Sự trợ giúp từ các tổ chức phi chính phủ dành cho người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh mang lại nhiều niềm vui khi họ được phục hồi chức năng cũng như có cơ hội lập thân, lập nghiệp.
“Em Sơn đọc được chữ giống như một phép nhiệm màu vậy” - đó là câu nói đầu tiên mà cô giáo Nguyễn Thị Mai tâm sự khi nhắc đến trường hợp của em Hòa Thị Sơn (thôn 6, xã Bình Dương, Thăng Bình). Sơn là một em bé khi sinh ra đã bị bệnh bại não, từ nhỏ đến lớn chỉ biết nằm một chỗ, chân tay co quắp. Nhìn con như vậy, bà Cao Thị Tư không dám nghĩ đến việc con sẽ được học và sẽ học được cho đến khi bà được tiếp cận với tổ chức phi chính phủ CRS. Và bà Tư được tập huấn các kỹ năng phục hồi chức năng tại nhà cho Sơn. Bà Tư xúc động nói: “Nói thật nếu không có Hội NKT giúp đỡ, tổ chức CRS đến giúp thì con tôi sẽ mãi không biết chữ, không thể được như ngày hôm nay.
Bữa nay nó đọc được sách lớp 2, làm toán lớp 2, đọc thơ, hát cho ba mẹ nghe. Tình trạng bệnh của Sơn nhờ vậy mà cũng cải thiện”. Cô giáo Mai được tổ chức CRS vận động đã đến nhà tìm hiểu tình trạng của Sơn để định hướng phương pháp dạy phù hợp. “Nhiều đêm tôi thức trắng, suy nghĩ cách làm sao giúp em học, vì em chỉ có thể đọc chứ không thể viết nên sẽ khó nhớ mặt chữ. Sau đó, tôi viết chữ cái thật to trên bảng, chỉ cho em đọc, uốn nắn làm sao cho em có thể đọc tròn con chữ ở một mức độ tương đối”. Vừa dạy chữ cho bé Sơn, cô Mai vừa kết hợp kể chuyện, hát cho Sơn nghe để em có thể vừa học vừa chơi, không bị căng thẳng khi tập trung.
Thời gian qua, dấu ấn rõ nét nhất của Hội NKT trong toàn tỉnh chính là kêu gọi, tranh thủ được sự trợ giúp từ các tổ chức phi chính phủ. Trong vòng 5 năm, Hội NKT tỉnh đã nhận được 5 dự án phi chính phủ với tổng nguồn kinh phí tài trợ 13 tỷ đồng. Trong đó, dự án “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến NKT” do tổ chức Malteser thực hiện, Bộ Ngoại giao Đức tài trợ giai đoạn 2012 - 2014 tại các vùng thường xuyên có bão lũ của tỉnh gồm Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn. Qua dự án này, NKT và người thân của NKT đã được tiếp cận với các kỹ năng ứng phó thiên tai, đặc biệt đối với việc giúp đỡ di chuyển NKT đến nơi an toàn.
Hay dự án “Việc làm bền vững và tăng cường vị thế cho NKT tham gia hòa nhập cộng đồng” do tổ chức Apheda thực hiện, Bộ Ngoại giao Ailen tài trợ giai đoạn 2012 - 2016 tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hiệp Đức, Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành đã giúp cho NKT học được nghề và tạo sinh kế cho chính bản thân từ nghề họ đã được học. Toàn tỉnh đã có 142 NKT tham gia học nghề từ dự án này, tạo công ăn việc làm ổn định, giúp họ không còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Chị Phạm Thị Yến Linh (phường Vĩnh Điện, TX. Điện Bàn) cho biết: “Tôi cùng chồng đều được học nghề vàng mã do tổ chức Apheda tài trợ tại Điện Bàn. Khi có được nghề phù hợp với tình trạng khuyết tật của bản thân, chúng tôi có thể hành nghề và sống bằng nghề đó, không còn là gánh nặng nữa và tự tin hơn trong việc tham gia các hoạt động của hội cũng như ngoài cộng đồng”.
LÊ DIỄM