Những chủ thể tích cực

HOÀNG LIÊN 02/06/2015 08:42

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở mỗi địa phương, vai trò của nhân dân rất quan trọng. Bằng những việc làm, hành động thiết thực, nhiều cá nhân đã đóng góp, làm nên thành quả chung.

Qua 4 năm phát động và xây dựng NTM, Đại Lộc có rất nhiều hộ dân vì lợi ích chung, tình nguyện hiến từng mét đất vườn, sẵn sàng phá dỡ tường rào, cổng ngõ, chặt phá cây xanh để tạo điều kiện cho việc thi công các công trình đường làng, ngõ xóm. Gương hiến đất của bà Bùi Thị Năm (thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng), bà Lê Thị Châu và bà Hứa Minh Anh (thôn Ô Gia Bắc, xã Đại Cường)… là những tiêu biểu, điển hình, thể hiện vai trò của quần chúng, những thủ thể trong xây dựng NTM.

Hiến đất làm đường

Bước sang tuổi 65, con cái đã yên bề gia thất, chồng mất đã lâu, bà Bùi Thị Năm hiện sống đơn thân ở thôn Ngọc Kinh Đông (xã Đại Hồng). Thời gian qua, chưa khi nào bà ngơi nghỉ công việc xã hội, không có hoạt động, phong trào nào ở địa phương thiếu vắng bàn tay, tiếng nói của bà. Nhận thấy việc mở rộng, bê tông hóa tuyến đường liên thôn Ngọc Kinh Đông - Ngọc Kinh Tây của Nhà nước sẽ làm thay đổi bộ mặt làng quê nghèo, bà đã tự nguyện hiến 250m2 đất vườn của mình để tạo thuận lợi cho quá trình thi công. Ngoài đất của mình, bà Năm còn vận động bà con xung quanh hiến thêm đất để có tuyến đường rộng, thẳng tắp chứ không quanh co, uốn khúc. Từ sự vận động, thuyết phục của bà, nhiều hộ vui vẻ hiến tổng cộng 6.500m2 đất. “Thấy đường rộng, đi lại thoải mái, sạch sẽ như ri bà con chúng tôi vui trong bụng. NTM thì đường làng, ngõ xóm đều phải đẹp, phải sạch. Có vậy, con cháu ở quê này mỗi khi đi xa về nhìn thấy quê hương khởi sắc, đổi mới thì mới vui được” - bà Bùi Thị Năm nói vui vẻ.

 Đoạn đường qua thôn Ô Gia Bắc, Đại Cường khang trang, sạch đẹp từ sức dân.Ảnh: Hoàng Liên
Đoạn đường qua thôn Ô Gia Bắc, Đại Cường khang trang, sạch đẹp từ sức dân.Ảnh: Hoàng Liên

Gia đình bà Lê Thị Châu (thôn Ô Gia Bắc, xã Đại Cường) cũng được ghi nhận có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến đất làm đường nông thôn. Từ nguồn hỗ trợ theo kiểu Nhà nước và nhân dân cùng làm, gia đình bà Châu cùng bà Hứa Minh Anh đã tự đứng ra làm tuyến đường rộng 3m, dài 40m trong sự cảm phục của nhiều người. “Thấy con đường đi ngang ngõ vừa hẹp lại nhỏ, nhếch nhác, chỉ vừa một chiếc xe đạp đi, tôi thấy khó chịu trong lòng. Thời buổi này, đi đâu cũng thấy đường làng sáng sủa, hy sinh một chút lợi ích của mình để có con đường rộng, đẹp là việc nên làm. Vậy là tôi sang vận động gia đình hàng xóm là chị Hứa Minh Anh, mỗi bên hiến gần hai sào đất vườn mở đường, và gia đình chị vui vẻ đồng ý. Khi Nhà nước hỗ trợ xi măng, 2 gia đình chúng tôi đã tự phá vườn, giải tỏa đất và tự bỏ ngày công ra đổ đường bê tông” - bà Châu chia sẻ.

Chung lòng vì quê hương

Bà Bùi Thị Năm, một người lính trở về từ chiến trường năm nào hiện là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Ngọc Kinh Đông. Với bà, ở tuổi này mà còn sức khỏe để làm việc, để tham gia công tác xã hội là còn gì vui bằng. Hễ trong hội có người đau ốm, tang ma là bà sốt sắng thăm hỏi, động viên, tổ chức hội viên tới phúng điếu, sát cánh cùng gia đình. Trong thôn, hội viên thuộc diện nghèo, neo đơn, bà đã không ngần ngại bỏ tiền túi dành dụm được để chia sẻ, động viên. Làm chi hội trưởng mỗi tháng chỉ được trợ cấp 100 nghìn đồng, song món tiền này bà Bùi Thị Năm lại dành dụm để làm từ thiện. Bà còn vận động con cháu xa quê đóng góp tiền để trao tặng những món quà nghĩa tình đến các cụ nhân ngày vì người cao tuổi hay ngày hội đại đoàn kết toàn dân hằng năm. Để giúp hội viên khó khăn, bà còn lập tổ góp vốn quay vòng với 15 hội viên tham gia, từ kênh này, nhiều hội viên đã có cơ hội tiếp cận kịp thời nguồn vốn, giải quyết chuyện đời sống. Bà còn vận động hội viên tạo quỹ 25 triệu đồng, gửi tiết kiệm lấy lãi để mua quà, thăm hỏi hội viên đau ốm, khó khăn. Khi hội viên nào qua đời, nguồn này sẽ được gửi trả lại cho gia đình...

Không chỉ hoạt động tốt phong trào vì người cao tuổi, bà Năm còn tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh xã, Hội Khuyến học xã và các hoạt động vì người nghèo ở xã/thôn. Ngày hội đại đoàn kết năm nào bà cũng đóng góp vài triệu đồng trích từ lương ít ỏi của mình để trao quà cho người nghèo, cho trẻ em hiếu học. Nhận xét về tấm gương sống vì người khác của bà Bùi Thị Năm, bà Nguyễn Thị Lạc - Chủ tịch UBND xã Đại Hồng cho hay: “Bà Bùi Thị Năm luôn sống vì cộng đồng, không chỉ tham gia hiến đất làm đường NTM, ở lĩnh vực nào, bà cũng nhiệt tình, hăng hái, đóng góp từ vật chất cho tới tiếng nói. Bà là một cây cao bóng cả để nhiều người noi theo”.

Đóng góp vào công cuộc xây dựng NTM ở Đại Lộc còn có rất nhiều điển hình tích cực, đại diện cho sức dân - chủ thể của NTM. Ngoài những hạt nhân Bùi Thị Năm, Lê Thị Châu… còn có những điển hình như cô giáo về hưu Bùi Thị Một, người đã góp sức xây cầu dân sinh ở Hà Tân, Đại Lãnh; nông dân Lê Tất Dũng tự bỏ tiền túi ra để làm cầu phao bắc qua sông Vu Gia giúp việc đi lại, sản xuất của bà con thuận lợi… Đó là những nhân tố tích cực cần được nhân rộng.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những chủ thể tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO