Những ghi chép thú vị của “Tây dây thép” về xứ Quảng

LƯU ANH RÔ 04/07/2021 06:31

Những trải nghiệm khi làm nhiệm vụ khảo sát và “giăng dây thép” điện tín giúp Camille Paris viết nên cuốn “Du ký Trung Kỳ theo đường cái quan” vào năm 1889. Mới đây, dịch giả Nguyễn Thúy Uyên, Nhà xuất bản Hồng Đức và công ty Thư Books ấn hành cuốn sách này, như một tặng phẩm quý với bạn đọc.

Bìa tập sách “Du ký Trung kỳ theo đường cái quan”.
Bìa tập sách “Du ký Trung kỳ theo đường cái quan”.

Lát cắt sinh động

Từ năm 1886 đến năm 1888, Camille Paris được chính quyền Đông Dương giao nhiệm vụ khảo sát và “giăng dây thép” điện tín trải dài từ kinh đô Huế đến Phan Rang, kết nối toàn tuyến giữa Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Trong hành trình đó, viên sĩ quan công binh này đã “được sống đời sống của người An Nam, ăn ngủ ở nhà họ” nên khám phá nhiều điều thú vị về phong tục, tập quán của người dân Trung Kỳ suốt theo chiều dài 700km đường dây điện, đi qua bao làng, tổng.

Camille Paris đã gặp gỡ, làm việc với rất nhiều xã trưởng, các quan chức bản địa, thu thập hàng loạt chi tiết về lịch sử, văn hóa, dân tộc học của vùng đất này, nhất là cho chúng ta nhiều thông tin thú vị về phong trào Nghĩa hội Quảng Nam. Trong khi làm nhiệm vụ, Camille Paris đã ghi chép và viết nên cuốn “Du ký Trung Kỳ theo đường cái quan” vào năm 1889. Vừa qua, cuốn sách này được dịch giả Nguyễn Thúy Uyên, Nhà xuất bản Hồng Đức và Công ty Thư Books ấn hành.

Từ Huế đi dần về phía Nam, Camille Paris mô tả cảnh sinh hoạt thường nhật tại trạm Thừa Nông, ngủ đêm trên đò do nước lụt ở Cầu Hai, ấn tượng khá lạ về Lăng Cô - một “ngôi làng nuôi lợn”; trải nghiệm khó quên về sự hùng vĩ và nên thơ một của đèo Hải Vân, với cái chết của Đại úy Besson - người phụ trách làm đường xuyên đèo, do Nghĩa hội Quảng Nam gây ra; việc quân Nghĩa hội tấn công các đồn binh tại trung tâm Đà Nẵng và đốt phá huyện đường Hòa Vang cùng các lều quán, cơ sở của Pháp tại bờ đông sông Hàn; Hội An cổ kính hiện lên với những ngôi chùa cổ với “kho yến sào” do người Hoa nắm giữ hay quang cảnh nước lụt tại cầu Bà Rén.

Đây Trà My, một kho quế lớn của xứ Quảng bị thao túng bởi những người Hoa độc quyền khai thác, một cú áp phe lớn của Nguyễn Thân nhân danh “bình định” Nghĩa hội Quảng Nam để cướp sạch một lượng quế cực lớn lên đến 100.000 quan tiền (tương đương 70.000 france)…

Dọc theo đường cái quan, Camille Paris thấy các di tích Chàm từ Mỹ Sơn đến Bình Định, Phan Rang còn khá nguyên vẹn; những ruộng muối trắng tinh ở Quảng Ngãi, Bình Định hứa hẹn đem lại bạc triệu cho chính quyền thuộc địa… Theo hành trình “Tây dây thép” đi qua, chúng ta cảm nhận hiển hiện những người nông dân khốn khổ của xứ Trung Kỳ, những quan lại An Nam tham lam luôn cúi mình trước các quan Tây nhưng “hét ra lửa” đối với những người dân khốn khổ, những ông quan nghiện ma túy nặng, chuyên ăn cắp vặt, những cuộc tình chớp nhoáng của giới phu phen; sự hợm hĩnh của Trần Bá Lộc, Nguyễn Thân - những  tay sai đắc lực giúp thực dân Pháp đàn áp khốc liệt phong trào Cần vương ở Trung Kỳ… 

Dấu ấn phong trào Nghĩa hội Quảng Nam

Tôi thích nhất là những ghi chép của Camille Paris cho ta nhiều sử liệu quan trọng về phong trào Nghĩa hội Quảng Nam và môi trường sống của người Quảng thuở ấy. Qua thuật lại của Camille Paris, chúng ta mới biết quân Nghĩa hội do ông Thống Hay (tức Hồ Học, người làng Vân Dương) và Ông Ích Hoắc (con trai danh tướng Ông Ích Khiêm), giả dạng những người làm phu để phục kích giết chết Đại úy công binh Besson và 6 tay chân tại làng Nam Chơn (đèo Hải Vân).

Nghe tin Besson bị giết, Trung úy De Malglaive chạy lên tận Hải Vân Quan thì “Bọn giặc phản nghịch đã chiếm được chỗ đó, chúng giương cờ, cắm thương, đao tua tủa trên thành lũy”.

Khi kéo dây thép qua làng Phong Lệ thì Camille Paris không tìm đâu ra cu-li để trồng trụ điện, do người dân tỏ thái độ bất hợp tác cũng như lo quân Nghĩa hội trừng trị, rồi huyện đường Hòa Vang bị đốt, Đà Nẵng bị “những kẻ nổi dậy quấy rối không ngừng”, họ đốt phá những cơ sở đồn trú của Pháp tại trung tâm thành phố, bên kia sông Hàn thì hơn 400 quân Nghĩa hội đốt phá chợ Hà Thân và “thiêu rụi chừng 60 ngôi nhà”. Tình trạng đó đã đẩy thực dân Pháp đến chỗ “chúng ta ban ngày không ra khỏi thành phố, đêm đến không ra khỏi nhà mà không có súng trong tay”.

Tại Hòa Vân là ngôi làng cuối cùng giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi, thì “vô số nhà cửa bị đốt cháy”, “chúng tôi tìm thấy một thẻ tre bị rơi vãi một cách cố ý, ký tên Hiệu, nội dung yêu cầu các lý trưởng dẫn thợ mộc vào núi cho hắn”.

Và khi Camille Paris đang khảo sát tuyến đường cầu Bà Rén đến Tam Kỳ, được Nguyễn Thân báo cho biết đã bắt được Nguyễn Duy Hiệu: “Vài ngày trước khi đến Tam Kỳ, tôi được biết ngài Khâm sai vừa bắt được Hiệu, đó thực sự là một may mắn cho ông ta và cho chúng tôi”.

“Bị bám đuổi gắt gao, Hiệu đã trở về quê nhà gần Hội An và định dong buồm bỏ trốn. Nhưng nhiều mật thám đã đón lõng hắn ở nơi mà hắn chắc chắn phải đến để cúi lạy tổ tiên. Viên khâm sai được báo trước, chỉ việc đến bắt và nhốt hắn vào cũi. Hắn bị hành hình ở Huế và thủ cấp được gửi về Quảng Nam để bêu đầu thị chúng”.

Những thông tin thú vị

Trong tập sách này, Camille Paris đã khắc họa khá rõ nét những quan lại An Nam cộng tác với thực dân Pháp để đàn áp các cuộc khởi nghĩa Cần vương, nhất là Nguyễn Thân và Trần Bá Lộc.

Thân và thuộc hạ của hắn ta thán với Camille Paris là chính quyền thuộc địa chưa đãi ngộ ông ta xứng đáng với công lao “bình định” của mình, “Ông ta cho rằng Tổng đốc Lộc đã chẳng đóng góp gì đáng kể cho chúng ta suốt từ nhiều năm”. Theo Camille Paris thì Nguyễn Thân “rất hữu dụng đối với chúng ta; đó là một tay anh hùng, thần tượng của đất Quảng Ngãi, kẻ nắm tỉnh này trong tay và chỉ với một lời nói có thể kêu gọi cả vùng nổi dậy”.

Còn Tổng đốc Lộc “một phụ tá sắt máu người Nam Kỳ”, “Dáng vẻ ông ta thật hợm hĩnh; như mọi kẻ Nam Kỳ bị Pháp hóa”. Có điều qua lời kể của Camille Paris thì ông ta tỏ ý coi thường và nghi ngờ những tên tay sai đắc lực này của Pháp!

Nhiều thông tin điền dã tại làng Phong Lệ (nay thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) cho tôi thêm nhiều thông tin thú vị về “Tây dây thép”: Sau khi làm xong đường dây điện thoại, Camille Paris đã đầu tư mở một đồn điền cà phê tại Phong Lệ.

Gia tộc họ Ông tại Phong Lệ cũng truyền lại rằng, vợ Ông Ích Đường - người tham gia phong trào chống thuế năm 1908 sau trở thành vợ của “Tây dây thép”, trong khi bà này đã có một người con trai với ông Đường. Vào thập niên tám mươi của thế kỷ 20, nghe đâu cháu nội của ông Đường từ Pháp có thư từ qua lại với họ Ông tại đây.

Thực hư câu chuyện này cần được làm rõ song tập sách “Du ký Trung Kỳ theo đường cái quan” của Camille Paris thật sự có ích đối với những ai muốn tìm hiểu xã hội miền Trung hồi cuối thế kỷ 19, nhất là vùng đất xứ Quảng xưa.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những ghi chép thú vị của “Tây dây thép” về xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO