Trời mùa đông ở vùng núi Tây Giang rét lạnh, trẻ con thích ở nhà chơi những trò chơi mà chúng nghĩ ra hơn là tới lớp học cái chữ. Tôi nhớ, lớp học lúc ấy chỉ vẻn vẹn có mười đứa, lúc đủ, lúc thiếu phải nhờ đến sự vận động, khuyên bảo tận nhà của cô giáo, lớp học mới đủ “quân số”. Tôi cũng nằm trong số ấy, đơn giản vì tôi “kỵ” học tiếng phổ thông do khó đọc khó viết.
Công việc nương rẫy, đầu tắt mặt tối đã không cho ba mẹ tôi thường xuyên được ở nhà, không ai quản nên tôi tha hồ mà “tung hoành” với bạn bè cùng trang lứa trong làng. Lúc bắt ếch, mò cá dưới sông; khi chăn trâu để được ngồi trên lưng trâu suốt ngày... Một số bạn trên đường tan học về, thấy chúng tôi đang chơi đá bóng (nói cho “oai” vậy thôi, thực ra đó là bóng đái lợn) thổi căng để đá, chúng cũng sà vào chơi. Nhiều người cùng đá, chúng tôi thấy rất vui và thế là ngày nào cũng đá, phong trào đá bóng từ đó bắt đầu phát triển trong bọn trẻ con, cụ thể hơn là trong lớp học chúng tôi. Từ đó, lớp học trong thôn dần tan rã, buổi sáng lên lớp dạy, cô giáo không thấy bóng dáng một học trò nào ngồi trên ghế tre quen thuộc. Trong khi đó, dưới sân làng, tiếng hò reo rộn rã, phá tan bầu không khí yên ắng của làng. Cô giáo giật mình rồi đi xuống chỗ chúng tôi và... cô khóc! Lần đầu tiên tôi nhìn thấy người lớn khóc, nước mắt chảy ròng nhưng điều ấy chưa làm tôi đề ý vì dưới chân tôi, quả bóng đang được nhiều người tranh giành...
Trời đổ mưa rào, lớp đất bị chúng tôi cày xới biến thành bùn đen, dính đầy mặt lấm lem. Chúng tôi càng thích thú vui đùa hò reo, càng đá bóng hết mình. Chúng tôi đâu có biết rằng, cô giáo vẫn đứng đó, mặc cho trời mưa ướt hết cả người. Quả bóng bị đá mạnh bay xuống sông và trôi lững lờ. Chúng tôi im lặng nhìn về phía cô giáo. Cô mặc áo trắng quần đen, loại quần áo lúc bấy giờ chỉ người từ dưới xuôi lên mới có. Cô không nói gì và dù có nói chúng tôi cũng chưa hiểu hết được. Nhưng trong cái im lặng đó, tôi biết cô muốn nói điều gì với chúng tôi - những đứa trẻ vùng núi xa xôi, còn thơ ngây này đang cần cái chữ Bok Hồ.
Cô giáo nhìn chúng tôi trìu mến như mẹ nhìn con. Cô dắt chúng tôi về nhà thằng Len, nơi cô đang ở trọ, để tắm rửa cho chúng tôi. Lần đầu tiên được tắm bằng xà phòng thơm, tôi thấy sướng làm sao. Cô kỳ cọ cho từng đứa, lau sạch sẽ và sưởi ấm cho chúng tôi bằng bếp hồng đang cháy rừng rực. Trong ánh lửa bập bùng, tôi thấy được tình thương bao la cô dành cho chúng tôi, cho bản làng, cho vùng quê nghèo xa xôi này, khi cô là người đầu tiên xung phong đem cái chữ Bók Hồ cho các em thơ. Trời tạnh mưa. Chúng tôi ùa chạy ra ngoài. Cô sợ chúng tôi lại tiếp tục trò chơi đá bóng, cố đuổi theo, nhưng chúng tôi đã khuất vào khu rừng. Khi chúng tôi trở về, cô vô cùng cảm động khi thấy chúng tôi cầm trên tay những bông hoa rừng dâng tặng. Cô lại khóc.
Chúng tôi đến lớp học đông đủ hơn. Không còn đứa nào trốn học nữa nên cô cũng không còn phải đến từng nhà khuyên bảo, vận động... Bây giờ, sau hai mươi năm trôi qua, cô giáo đã được điều chuyển đi nơi khác giảng dạy và chúng tôi cũng đã khôn lớn trưởng thành. Và mỗi người chúng tôi đều nhớ mãi chiều mưa hôm ấy, nhớ mãi hình ảnh cô giáo khóc vì xúc động khi được chúng tôi dâng tặng những đóa hoa rừng...
BHƠRIU QUÂN