Những chiến công chói lọi

Thượng tá LÊ VĂN HUY 14/04/2017 08:40

Hành trình 70 năm qua đã khẳng định lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân huyện Thăng Bình không ngừng nỗ lực vượt khó, lập những chiến công chói lọi, viết nên những trang sử hào hùng.

Dựa vào dân

Ngày 15.4.1947, Huyện đội Dân quân Thăng Bình được thành lập. Tháng 6.1947, quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức hậu phương kháng chiến, huyện Thăng Bình chú trọng bồi dưỡng LLVT từ huyện đến xã, thôn, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, kháng chiến lâu dài để giành thắng lợi to lớn hơn. Trong điều kiện trang bị vũ khí thô sơ, thiếu quân trang, quân dụng, thiếu thuốc men, nhiều khi phải chịu cảnh đói cơm lạt muối, Huyện đội Thăng Bình đã đề ra phương châm “Cơm áo ở trong dân, súng đạn ở trong đồn địch”. Bà Nguyễn Thị Sách (thôn Hiệp Hưng, xã Bình Hải, Thăng Bình) vẫn còn nhớ lại thời kỳ đầu gian khó. “Hồi đó trồng được hạt lúa, củ khoai rất khó nhưng gia đình tôi cố gắng nhường cơm, khoai, sắn để anh em dùng, tham gia đánh địch. Nhà tôi đào 5 hầm bí mật để lực lượng du kích trú ẩn chiến đấu với kẻ thù” - bà Sách hồi tưởng. Trong ký ức của bà Sách, thời kỳ đó cực kỳ gian nan, địch ngày đêm càn quét, xã Bình Hải ngổn ngang cát trắng. Vậy nhưng, tinh thần sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quân và dân Thăng Bình thì oai hùng, cao cả.

Di tích Căn cứ lõm Bàu Bính nhắc nhớ thời oanh liệt chiến đấu của LLVT nhân dân Thăng Bình.
Di tích Căn cứ lõm Bàu Bính nhắc nhớ thời oanh liệt chiến đấu của LLVT nhân dân Thăng Bình.

Ngày 15.4.1948, LLVT tập trung của huyện Thăng Bình được thành lập. Do yêu cầu nhiệm vụ tác chiến bảo vệ vùng tự do, đầu năm 1949, huyện rút các đội viên du kích xã bổ sung vào LLVT, tập trung phát triển thành đại đội bộ đội địa phương huyện. Đây là LLVT cơ động, sẵn sàng đánh địch bảo vệ quê hương, cơ động chiến đấu theo yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh, sẵn sàng bổ sung cho bộ đội tỉnh khi có lệnh. Ngày 7.5.1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Ở Thăng Bình, LLVT và dân quân, du kích liên tục bao vây diệt đồn bốt và những vị trí then chốt của địch trên địa bàn. Thời điểm này, Thăng Bình thực hiện phương châm đánh điểm, diệt viện, mở rộng vùng du kích, căng kéo quân địch, buộc chúng phải đối phó, không để địch tập trung quân đánh phá ra vùng tự do. Phát huy thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Thăng Bình càng ra sức củng cố lực lượng, xây dựng thế trận, động viên nhân tài, vật lực cho kháng chiến. Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ, quân và dân Thăng Bình đã vượt qua muôn ngàn gian khó, phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn của địch, lập nhiều chiến công góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Những dấu ấn

Sau Hiệp định Giơnevơ, Thăng Bình là vùng tự do, hậu phương trực tiếp của chiến trường bắc Quảng Nam nên địch tập trung đánh phá ác liệt. Ngày 4.9.1954, Tiểu đoàn 611 bảo an của địch đã gây ra vụ thảm sát đẫm máu ở Chợ Được, giết chết 43 người dân, làm bị thương 23 người, gây nên làn sóng phẫn nộ Mỹ-Diệm sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân Thăng Bình. Theo ông Trần Anh Vũ - nguyên Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, nhiệm vụ trọng tâm của các LLVT nhân dân Thăng Bình lúc bấy giờ là bố phòng. Trên cơ sở dự kiến những nơi nào kẻ địch đánh phá, thả bom, càn quét thì phải tập trung xây dựng căn cứ, chủ động đối phó, hạn chế thiệt hại.

Tháng 3.1963, Ban Quân sự huyện Thăng Bình được đổi tên thành Ban chỉ huy Huyện đội Thăng Bình. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, Huyện đội thành lập Trung đội 2. Tháng 9.1964, trong cao trào mở rộng vùng giải phóng ở nông thôn, đồng bằng, Tiểu đoàn 70 và LLVT huyện vượt quốc lộ 1A xuống vùng đông, giải phóng xã Bình Dương, tiêu diệt hàng trăm tên tề ngụy, ác ôn, phá tan chính quyền cơ sở của địch ở các xã vùng đông. Bà Trần Thị Cúc - Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Xã đội trưởng Bình Dương cho biết, nhân dân đã nhất tề nổi dậy phá ấp chiến lược. Đến cuối năm 1964, toàn huyện đã giải phóng được 13/20 xã và 2/3 số dân, tiêu diệt hơn 500 tên địch, thu hàng trăm khẩu súng các loại, kêu gọi hơn 200 người trong hàng ngũ của địch quay về với nhân dân. Hơn 800 thanh niên của huyện đã lên đường nhập ngũ.

Tháng 2.1965, Quân khu 5 mở chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi. Địa bàn hoạt động chính của bộ đội chủ lực là khu vực tây Thăng Bình, giải phóng Vinh Huy, ép quân địch xuống sát quận lỵ Hà Lam. Lúc này, địch đưa sư đoàn 2 chủ lực ngụy có xe tăng, pháo binh, máy bay yểm trợ, mở cuộc hành quân lên dọc đường 16. Bộ đội chủ lực quân khu, bộ đội huyện và du kích các xã chủ động tấn công, tiêu diệt 200 tên địch, bắn rơi 1 máy bay, bắn cháy 6 xe tăng, bọc thép tại thôn Đồng Dương, xã Bình Định. Tháng 8.1965, Huyện đội Thăng Bình thành lập Đại đội bộ binh thứ 2, mật danh C8. Ngày 1.1.1966, tại Đại hội liên hoan dũng sĩ diệt Mỹ toàn Quân khu 5, LLVT Thăng Bình được vinh dự nhận danh hiệu “Cao Ngạn thành đồng”.

Ngày 19.5.1966, Huyện đội Thăng Bình thành lập đơn vị đặc công, có biệt hiệu 92. Năm 1972, bộ đội chủ lực Quảng Nam tấn công giải phóng Hiệp Đức và một số xã tây Thăng Bình. Các Tiểu đoàn 70, 72, 74 của tỉnh và các đơn vị của huyện thọc sâu xuống giải phóng các xã vùng đông. Ông Phan Thanh Toán  - nguyên Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, Tiểu đoàn 72, Đại đội V15 cùng du kích các xã Bình Dương, Bình Đào giữ vững Căn cứ lõm Bình Dương, diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy 14 xe tăng, bắt sống 1 xe M113. Sau Hiệp định Paris, LLVT Thăng Bình liên tục đánh địch, tham gia chiến dịch tiến công năm 1974, đặc biệt là chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975. Các đơn vị của huyện và Tiểu đoàn 70, 72 của tỉnh thọc sâu xuống vùng đông, diệt hàng loạt chốt điểm như Đồi Hương, Mù U, miếu ông Mèo, Chợ Được, Đông Tác, phá khu dồn, giải phóng hoàn toàn 6 xã. Ngày 26.3.1975, LLVT Thăng Bình đồng loạt nổ súng đánh địch, giải phóng hoàn toàn huyện Thăng Bình.

 Thượng tá LÊ VĂN HUY

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những chiến công chói lọi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO