Những "lá phổi" xanh của phố

HÀ SẤU 11/02/2021 04:40

(Xuân Tân Sửu) - Sở hữu hệ sinh thái cảnh quan đa dạng và lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc bồi tụ qua hàng trăm năm, những ngôi làng ngoại ô xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), Cẩm Kim (TP.Hội An), Điện Phương (thị xã Điện Bàn) dần đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhịp sống đô thị, tạo ra diện mạo riêng cho đô thị xanh, sinh thái ở Quảng Nam.  

Du khách tham quan bằng thuyền trên bãi Sậy - sông Đầm. Ảnh: Q.T
Du khách tham quan bằng thuyền trên bãi Sậy - sông Đầm. Ảnh: Q.T

Miên man sông nước

Khung cảnh bãi Sậy sông Đầm (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) bình yên như bức tranh thủy mặc. Sen, súng, lau đan xen nhau hun hút đến tận chân trời. Xa xa, ngư dân khua nước đưa thuyền luồn lách tìm đường vào bãi Sậy quăng mẻ cá tôm. Khu vực này rộng khoảng 180ha với nhiều loài động vật, thực vật đặc trưng bản địa. Thời gian gần đây, bãi Sậy sông Đầm còn thường xuyên có hàng đàn chim cò nhạn (loài động vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam) di cư đến kiếm ăn.

Nhận thấy sự quý giá của hệ sinh thái này, từ năm 2018, UBND TP.Tam Kỳ ban hành quyết định đầu tư các hạng mục phục vụ du lịch tại thôn Thạch Tân, hình thành tổ phục vụ đưa khách tham quan, trải nghiệm bằng thuyền trên sông Đầm. Năm 2019, Tam Kỳ cũng đã bắt đầu triển khai dự án phục hồi hệ sinh thái sông Đầm trên diện tích khoảng 22ha. Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, bước đầu địa phương đã hình thành tour du lịch một ngày bãi Sậy sông Đầm - Địa đạo Kỳ Anh với các dịch vụ như đi thuyền du ngoạn, nghe thuyết minh về điểm đến, hô hát bài chòi…

Mỗi năm, điểm đến này đón gần 1.000 lượt khách trải nghiệm và chủ yếu tập trung trong “tuần du lịch trải nghiệm bãi Sậy sông Đầm - địa đạo Kỳ Anh” được tổ chức vào tháng 7 hàng năm. Nương vào vùng cói bát ngát tại chỗ, làng quê ngoại ô Tam Kỳ này còn lưu giữ làng dệt chiếu cói Thạch Tân đã tồn tại hơn 500 năm. Trong định hướng vươn mình về phía đông, đô thị Tam Kỳ ngày càng tương tác mạnh mẽ hơn với bãi Sậy sông Đầm để tiếp nhận nguồn “năng lượng xanh” của vùng cảnh quan hữu tình này.  

Mênh mông đồng nội

Trước khi cầu Cẩm Kim hình thành, bao năm Cẩm Kim vẫn là “ốc đảo” của phố cổ. Nhờ vị trí địa lý có phần tách biệt, không gian, nhịp sống ở Cẩm Kim vẫn thuần chất nông thôn đặc trưng xứ Quảng. Cuối năm 2020, Cẩm Kim hoàn thành các tiêu chí để được công nhận xã nông thôn mới. Bên kia sông, vùng đất ngoại ô di sản đều lần lượt “trở mình” để vội bắt nhịp với hơi thở sôi động của ngành du lịch. Chỉ còn Cẩm Kim chậm rãi hơn. Một sự khác biệt cần thiết để điều tiết không gian phố thị.  

Giữa mênh mông đồng ruộng, sông nước, cánh đồng bắp nếp, ớt, vườn cây ăn trái hay khóm cói vẫn xanh thẳm. Không gian ấy đã và đang chuyển đổi sang canh tác nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với khát khao về một cuộc sống xanh và người nông dân sẽ bớt lam lũ hơn trên cánh đồng quê nhà.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói, thành phố đang điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới và quy hoạch 1/2.000 của phân khu Cẩm Kim, quan điểm là tập trung phát triển làng quê sinh thái, làng nghề đặc thù. “Hiện nay chỉ có Cẩm Kim là còn lõi xanh của Hội An nên chúng tôi tập trung giữ nghề, giữ làng và giữ đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư tôn tạo các yếu tố này để trở thành sản phẩm hướng đến du lịch xanh” - ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.

Và phố trong làng

Là điểm nối của hai đô thị Hội An với Vĩnh Điện (Điện Bàn) đang chuyển mình phát triển rất sôi động nhưng Điện Phương vẫn lưu giữ được vùng văn hóa, cảnh quan đặc sắc hiếm có với hệ thống sông lạch, bãi bồi, di tích, làng nghề, ẩm thực. Về miền quê này, ra ngõ dễ “đụng” di sản, từ vật thể, phi vật thể đến ẩm thực với những cái tên tiêu biểu như dinh trấn Thanh Chiêm, đúc đồng Phước Kiều, bê thui Cầu Mống, bánh tráng -  mỳ quảng Phú Chiêm.

Để đảm bảo không gian phát triển bền vững, tất cả dự án du lịch đã và đang đầu tư vào Điện Phương đều thuộc loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay, có 3 trong số 4 tuyến du lịch chính của thị xã sẽ phát triển thời gian tới đều có mặt các điểm đến hoặc xuyên qua Điện Phương bao gồm du lịch đường sông, du lịch làng nghề - ẩm thực - mua sắm và du lịch làng quê. Cụm công nghiệp làng nghề Đông Khương cũng ưu tiên thu hút các đơn vị phát triển xanh, thân thiện với môi trường.

Thời gian tới, nhiều khu vực ở Thanh Chiêm, Triêm Đông, Triêm Tây, Triêm Nam… những tên làng thân thuộc đã đi vào tiềm thức đất và người Điện Bàn, sẽ được chỉnh trang, cải tạo. Tiểu công viên ở cụm làng nghề Đông Khương, giai đoạn 2 dự án xây dựng công viên Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, làng đúc đồng Phước Kiều sẽ được triển khai trong năm 2021. Xa hơn, kè chống sạt lở ở Triêm Tây, xây dựng khu trình diễn dệt chiếu chẻ Triêm Tây, nạo vét sông Phú Triêm… cũng sẽ được triển khai trước năm 2025. Mai này, Điện Phương sẽ là thành phố, nhưng vẫn là phố trong làng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những "lá phổi" xanh của phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO