Sào Nam Phan Bội Châu cùng Tiểu La Nguyễn Thành cùng nhiều cộng sự tâm huyết phải lo liệu từ ở trong nước đến ở nước ngoài ròng rã 3 năm con đường Đông du mới rộng mở để một số du học sinh nước ta đến được các học hiệu của Nhật Bản. Cánh cửa học đường mở ra thỏa nỗi hăm hở của người học cũng ùa vào những lo toan với những người chủ chốt…
|
Nhà bia Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh nền Trường tân học Phú Lâm do chí sĩ Lê Cơ mở, có dạy Nhật ngữ do du học sinh phong trào Đông du từ Nhật về dạy. Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ |
Mở Bính Ngọ Hiên
Bính Ngọ Hiên!
Khó nói hết niềm vui của Phan Bội Châu khi tên gọi ấy được ông đặt cho cái “cơ quan nhỏ của đảng nhân ta” ở nước bạn Nhật vừa lúc Kỳ Ngoại Hầu Cường Để cùng những du học sinh buổi đầu đã tới nơi, một ít kinh phí từ trong nước được chuyển sang. Ấy là vào trung tuần tháng Ba năm Bính Ngọ 1906, nhân đó mà lấy tên năm đặt tên cho cơ quan mới, vẫn ở Hoành Tân.
Càng mừng với Phan Bội Châu hơn là việc Tử tước Khuyển Dưỡng Nghị đã nhiệt tình vận động đưa được 3 du học sinh cùng với Kỳ Ngoại Hầu vào học ở Chấn Võ học hiệu, chuyên về học thuật quân sự (do Phúc Đảo Yên Chính là đại tướng lục quân, kiêm nhiệm hiệu trưởng). Còn có 2 du học sinh được vào học ở Đồng Văn thư viện, chuyên về học thuật phổ thông (thuộc Viện Đông Á Đồng Văn do Hầu tước Tế Xuyên làm viện trưởng), cả hai ở Đông Kinh, số còn lại thì lưu ở Bính Ngọ Hiên học Nhật ngữ.
Chưa nhiều, chưa sôi nổi, nhưng du học sinh ở Trung kỳ, Bắc kỳ bắt đầu tìm đến Bính Ngọ Hiên. Một hỗ trợ quý báu lại đến với Đông du. Một người Việt làm cán sự tại Hương Cảng cho người mang đến tận Bính Ngọ Hiên “hơn 1.000 đồng giúp đảng” - nghĩa là giúp cho công cuộc Đông du. Một ngân khoản lớn, quý! Và càng quý nữa với Sào Nam ấy là lòng yêu nước của người ủng hộ - ông Võ Mậu Kiên, đã giúp ông quên đi nỗi buồn khi bị tên thông ngôn Nhung ở lãnh sự quán Pháp tại Hương Cảng cáo giác với Pháp đã phá tan tổ chức Hội thương đoàn của hàng chục người Việt đang làm việc ở Hương Cảng mà ông mới vừa xây dựng được. Chính nhờ nguồn ủng hộ này đã cho Phan Bội Châu có chuyến trở về nước lần thứ hai. Chuyến đi này của ông nhằm để trù biện nhiều việc quan trọng: liên kết với các tổ chức chống Pháp của người Trung Hoa ở vùng biên giới Việt - Trung nhằm tạo sự hỗ trợ với nhau khi cần; gặp Đề Thám đính mật ước; mang thêm một số sách Hải ngoại huyết thư, các bản Kính cáo toàn quốc phụ lão (bản này của Cường Để đứng tên), Việt Nam vong quốc sử phát tán trong nước nhằm kêu gọi thêm du học sinh, thêm hỗ trợ kinh phí Đông du…
Lập Công hiến hội quản trị học viên
Trở lại Nhật, những cuộc đàm luận với Khuyển Dưỡng Nghị, và nhất là Phúc Đảo, lúc vị đại tướng đương quyền hỏi han, phân tích về những lợi hại, ưu nhược khi người Việt Nam đánh Pháp làm Phan Bội Châu thêm được tự tin cho đường hướng chống Pháp của Duy tân hội. Và việc số đông du học sinh được Phúc Đảo nhận vào học ở Chấn Võ học hiệu là chỉ dấu tin cậy đầu tiên ở công cuộc Đông du.
Quản trị học viên là điều cần thiết khi lượng du học sinh ngày càng tăng. Và Công hiến hội - tổ chức đáp ứng cho đòi hỏi này - được thành lập hồi giữa tháng Năm năm Đinh Mùi 1907. Quả là một tổ chức có quy củ với các bộ chuyên trách gồm kinh tế, kỷ luật, giao tế, văn thư và một kiểm tra cục, mỗi bộ phận do một học viên phụ trách, tất cả đặt dưới sự trông coi của Hội trưởng Kỳ Ngoại Hầu và Phan Bội Châu. Bộ máy quản trị quan trọng của du học sinh vừa lập xong cũng là lúc Bính Ngọ Hiên nhận được 12.000 đồng tiếp tế từ trong nước.
“Khi Hội Công hiến đã thành lập rồi, toàn thể thanh niên tất thảy có chỗ học có chỗ nuôi, trật tự ngó cũng nghiêm túc” - lời Sào Nam. Lời kêu gọi từ những sách, bài của Sào Nam, nhất là thư kêu gọi người miền Nam vì cuộc Đông du của Kỳ Ngoại Hầu đã có phản ứng tốt. Ngoài việc gửi qua nhiều tiền bạc hơn, một số phụ huynh ở Nam kỳ còn qua tận Nhật thăm viếng công việc học hành của con em mình. Thêm một chuyển biến, một ít du học sinh đến sau nhân nhờ đã học qua với ban Nhật ngữ dạy kín ở trong nước đã được vào học ngay.
Từ đầu năm 1907 đến năm 1908 du học sinh từ trong nước tiếp tục đổ đến. Tất cả đều được xếp vào học tại hai học đường lớn đã nói, số còn lại được xếp vào các trường ngoại ngữ, phổ thông. Bính Ngọ Hiên đã được chuyển đến Đông Kinh và Công hiến hội đã đảm đang được mọi việc trong quy củ dù tài chính vẫn là nỗi lo canh cánh của những người chủ chốt. “Từ mùa Đông năm Đinh Vị 1907 (theo năm là Đinh Mùi - TS) đến mùa Thu năm Mậu Thân 1908 chưa có tình hình gì phân biệt (vùng miền); trong khoảng bấy nhiêu ngày tháng, bớt thừa vá thiếu, công của bù nhau, thiệt nhờ sức giáo huấn của cha anh ở trong nước giúp đỡ quá nhiều, là một việc đáng hân hạnh” - Phan Bội Châu ghi lại.
Vậy là đến giữa năm 1908, như Sào Nam ghi lại, “số du học sinh đã hơn 200 người, trong đó Nam kỳ ước hơn 100, Trung kỳ ước 50, Bắc kỳ ước hơn 40”. Tất cả đang được đào tạo văn chương, võ bị cùng những chuyên môn khác từ một nền giáo dục thực nghiệp tiến bộ, hiện đại.
__________
Bài cuối: Di sản để lại
HUỲNH VĂN MỸ