Những điển hình nông thôn mới - Bài cuối: Đầu tư hạ tầng thiết yếu

NGUYỄN SỰ 17/11/2014 09:30

Thời gian qua, nhiều địa phương nằm trong diện xã điểm nông thôn mới (NTM) đã huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu theo hướng đồng bộ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển…

  • Những điển hình nông thôn mới - Bài 2: Chuyển dịch cơ cấu lao động
  • Những điển hình nông thôn mới - Bài 1: Đột phá cho nông nghiệp

Giao thông đi trước

Người dân xã Tam Thành (Phú Ninh) rất phấn khởi trước những con đường nội đồng đã và đang được kiên cố hóa. ông Tôn Liệu - Chủ tịch UBND xã cho biết, nhằm tạo ra diện mạo mới cho nông thôn và giúp nông dân thuận lợi trong việc sản xuất cũng như thu hoạch các mặt hàng nông sản, những năm qua chính quyền địa phương huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư bê tông hóa và cấp phối đá dăm hàng loạt tuyến giao thông nội đồng. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tính đến thời điểm này trong tổng số 15km giao thông nội đồng thì Tam Thành đã mở rộng và kiên cố hóa được 10,8km.

Nhiều tuyến giao thông nông thôn ở xã Điện Trung (Điện Bàn) đã được bê tông hóa.Ảnh: N.SỰ
Nhiều tuyến giao thông nông thôn ở xã Điện Trung (Điện Bàn) đã được bê tông hóa.Ảnh: N.SỰ

Tại xã Bình Tú (Thăng Bình), nhân dân và chính quyền địa phương cũng vừa hoàn thành việc mở rộng và nâng cấp 11km đường giao thông nông thôn theo tiêu chuẩn NTM với vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ gần 2 tỷ đồng, phần còn lại huy động nhân dân đóng góp. Ông Nguyễn Đình Yến - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trong quá trình thi công, người dân đã tự nguyện hiến đất, dỡ bỏ tường rào, cổng ngõ bởi họ nghĩ rằng con đường thông thoáng sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa, trẻ em đến trường dễ dàng hơn. Hiện nay, toàn bộ 70km đường liên xã, liên thôn, liên xóm của Bình Tú đều được cứng hóa với kinh phí thực hiện ước tính 21 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 50%”. Còn ông Đinh Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Hương An, huyện Quế Sơn thì cho hay, toàn xã hiện có hơn 40km đường giao thông nông thôn, trong đó đã nhựa hóa hoặc đổ bê tông được 30km, đạt tỷ lệ 75%.

Về vùng Gò Nổi thuộc huyện Điện Bàn hôm nay, rất dễ nhận thấy sự thay da đổi thịt của vùng đất “địa linh nhân kiệt” này. Tuyến đường liên xã Điện Phong - Điện Trung - Điện Quang đã được bê tông phẳng lì, rộng thoáng, riêng khu vực trung tâm các xã được thiết kế đường hai chiều, ngăn cách bởi bồn hoa xanh tươi. Theo ông Phạm Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Trung, hơn 3 năm qua nhân dân trên địa bàn đã hiến 31.000m2 đất và đóng góp hơn 10.000 ngày công lao động cùng một khoản tiền không nhỏ để đổ bê tông 4km đường giao thông nông thôn, 10km giao thông nội đồng. Còn ông Trần Văn Mỹ - Chủ tịch UBND xã Điện Phong thì cho biết, địa phương có tổng cộng 47,8km đường giao thông nông thôn, đến giờ này tất cả đã được bê tông hóa theo tiêu chuẩn NTM.

Không riêng gì những địa phương vừa nêu, một số xã khác như Tam Phước, Tam An, A Nông, Đại Hiệp… cũng đã và đang hoàn thành dứt điểm việc bê tông các tuyến đường giao thông nông thôn.

Hoàn thiện nhiều tiêu chí

Để tạo cú hích cho cây lúa, xã Điện Quang (Điện Bàn) vừa kiên cố hóa 7,5km kênh mương ở khắp 10 thôn trên địa bàn, nâng tổng số kênh mương được bê tông lên 16,6km, chiếm tỷ lệ gần 81%. Tương tự, ngoài việc bỏ ra khoản tiền không nhỏ để sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm điện, xã Hương An (Quế Sơn) cũng mới hoàn thành việc đổ bê tông 4,6km kênh mương tại các thôn 1, 2, 3, 6, 7 với tổng kinh phí 4,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 1,4 tỷ đồng. Nhờ vậy, toàn bộ 214ha đất lúa của địa phương đã chủ động nguồn nước tưới.

Hiện nay, nhà thầu đang huy động tối đa nhân lực, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà sinh hoạt văn hóa thôn Phú Trung của xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc. Công trình này gồm các hạng mục chính như san lấp mặt bằng, xây dựng khu thể thao, đường nội bộ, bia tưởng niệm, nhà sinh hoạt, tường rào, cổng ngõ… Tổng kinh phí đầu tư  2,2 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 60%, phần còn lại do nhân dân đóng góp. Ông Nguyễn Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp nói: “Ngoài việc nhà văn hóa xã đã được đầu tư xây dựng khang trang thì đến thời điểm này 7/7 thôn của Đại Hiệp cũng đều có nhà sinh hoạt và khu thể thao đạt chuẩn theo quy định. Qua đó, sẽ góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ở địa phương ngày càng phát triển”. Cùng với Đại Hiệp, từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, xã Điện Trung (Điện Bàn) cũng vừa đầu tư 4,8 tỷ đồng xây dựng hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng nhà văn hóa, khu thể thao bề thế. Đồng thời nâng cấp toàn bộ 6 nhà sinh hoạt văn hóa thôn. Đặc biệt, từ nguồn vận động xã hội hóa, địa phương này đã xây dựng lại hai khu di tích lịch sử là Đông Bàn và Lãnh Đông với số tiền hơn 800 triệu đồng.

Đến thời điểm này, xã Điện Phong đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Tuy nhiên, tiêu chí môi trường đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Ông Nguyễn Năm - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, do nằm cách xa trung tâm nên việc thu gom rác thải ở 2 thôn Cẩm Đồng và Tây An là bài toán khó. Để giải quyết vấn đề này, địa phương vừa mua 20 thùng rác đặt tại những điểm công cộng và đóng 2 xe thu gom rác thải với số tiền hơn 60 triệu đồng. Cạnh đó, mỗi thôn đã thành lập một đội thu gom rác gồm 3 người, có trách nhiệm vận chuyển rác đến các địa điểm tập kết. Theo ông Năm, thôn Cẩm Đồng vận chuyển rác đến khu vực Đồng Hạnh của xã Điện Minh, còn thôn Tây An vận chuyển qua khối phố Long Xuyên 3 thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên. “Chắc chắn đến cuối tháng 11 này, chúng tôi sẽ hoàn thành dứt điểm các chỉ tiêu về môi trường và nâng tổng số hộ tham gia mô hình thu gom rác thải lên hơn 90%, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân” - ông Năm nói.

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những điển hình nông thôn mới - Bài cuối: Đầu tư hạ tầng thiết yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO