Những mùa quả ngọt

VƯƠNG HẰNG SA 15/06/2016 09:47

Chặng đường phát triển giáo dục bậc THPT ở huyện Tiên Phước gắn với sự bền bỉ phấn đấu của những người có trách nhiệm, tâm huyết với thế hệ trẻ đã đem lại những mùa quả ngọt…

Hoạt động ngoại khóa của học sinh Tiên Phước.
Hoạt động ngoại khóa của học sinh Tiên Phước.

Gian nan vẫn bền chí

Nhằm phát triển sự nghiệp GD&ĐT bậc THPT trên địa bàn huyện, năm 2002 được UBND tỉnh cho phép, huyện Tiên Phước đã xây dựng thêm trường THPT mới. Năm học 2002 - 2003, bên cạnh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, trên địa huyện còn có thêm Trường THPT Phan Châu Trinh. Ở giai đoạn này, chất lượng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã có cơ sở vững chắc, vốn rất ổn định nên không gây nhiều trăn trở cho hội đồng sư phạm lẫn lãnh đạo huyện. Trong khi đó, với đội ngũ học sinh từ hệ bán công của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng chuyển qua nên chất lượng học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh rất yếu. Do dư âm của trường bán công nên các năm học sau trường tuyển sinh đầu vào rất thấp, chủ yếu là các em học sinh yếu đăng ký vào trường, tỷ lệ học sinh yếu kém những năm đầu luôn ở mức xấp xỉ 75%. Thế nhưng, sự nỗ lực của cả hội đồng sư phạm mà đầu tàu là thầy hiệu trưởng Phạm Hữu Thức cũng đã đem lại những kết quả ngọt ngào. “Sự chênh lệch khoảng cách về chất lượng giữa hai trường đã được kéo lại gần khi chất lượng, thành tích học tập của học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh ngang ngửa với Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Niềm vui đó không gói gọn trong phạm vi “trường mới” mà lan tỏa ra khắp huyện và là niềm vui chung của những ai quan tâm tới giáo dục Tiên Phước” - ông Phạm Hữu Thức, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh cho hay.

Năm học 2015 -2016, nếu như Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng có 1.282 học sinh thì Trường THPT Phan Châu Trinh có 978 em theo học (tính đến cuối năm học). Theo báo cáo kết quả xếp loại học lực của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, tỷ lệ học sinh giỏi 11,49%, học sinh khá 47,05%; còn tỷ lệ học sinh đạt thành tích tốt ở Trường THPT Phan Châu Trinh cũng không chênh lệch nhiều khi có 12% học sinh giỏi, học lực khá chiếm 38%. Hệ thống cơ sở vật chất của cả hai trường như thư viện, phòng vi tính, phòng truyền thống... về cơ bản cũng đã đáp ứng nhu cầu dạy học của thầy và trò ở huyện miền núi Tiên Phước. Tuy nhiên, nói một cách công bằng thì hệ thống cơ sở vật chất ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng được nâng cấp và đầy đủ hơn vì trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trong khi đó, Trường THPT Phan Châu Trinh đang trong quá trình thực hiện đề án trường chuẩn vào năm 2017 - 2018 nên các khu sân chơi, bãi tập... chưa có, nhà trường phấn đấu xây dựng trong năm học tới để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh.

Để so sánh và đánh giá một cách toàn diện tình hình dạy học của hệ thống giáo dục bậc THPT Tiên Phước, không thể không nhắc đến đạo đức, nền nếp của thanh thiếu niên ở hai trường này. “Trước đây, chỉ cần nói học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng là mọi người đã có cảm tình ngay, còn với học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh thì thái độ của người dân lại trái ngược hoàn toàn. Dù nhận xét đó phiến diện và có phần đánh đồng nhưng rõ ràng số lượng học sinh ngỗ ngược, quậy phá, trốn học của Trường THPT Phan Châu Trinh luôn chiếm số lượng lớn. Nỗi lo sợ con không đậu vào Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng luôn ám ảnh nhiều phụ huynh” - bà Nguyễn Thị Bình ở thôn 7b, xã Tiên Cảnh, cho hay. Thế nhưng, câu chuyện đó đã không còn từ hơn 5 năm nay. Năm học 2015 - 2016, Trường THPT Phan Châu Trinh có học sinh xếp hạnh kiểm tốt chiếm 77,3%, loại khá 17,4%, trung bình 4,7%. Đạo đức học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng vẫn được rèn giũa nên năm học 2015 - 2016 loại tốt chiếm 86,57%, khá 9,67%, trung bình 3,51%.

Những mùa quả ngọt

Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh Phạm Hữu Thức không giấu được niềm vui, thông báo: “Học sinh ở Tiên Phước được tuyển thẳng vào đại học từ trước đến nay đã thuộc về học sinh của trường. Sau bao nỗ lực không mệt mỏi để nâng cấp trường, xóa đi hình ảnh không vui trước đây thì đây là cột mốc đánh dấu cho chặng đường khó khăn vừa đi qua”. Học sinh thầy Phạm Hữu Thức vừa nhắc đến là em Đoàn Lê Công Khang đoạt giải nhất với dự án dự thi “Máy khắc lazer tích hợp chức năng vẽ sử dụng công nghệ CNC” trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh THPT phía nam năm học 2015 - 2016. Không kém cạnh, năm học 2015 - 2016, học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cũng đã đem về 71 giải ở các môn trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh khối 10, 11 và 29 huy chương trong kỳ thi Olympic 24.3. “Kết quả học tập của học trò không chỉ phản ánh nỗ lực của bản thân các em mà sự cố gắng hết mình của những người thầy đứng trên bục giảng. Năm học vừa qua, cả 3 thầy cô giáo Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh đều được chứng nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, trong đó có 2 cô giáo dạy môn lịch sử đoạt giải nhì cuộc thi”, thầy Cái Văn Hùng - Hiệu phó Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, cho biết.

Khen thưởng học sinh có thành tích tốt tại lễ bế giảng năm học 2015-2016 của Trường THPT Phan Châu Trinh.
Khen thưởng học sinh có thành tích tốt tại lễ bế giảng năm học 2015-2016 của Trường THPT Phan Châu Trinh.

Xuất phát điểm là huyện nghèo, cuộc sống người dân còn vất vả nên số lượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi chiếm số lượng tương đối khá. Vì vậy, ngoài quản lý chuyên môn, ban giám hiệu cả hai trường đều nỗ lực rất nhiều trong việc tìm kiếm các suất học bổng, kêu gọi các mạnh thường quân tài trợ cho học sinh nghèo học giỏi. Trong 5 năm qua, Trường THPT Phan Châu Trinh đã huy động gần 1,8 tỷ đồng từ các tổ chức trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là từ cựu học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng để khen thưởng các em có thành tích cao trong học tập. Trong khi đó, số tiền từ các cá nhân, tổ chức tài trợ cho học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cũng không hề nhỏ. Riêng năm học 2015 - 2015, học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã nhận gần 900 triệu đồng tiền tài trợ từ các nhà hảo tâm để có thể tiếp bước, động viên học sinh nghèo học giỏi.

“Có thể nói, đến thời điểm này, chất lượng giáo dục bậc THPT ở Tiên Phước đã không còn là mối âu lo của bao người. Bởi thầy trò ở cả hai trường đã hoàn thành trách nhiệm của mình bằng sự nỗ lực và cố gắng không mệt mỏi với những kết quả vượt trội khiến nhiều người bất ngờ. Và đó chính là điều cần tiếp tục phát huy trong việc không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng nhân cách  con người để tạo nguồn lực cán bộ, viên chức cho huyện sau này” - ông Phạm Văn Đốc, Bí thư Huyện ủy Tiên Phước nhận xét như vậy, khi đề cập chuyện học ở vùng quê có con sông Tiên hiền hòa thơ mộng.

VƯƠNG HẰNG SA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những mùa quả ngọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO