Những chủ nhân của đảo

QUỐC TUẤN 10/09/2019 09:58

Bất cứ chương trình, hoạt động bảo tồn nào nếu không “bén rễ” vào nhận thức của cư dân bản địa thì sẽ nhanh chóng “chết yểu”. Mười năm đã trôi qua, người dân Cù Lao Chàm đã và đang đóng góp không nhỏ vào việc kiến tạo cho đảo ngọc.

Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát túi sinh thái cho học sinh Cù Lao Chàm.Ảnh: Q.T
Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát túi sinh thái cho học sinh Cù Lao Chàm.Ảnh: Q.T

Truyền cảm hứng

Trở lại thời điểm trước năm 2009, Cù Lao Chàm lúc đó chưa là một địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch. Bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp nói: “Tuyến đường dọc theo bờ biển ngập trong rác thải vì là nơi tập kết rác của người dân và tệ hơn là nhiều người lúc đó còn trực tiếp đổ rác thải xuống biển”.

Ở cái lúc mà nhiều hộ dân trên đảo còn chật vật với câu chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” việc triển khai chiến dịch “nói không với túi nilon” là điều không hề suôn sẻ. Từng người dân được tặng giỏ, túi xách khi đi chợ, tiểu thương thì được phát túi giấy làm từ giấy báo cũ. Ngày qua ngày, người mua, người bán dần quên hẳn được túi nilon.

Thấm thoắt đã mười năm trôi qua, du khách thập phương ghé đến đảo ngọc chỉ quen với hình ảnh những giỏ cần xé ăm ắp hải sản, những túi giấy gói quà thoang thoảng hương rừng của đặc sản Cù Lao Chàm chứ khó tưởng tượng được một thời túi ni lông từng là thứ ám ảnh với môi trường tự nhiên ở đây.

Qua thời “tẩy chay” túi nilon, cư dân trên đảo cũng dần làm quen với việc nói không với ống hút nhựa, Sun Bay Homestay và một loạt quán cà phê dọc thôn Bãi Làng đã chủ động đặt hàng trăm ống hút sậy mỗi tuần từ đất liền để hòn đảo quê xứ của mình thêm trong lành, thân thiện. Cứ thế, “nếp sống đẹp” với môi trường từng ngày lan tỏa đến cả du khách. Hình ảnh du khách thi thoảng “xắn tay” vào cùng với cư dân địa phương phân loại rác tại nguồn không còn mấy xa lạ.

Ông Nguyễn Văn Thế (thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp) vẫn nhớ như in chuyến đánh cá tại khu vực Hòn Lao vào một sáng đầu năm 2019, một chú rùa nặng gần 10kg mắc lưới khiến ông loay hoay mãi mới gỡ ra được. Vuốt ve cá thể thuộc họ vích này một lúc ông Thể không đắn đo đã chuyển thông tin đến ngay Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm để đơn vị tiếp nhận và trả rùa về đại dương.

“Đó là việc cần làm thôi, từ khi được tuyên truyền các loài vật trong khu sinh quyển đều có sự kết nối mật thiết thì mình cũng nhận ra việc bảo vệ chúng cũng là giữ môi trường sống cho mình mai sau” - ông Thế bộc bạch. Đó là một trong số hàng chục con rùa cũng như nhiều cá thể quý, hiếm khác được cư dân nâng niu, trao trả về biển khơi trong nhiều năm qua thay vì bỏ mặc vất vưởng chúng như ngày nào.

Đồng hành mọi nẻo

Cua đá được xem là một trong những sinh vật biểu thị cho “sức khỏe” của hệ sinh thái rừng, biển Cù Lao Chàm. Ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng Ban thư ký Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nhớ lại: “Ngày mới triển khai việc quản lý, khai thác cua đá có trách nhiệm, một bộ phận người dân ở đây cũng phản đối dữ dằn lắm. Họ nói cua đá chi của mấy ông mà đặt ra điều lệ này kia”.

Nhưng qua thời gian, cuối cùng chính những cư dân đó dần nhận ra cái lợi của việc khai thác kết hợp bảo tồn và đồng hành với cơ quan chức năng để bảo vệ nguồn lợi quý giá này. “Đâu đó cũng còn trường hợp ngư dân ngoài địa phương lén lút khai thác bất hợp pháp cua đá nhưng cũng không thể tiêu thụ ở Cù Lao Chàm được vì ở đây mọi khâu đều đã được kiểm soát nghiêm ngặt” - ông Thảo nói thêm.

Từ sự gắn kết và đồng thuận cao trong việc bảo tồn các giá trị đa dạng ở khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, lần đầu tiên một cộng đồng dân cư được chính quyền giao quyền đồng quản lý hơn 19,05km2 mặt biển để khai thác thủy sản và kết hợp khai thác dịch vụ du lịch sinh thái ở Bãi Hương. Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương hiện đã có 18 thành viên được chính người dân thôn Bãi Hương tín nhiệm và bầu chọn.

Bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, từ những ngư dân, bà nội trợ giờ đây họ có thể đứng ra tổ chức các hoạt động hội họp, góp ý phối hợp với công an viên ở thôn, lực lượng biên phòng hay ban quản lý khu bảo tồn biển trong tuần tra và xử lý vi phạm.

Đã lâu lâu rồi, cư dân trên đảo nhiệt tình tham gia các tour du lịch học tập, các buổi thảo luận, lấy ý kiến để “hiến kế” cùng chuyên gia, du khách tạo ra những điều mới mẻ hơn cho Cù Lao Chàm. Và từ dạo ấy, lớp cư dân này đã biết và hiểu rằng không ai có thể bảo vệ và vun đắp quê nhà tốt hơn cộng đồng địa phương.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những chủ nhân của đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO