, khiến ông bứt rứt đến phát thèm. Ông đơn độc leo cầu thang thay vì hiên ngang bước cùng dòng người trên phố, mệt, lại ngồi thở một mình. Vợ nhìn chồng ái ngại, tưởng đùa nhưng thật: “Về hưu mà cứ cấm cung thế này, có khi bị trầm cảm mất”. Chồng quay đi, tránh ánh nhìn của vợ.
Đứng sau hàng chậu kiểng nhìn sang dãy quán đối diện, ông còn nhận ra không ít thuộc cấp một thời của mình, trong đó có cậu lái xe cho ông khi đương chức. Họ cũng đã hoàn dân nên la cà thỏa thích, nói năng mạnh miệng. Có lần ông giật mình thấy một kẻ chỉ qua nhà ông rồi quay sang cậu lái xe, thách thức: “Đố bạn mời được sếp cũ qua đây uống cà phê, mình cho chỉ vàng”. Kẻ bị thách lè lưỡi, lắc đầu: “Khó như gọi gió hô mưa!”. Thế là cả đám lăn ra cười.
Ông lắm lần giật thột, hốt hoảng khi thấy thấp thoáng bóng dáng mình trong lời kể của họ. Cổ nhân dạy “một miệng kín chín miệng hở”, nghề nghiệp ông đã từng cũng đưa “bí mật - cảnh giác” thành nguyên tắc hàng đầu nhưng khi trên ngôi cao quyền lực, ông bất chấp. Đương nhiên góc khuất của sếp không che được lái xe. Biết thế nên từ khi có ô tô đưa đón, ông luôn giữ cậu này bên mình như hình với bóng, dù chuyển vùng cũng đưa theo cùng. Ông bịt khẩu bằng giải pháp mềm, nghĩa là dành nhiều ưu ái cho lái xe rồi đưa ngón tay lên miệng ra dấu im lặng kèm lời thầm thì: “Sống để bụng chết mang theo”.
Nhưng kẻ ấy đã chóng quên hay bội nghĩa. Giờ đây, ngồi trong quán, người lái xe thản nhiên kể bí mật một thời, cố hạ giọng để tăng phần hấp dẫn, kéo theo là những đôi tai dỏng lên đón lấy cùng những tiếng “ôi” “a” đưa đẩy. Chuyện kết nối từ việc cậu lắm lần đưa sếp vào nơi “sung sướng” đến vụ nửa đêm chuyển quà cho người ta, lén lút như giao hàng cấm; cả chuyện sếp cơi nới “phòng nhì” hay mặc cả trong bóng tối với đối tác để rút ruột công trình. Mỗi khi người kể lên tiếng, ông lại nổi da gà, nín thở. Cũng có lúc người này tỏ ra biết điều: “Thôi, chẳng kể nữa, không khéo tự biến thành thằng hèn khi nói xấu người khác sau lưng”. Kiểu nói năng nửa chừng khiến ông vừa mừng vừa lo, trong khi kích hoạt tò mò của cả đám. Ai đó khích lệ bằng cách trấn an: “Mình đừng bịa chuyện bôi xấu người ngay là được, còn nói sự thật thì sợ gì. Đến chính sử còn ghi về những kẻ phản dân hại nước kia mà”. Thường thì ông chẳng thể bình tâm để nghe hết chuyện. Nhưng mỗi khi đồng nghiệp cũ tụ tập ở quán, tò mò lại đưa ông đến sát bờ rào, lắng tai, hồi hộp.
Dãy quán trước nhà ông vẫn đông khách. Cả mấy ông nghỉ hưu cùng phố cũng chọn chỗ này điểm tâm. Chưa tới sáu giờ, các ông ấy đã mở hàng, sau khi buông đũa là xê qua quán cà phê, nhâm nhi, cười nói. Lúc đương chức hay thấy các vị trên ti-vi phát biểu chỉ đạo hội nghị này, đi kiểm tra địa phương nọ, giờ ngồi với nhau toàn nói chuyện ghép phong lan với trồng rau trong thùng xốp. Các ông ấy còn quay qua chuyện trò với những người ngồi cạnh, khi thì tranh cãi với mấy thợ hồ về giá cả xây dựng, lúc lại nhắc ông bố trẻ kia sao không đội mũ bảo hiểm cho con… Nhìn cảnh ấy, ông bất chợt ước được như họ.
Lắm hôm khách đông quá, chủ quán kê thêm bàn ghế ra lề đường. Vẫn những chiếc ghế xập xệ rẻ tiền, lắm cái gãy chân bể mặt, được tận dụng bằng cách chồng hai cái lên nhau nhưng vẫn thiếu. Có người chẳng ngần ngại, ngồi chồm hổm bên vệ đường gặm bánh mỳ hay uống cà phê. Lại có kẻ ngồi cũng không yên, vội bưng bát đứng dậy, chỉ chỗ cho người khác: “Tôi sắp xong rồi, ghế đây, ghế đây!”.
Nhìn cảnh ấy, ông giật mình liên tưởng điều tương phản kỳ lạ. Ở đây người ta sẵn sàng nhường ghế cho nhau, còn chiếc ghế thỏa mái với nhiều tư thế trong căn phòng mát lạnh ở đơn vị mà ông từng ngồi lại là đích đến của lắm kẻ chen chân, giành giật. Ngày ấy, để được ngồi chiếc ghế đó, ông phải qua bao nước cờ, lắm khi lạnh lùng, không tình nghĩa. Nhằm gạt đối thủ cùng chạy đua vào ghế chỉ huy trưởng đơn vị, ông tung tin bôi xấu người bạn cùng xóm, quen thân từ thuở cởi truồng tắm mưa. Để kéo dài những ngày ngự trên ngôi cao sung sướng, ông thẳng tay triệt hạ người được xác định kế vị mình. Người này trẻ hơn ông nhiều, tất nhiên, lại năng lực đầy mình. Anh ta là cánh tay đắc lực cho ông trong công việc, lại được ông chọn vào nguồn kế tiếp. Trước mặt thì ông vuốt ve “cậu chuẩn bị thay tớ đấy” nhưng sau lưng lại rắp tâm bắn lén bằng cách đào bới chuyện cha vợ người này từng làm việc cho địch. Kẻ kế cận bị đứt, ông vênh vang quyền lực thêm hai năm. Sau ngày nghỉ hưu, ông biết chuyện của mình râm ran trong đơn vị, những mảng tối bắt đầu lộ sáng khiến lắm người ngao ngán xót xa, ông thì lủi thủi trong nhà.
Việc vợ rủ chồng qua quán trước nhà điểm tâm bỗng thành bất hòa, khắc khẩu. Bà bảo, ra quán ăn cho nóng, thích gì gọi nấy, ngon miệng có thể ăn tăng cường, lại khỏi rửa bát đũa. Chồng bối rối chối từ nhưng chẳng nêu được lý do. Vợ bất ngờ, khó hiểu: “Ông bị làm sao thế?”. Chồng vùng vằng, nạt lại: “Tôi không thích thì bà đừng ép!”. Vợ lại năn nỉ, nắm tay chồng kéo đi nhưng ông trì lại. Ông làm sao có thể nói với bà rằng, ông ngại ra ngoài kia lắm lắm.
Những chiếc ghế trong dãy quán vẫn phơi ra như mời gọi mọi người từ sáng sớm. Nhưng ông không dám đi lại nơi đó. Ông từng quyết liệt săn đuổi chiếc ghế bệ vệ trong phòng lạnh nhưng chưa bao giờ chuẩn bị cho ngày ngồi vào chiếc ghế để trên vỉa hè kia.