Ba năm qua, người dân tại các thôn Tú Ngọc, xã Bình Tú, Thăng Bình và Phú Ngọc, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ luôn tích cực tham gia sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) với số lượng thành viên ngày một tăng. Ấy là bởi, ai cũng thấy được những hiệu quả thiết thực mà mô hình mang lại…
Cùng chia sẻ tâm tư, nguyện vọng để giúp đỡ nhau là phương thức mà các CLB phòng chống BLGĐ thực hiện khá hiệu quả. |
Đến từng nhà, rà từng hộ
Ba năm trở lại đây, không cần bắc loa thông báo hay đến tận nhà mời tham gia, cứ đến ngày 15 âm lịch là các thành viên trong CLB Phòng chống BLGĐ thôn Phú Ngọc lại phấn khởi đi “họp”. “Nói là họp cho oai chứ thực ra tụi tôi đi sinh hoạt. Ở nông thôn, người dân đi làm về mệt mỏi, trời chưa tối đã tắt đèn đi ngủ, nghỉ ngơi sau ngày lao động mệt nhọc. Thế nhưng, với việc sinh hoạt CLB thì mọi người dường như rất tự giác, tham gia đầy đủ và nhiệt tình. Bởi có lẽ rất nhiều người trong chúng tôi ý thức được tác dụng, ích lợi khi tham gia sinh hoạt CLB” - chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, thành viên CLB Phòng chống BLGĐ thôn Phú Ngọc nói. TP.Tam Kỳ là một trong những địa phương được Sở VH-TT&DL chọn triển khai thí điểm mô hình phòng chống BLGĐ. Vì vậy, năm 2011 thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai và chọn 6 thôn của xã Tam Phú để thực hiện thí điểm mô hình, gồm các thôn Phú Ngọc, Ngọc Mỹ, Phú Thành, Phú Bình, Tân Phú và Quý Thượng. Ông Nguyễn Khích - Bí thư Chi bộ thôn Phú Ngọc chia sẻ: “Là một trong những địa phương được chọn xây dựng thí điểm mô hình CLB phòng chống BLGĐ nên những ngày đầu chúng tôi thực sự cảm thấy căng thẳng vì không biết sẽ hoạt động như thế nào cho hiệu quả. Nhưng nhờ nỗ lực của tập thể và các thành viên CLB nên giờ có thể an tâm với sự hoạt động và tồn tại của CLB”.
Đội ngũ cán bộ văn hóa tại đây không thể quên những khó khăn trong ngày đầu đi vận động bà con tham gia CLB. Công việc nhà nông bận rộn thêm vào đó là sự khó khăn của kinh tế gia đình nên thời gian đầu bà con trong thôn không mấy mặn mà tham gia hoạt động. Nhưng với mục tiêu đến từng nhà, rà từng hộ nên số lượng thành viên CLB ngày một tăng. Và một khi bà con địa phương tự nhận thức được những hiệu quả của việc tham gia CLB thì lúc ấy không phải bỏ công đi vận động, mọi người tự nguyện xin tham gia mô hình thiết thực này. Cạnh đó, ngoài chức năng phòng chống BLGĐ, CLB còn vận động các thành viên góp vốn xoay vòng để tạo điều kiện, giúp đỡ những thành viên có hoàn cảnh khó khăn làm ăn, phát triển kinh tế. Ông Đỗ Văn Hát - cán bộ văn hóa xã Tam Phú nói: “Thực sự những ngày đầu mới xây dựng CLB, chúng tôi cũng không dám nghĩ rằng sẽ thành công, có tác dụng tới đời sống hôn nhân của nhiều gia đình trong thôn đến như thế. Nhưng bây giờ thực tế đã có thể chứng minh hiệu quả mà CLB mang lại”. Gia đình anh Nguyễn Hồng Sinh - Huỳnh Thị Thanh Xuân là điển hình cho mẫu gia đình hạnh phúc rất đáng học tập. “Gia đình ba thế hệ chung sống không phải lúc nào cũng tránh được những hờn trách không hay nhưng cái quan trọng là người trong cuộc phải ứng xử sao để dung hòa các mối quan hệ. Những câu chuyện, kỹ năng sống được chúng tôi cóp nhặt qua những lần sinh hoạt CLB đã giúp gia đình có tiếng nói chung, yêu thương nhau hơn” - anh Nguyễn Hồng Sinh, thành viên CLB Phòng chống BLGĐ thôn Phú Ngọc chia sẻ.
Không ngại “bao đồng”
Nếu như ở thôn Phú Ngọc, mô hình CLB phòng chống BLGĐ tồn tại với mục đích chăm lo gia đình hạnh phúc, hội viên góp vốn cùng nhau phát triển kinh tế, thì với tình hình BLGĐ còn phức tạp tại địa phương, mô hình CLB của thôn Tú Ngọc, xã Bình Tú lại chủ yếu thực hiện công tác hòa giải. Là thôn khó khăn nhất của xã Bình Tú, đời sống bà con nơi đây thiếu thốn quanh năm, chính vì “miếng cơm manh áo” ấy mà bao cặp vợ chồng trẻ đã xảy ra mâu thuẫn dẫn đến ly hôn. Nhưng từ khi CLB phòng chống BLGĐ thôn ra đời, ban vận động CLB đã không ngại cái việc mà mọi người gọi là “bao đồng” để hàn gắn cho bao gia đình. “Người ta gọi chúng tôi là những người “bao đồng” bởi cứ sớm trưa khuyên nhủ, đến từng nhà vận động các gia đình. Dù không nhận được bất cứ chế độ nào nhưng những thành viên ban vận động vẫn âm thầm làm việc. Với chúng tôi, sự trả công xứng đáng nhất là niềm vui, tiếng cười, là hạnh phúc của con trẻ, là sự lành lặn của những “chiếc gương tưởng như đã vỡ”” - anh Phan Tấn Anh, Chủ nhiệm CLB Phòng chống BLGĐ thôn Tú Ngọc tâm sự.
Gia đình chị Hồ Thị Minh Nguyệt có cuộc sống khá khó khăn, túng quẫn, vợ chồng quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn không đủ ăn. Khi sinh thêm đứa con thứ hai, cháu lại bị bệnh tim bẩm sinh, thuốc thang chạy chữa mấy tháng trời vẫn không qua khỏi. Chính cái lúc cùng quẫn ấy, anh chị đã xảy ra mâu thuẫn, suýt tan vỡ. Thế nhưng khi chia sẻ những khó khăn trong gia đình với các chị em trong CLB và ban chủ nhiệm, chị Nguyệt ngay lập tức nhận được sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất của CLB. Chị Hồ Thị Minh Nguyệt chia sẻ: “Khó khăn về kinh tế đã đẩy vợ chồng chúng tôi ra xa, không tìm được tiếng nói chung. May nhờ thành viên CLB mà vợ chồng nhìn thấy được đúng sai, việc cần làm nên đã cùng nhau đi qua được khoảng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời”. Giờ đây, chị Nguyệt càng trân trọng hơn hạnh phúc gia đình và từ đó trở thành một trong những thành viên tích cực của CLB, cùng với mọi người vận động, tuyên truyền nâng cao số lượng hội viên cũng như tiếp tục gìn giữ ngọn lửa hạnh phúc cho bao gia đình khác.
Có thể nói, sau 3 năm hoạt động, hiệu quả mà CLB phòng chống BLGĐ ở một số địa phương mang lại là điều đáng ghi nhận. Vấn đề đáng quan tâm là làm thế nào để nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh, có lẽ cần sự chung tay của nhiều hội, đoàn thể.
ANH THƯ - THỤC ANH