Giam giữ, quản lý, giáo dục can phạm nhân (CPN) là công việc đầy khó khăn, vất vả. Dù ngày hay đêm, những cán bộ quản giáo luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm theo dõi, quản lý, giáo dục CPN để họ yên tâm học tập, lao động cải tạo, trở thành người lương thiện.
Dạy nghề cho phạm nhân.Ảnh: P.N |
Nhọc nhằn giữ người
Thượng tá Võ Văn Nghệ - Phó Giám thị Trại Tạm giam cho biết, khi có một CPN bước vào trại là nhiệm vụ của các anh lại thêm phần nặng nề. Đầu tiên, phải làm sao cho họ an tâm tư tưởng thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, không có biểu hiện tiêu cực, trốn trại hay tự tử. Tiếp đến, giáo dục CPN thực hiện tốt nội quy, quy chế của trại, các quy định của pháp luật và từng bước cảm hóa họ hoàn lương. Việc giam giữ CPN bao giờ cũng rất áp lực đối với quản giáo, luôn phải cảnh giác và canh gác 24/24 giờ. Hầu hết CPN, nhất là những phạm nhân bị tuyên án tử hình tâm lý bất ổn khi mới vào trại. Cũng có những tử tù trong thời gian chờ thi hành án không muốn kéo dài cuộc sống nên tìm cách tự tử khiến công tác giam giữ thêm khó khăn, phức tạp. Một cán bộ quản giáo kể, giữa đêm khuya, nghe một tiếng “kịch” mạnh vang lên là cả ca trực lập tức phải chạy ngay đến phòng giam. Hoặc những đêm mưa gió bão bùng, dù không phải ca trực các anh cũng không thể ngủ ngon được, bởi đó là thời điểm thuận lợi mà CPN thường lợi dụng để trốn trại.
Chia sẻ về công việc giam giữ CPN, Thượng tá Nghệ cho biết, mỗi đối tượng vào trại có số phận, tính cách khác nhau. Có người phạm tội vì một phút nông nổi nên khi vào trại rất sợ hãi; nhưng không ít đối tượng lưu manh chuyên nghiệp lại có thái độ bất cần và hành vi hết sức phức tạp, bất thường. Nhiều trường hợp mắc các căn bệnh lây nhiễm như HIV, lao phổi… có thể có những hành động chống đối như cắn, gây thương tích cho cán bộ, chiến sĩ. Vì vậy, cán bộ quản giáo phải kết hợp cứng rắn với mềm mỏng, trấn áp kết hợp với động viên, giáo dục.
Gian nan gieo mầm thiện
Thượng tá Nguyễn Thành Nhân chia sẻ, tuy vất vả nhưng cán bộ, chiến sĩ Trại Tạm giam vẫn luôn tận tâm, yêu nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mọi nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ đều hướng đến mục tiêu giáo dục phạm nhân chấp hành pháp luật của Nhà nước, yên tâm cải tạo tốt để trở về với gia đình, làm lại cuộc đời. |
Bên cạnh công tác quản lý giam giữ CPN đúng quy định của pháp luât, Trại Tạm giam còn phải cải tạo phạm nhân để họ trở thành người lương thiện. Để làm tốt công tác này, cán bộ quản giáo phải thường xuyên gần gũi, chia sẻ tâm tư, tình cảm với phạm nhân. Thượng tá Nguyễn Thành Nhân - Giám thị Trại Tạm giam cho biết: “Việc cảm hóa phạm nhân không thể ngày một ngày hai là xong mà đòi hỏi người quản giáo phải kiên trì, bền bỉ và quan trọng nhất là phải thực sự tôn trọng, gần gũi phạm nhân. Có như vậy công việc giáo dục, cải tạo phạm nhân mới đạt hiệu quả”.
Ngoài tuyên truyền pháp luật để các CPN chuyển biến nhận thức, Ban giám thị còn tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề để khi mãn hạn tù, phạm nhân có điều kiện tìm việc làm ổn định cuộc sống. Hàng năm, trại đều có kế hoạch phối hợp với Trung tâm dạy nghề thanh niên tỉnh mở từ 2 đến 3 lớp dạy nghề cho phạm nhân. Kết thúc khóa học, phạm nhân đều được kiểm tra và cấp chứng chỉ nghề. Phạm nhân Trần Bảo Nh. (SN 1992, xã Quế Thọ, Hiệp Đức) phấn khởi nói: “Khi mới học lớp “Nề hoàn thiện” tôi thấy rất khó nhưng bây giờ có thể tô tường, láng nền và lát gạch men. Sau khi ra trại, tôi sẽ xin làm thợ xây...”. Còn phạm nhân Nguyễn Th. (SN 1990, phường Minh An, TP. Hội An) cho biết, khi bị bắt vì hành vi phạm tội, Th. cứ nghĩ vào trại là ngày đêm đối diện với 4 bức tường lạnh lẽo. Sau khi vào trại, Th. mới biết rằng, nơi đây có không gian để mở mang kiến thức. “Tôi được cán bộ giảng giải về các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước liên quan đến phạm nhân và tái hòa nhập cộng đồng, về quyền và nghĩa vụ của công dân, về các chuẩn mực xã hội, kỹ năng sống... Không những được bồi dưỡng kiến thức, tôi còn được chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với cán bộ và được cán bộ động viên để hoàn lương, làm lại cuộc đời” - Th. tâm sự.
Gắn bó với công việc quản giáo, Đại úy Trương Công Quốc nhớ nhất là phạm nhân Vũ Thanh B. (phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ), lãnh án tử hình về tội giết người. Thời gian ở trại, biết không còn cơ hội để chuộc lại lỗi lầm, B. luôn tìm cách quậy phá, chống đối. Với những tử tù như thế này, bên cạnh theo sát diễn biến tâm lý, hành động của phạm nhân, Đại úy Quốc còn thường xuyên trò chuyện, tâm sự, tận tình chăm sóc, khuyên nhủ. Bằng tình thương, sự cảm thông, chia sẻ, cán bộ quản giáo đã giúp B. nhận thức được tội lỗi của mình và dũng cảm đối mặt với hình phạt của pháp luật.
PHƯƠNG NAM