Họ là những người đã già đi cùng thành phố. Từng đoạn đường, góc hẻm, thậm chí từng ngôi nhà đổi chủ trên các con phố cũ, cũng là những bận tâm suốt một quãng đời.
Chìa khóa giữ hồn phố
Dòng thời gian trên trang cá nhân tôi những ngày gần đây không dưng liên tục hiện lên hình ảnh dưới trời mưa, một người đàn ông hay đi lang thang ở phố cổ Hội An được một du khách Tây đưa cho chiếc áo khoác... Người Hội An gọi ông là chú Tùng. Suốt gần 60 năm, ông sống cùng mẹ trong một căn nhà cũ kỹ lọt thỏm cuối con hẻm cạnh sông Hoài.
Cũng suốt ngày, “chú Tùng” lang thang qua đủ mọi ngóc đường, chọc trẻ con khóc thét, còn người mẹ tới bữa lại bưng cơm chạy theo chú quanh phố. Bao nhiêu năm nay, người Hội An đóng đinh hình ảnh mẫu tử vừa xúc động vừa đáng thương này.
“Chú Tùng” và mẹ là những người già ở đô thị, theo cách hiểu nào đó, họ cũng như cặp vợ chồng gánh nước giếng Bá Lễ ròng rã mấy chục năm qua, là những chứng nhân của phố thị.
Như bao cư dân bản địa khác, họ chứng kiến những thăng trầm, được mất từng ngày của đất di sản. Cuộc mưu sinh của họ khắc nghiệt hơn những người khác ở phố, dù vẫn là dân bản địa của Hội An. Một người phố cổ cho rằng, biết đâu họ chính là “hồn phố cổ”, khi cuộc đời chưa từng bị tác động bởi những thay đổi của danh hiệu vùng đất.
Hội An có lẽ là vùng đất may mắn khi đã kịp ghi lại phần lớn những câu chuyện đặc biệt của người già phố cổ. Những người như cụ ông Thái Tế Thông với kho tàng ảnh được cất giữ như báu vật của gia tộc và rất nhiều người lớn tuổi khác với đóng góp không nhỏ trong từng vẻ đẹp hoài niệm - thứ bản sắc độc đáo của Hội An.
Chúng tôi nhớ những cái tên được kể không sót ai từ câu chuyện ký ức của nhà văn Nguyên Ngọc. “Xưa, bánh ú bán từng xâu có bà Sở ở đường Lê Lợi. Bún bò bà Chỉ ngồi xổm trên vỉa hè ở nhà máy đèn.
Bánh xèo có hiệu Tam Tam nước tương ngon vô cùng. Cao lầu có ông Cảnh. Tàu xá có ông Dần... Hội An có một đời sống dân gian lành mạnh, hiền hòa” - nhà văn Nguyên Ngọc từng chia sẻ.
Với ông, và hình như với những ai yêu Hội An, làm thế nào dung hòa mối quan hệ giữa văn hóa tinh hoa với văn hóa quần chúng - là những người đang tồn tại vô danh trong đời sống dân gian kia, làm thế nào để mối quan hệ ấy đừng xa cách mà ngày càng gần nhau chính là chìa khóa để gìn giữ giá trị vốn có của Hội An.
Gốc gác văn hóa đô thị
Người già ở phố chính là một kho tàng vô danh đang cất giấu rất nhiều tài sản vô giá của thành phố. Họ góp phần làm nên văn hóa đô thị, một lớp văn hóa không đong đếm bằng các sự kiện nghệ thuật, bằng con số của những danh hiệu. Nó ẩn sâu dưới từng lớp sương mờ, càng vén, càng cảm thấy vùng đất có quá nhiều những lý thú đáng để lắng nghe, chắt lọc và phát triển.
Những người già sống đời ở con đất, đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử, đã tham dự những sự kiện trọng đại của thành phố. Trong họ có cả một kho tư liệu lịch sử về thành phố - là những thứ lịch sử không được ghi lại trong sách vở, không được lưu giữ trong các bảo tàng.
Đó là thứ lịch sử sống động và riêng tư. Và cũng chính vì thế trở nên đắt giá. Họ giữ những mẩu chuyện không được ghi chép trong sách giáo khoa. Họ sôi nổi với từng lớp ký ức có tuổi đôi khi hơn quãng thời gian hình thành những khu ở mới.
Nhiều năm trước, Hội An liên tục tổ chức các cuộc gặp gỡ người cao tuổi của đất di sản để thu thập tư liệu dân gian từ chính câu chuyện họ cất giữ. Tại TP.Tam Kỳ, câu chuyện thu thập tri thức bản địa này hình như vẫn chỉ tản mát ở một số cá nhân làm công việc nghiên cứu.
Với các đô thị khác của Quảng Nam, hình như ghi lại ký ức mà người già cất giữ về vùng đất vẫn chưa được làm. Người già - họ như những tàng cây đã cỗi chực rụng trước cơn gió nghịch mùa.
Thống kê từ Hội Người cao tuổi Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có hơn 210 nghìn người cao tuổi. Nhưng số người già đang sống ở thành phố vẫn chưa có thống kê cụ thể. Và những người già vẫn đang lầm lũi mưu sinh khắp mọi nơi, đặc biệt ở các thành phố trẻ. Dễ dàng thấy họ với mẹt rau vườn nhà, với xấp vé số, với bội gà con trên các góc ngã tư.
Nhưng cũng sẽ dễ thấy họ chạy đuổi theo bước chân cháu con trong các khuôn viên xanh ở vài khu phố. Trong những vóc hình kia, riêng số ký ức theo từng năm hiện diện trên đời, đã đủ để họ chính là những kho tàng của mỗi vùng đất.