Những người đàn bà ẵm heo

XUÂN KHÁNH - HỒNG NHÂN 04/03/2015 10:09

Ở chợ heo Bà Rén (xã Quế Xuân 1, Quế Sơn), có những cuộc đời đầy khó nhọc của nhiều phụ nữ làm nghề ẵm heo…

Mặt trời còn ngái ngủ, chợ heo chưa tấp nập, tôi gặp chị Ba - người có thâm niên hai mươi mấy năm ẵm heo làm kế sinh nhai. Khi tôi xin họ và tên lót, chị cố tình lẩn tránh. Sau mới biết, chị là một trong số những phụ nữ có hoàn cảnh éo le ở đây, nên thành ra tự ti, mặc cảm với đời. Vừa sang tuổi 54, ấy nhưng chị Ba khắc khổ hơn nhiều so với tuổi, khuôn mặt chị cũng hằn vết nhọc nhằn.

Rồi chị bỏ chạy ra phía đường nhựa, hóa ra, có người vừa chở heo tới. Rất nhanh gọn, chị cùng một “đồng nghiệp”, đưa giỏ có mấy chú heo con bên trong xuống đất. Sau một hồi thuyết phục, chị mới chịu tâm sự, theo kiểu đứt quãng, chắp vá: “Chồng, con trai mất vì đi biển. À, hồi ấy tôi cũng đi biển. Rồi con trai mất, rồi thấy đi biển khổ quá, nên bỏ và ẵm heo. Hết”. Từ lúc ẵm heo đến giờ, chị như co cụm lại đời, chỉ thực sự mở lòng khi ở chợ heo, khi trò chuyện với những đồng nghiệp. “Ẵm heo hôi hám thế này, ai dám gần, đến gần, họ có xem mình ra gì không, nhất là thân mang cảnh góa chồng mất con” - chị Ba chạnh lòng. Chị Ba còn bảo, hồi trước còn trẻ, còn có sức nên ẵm được nhiều heo, nay lớn tuổi, không ẵm được bao nhiêu, họa hoằn lắm mỗi buổi cũng chỉ kiếm được khoảng 30.000 đồng. Tại chợ heo, tôi gặp chị Trần Thị Thảo, 50 tuổi, có 23 năm trong nghề ẵm heo. Hơn 30 năm trước, chồng chị mất, để lại cho chị hai con nhỏ (1 trai, 1 gái). Bước qua nỗi đau, 3 mẹ con bấu víu nhau mà sống. Bằng nghề ẵm heo, chị Thảo tằn tiện, chắt chiu nuôi 2 con khôn lớn. Rồi 2 con chị lập gia đình, chị vẫn tiếp tục ẵm heo để có tiền phụng dưỡng cha già đang ở tuổi 88. “Thương nó lắm, nhưng tôi tuổi già rồi, biết làm sao được, mong sao nó khỏe mạnh mãi” - ông Trần Văn Thìn, cha chị Thảo tâm sự.

Còn chị Thảo thì chia sẻ rằng: “Nghề ẵm heo cực khổ lắm, lam lũ lắm. Cũng là nhờ ơn cô bác phù hộ được khỏe mạnh nên mới làm được nghề này tới giờ”. Thì nói vậy, chứ lớn tuổi rồi, chị Thảo không còn ẵm heo bao nhiêu, chủ yếu cho người ta thuê ghế nhựa và giỏ nhốt heo. Mỗi ghế nhựa cho thuê 1.000 đồng/buổi, giỏ nhốt heo cho thuê 5.000 đồng/buổi.

Người phụ nữ có hoàn cảnh đáng thương nhất ở chợ heo là chị Trần Thị Lợi, 45 tuổi, khi phải một mình ẵm heo để nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học. Chị Lợi quê ở Thanh Hóa, thời con gái làm công nhân may ở Sài Gòn, gặp rồi nên duyên với một chàng trai ở thôn Thạnh Mỹ (xã Quế Sơn 1) - lúc này làm ghế đá. Hai người nên duyên, trở về Thạnh Mỹ sinh sống, chồng thợ hồ, vợ nghề ẵm heo. Khi đứa con trai út được 2 tuổi, chồng chị chẳng may bị tai nạn và mất. Từ đấy, chị một nách kẹp heo, một nách kẹp 3 con thơ dại.

Những người phụ nữ ở chợ heo Bà Rén. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Những người phụ nữ ở chợ heo Bà Rén. Ảnh: XUÂN KHÁNH

Ngày tháng lầm lũi trôi, mặc dù rất khó khăn nhưng chị vẫn cố gắng cho 3 đứa con đi học đầy đủ. Cháu trai lớn nhất chỉ mới 15 tuổi, đang học lớp 9; cô gái giữa 14 tuổi, đang học lớp 7; trai út 7 tuổi, đang lớp 1. Để đảm bảo con có cái ăn, cái mặc và được đến trường, chị thức dậy từ khá sớm để dọn dẹp nhà cửa. Rồi ra chợ để ẵm heo, có hôm đến tận 12 giờ trưa mới về. Và vội miếng cơm, chị lao vào những công việc khác, miễn là có tiền nuôi con. “Heo lớn 1.000 đồng/con, heo nhỏ thì 500 đồng, có khi cả giỏ heo 5 - 6 con nhưng cũng chỉ được 2.000 đồng. Hôm nào may mắn lắm, kiếm được cũng không quá 70.000 đồng. Buổi chiều, ai kêu gì làm nấy. Khổ mấy cũng được, miễn sao kiếm được tiền để nuôi con, chỉ sợ rồi tôi yếu, đứt gánh giữa đường thì khổ con tôi” - chị Lợi lo lắng. Ở chợ, ngoài ẵm heo, chị còn nhận tắm rửa, cho heo ăn của một số chủ buôn với tiền công 15.000 đồng. Được biết, mỗi tháng chị được nhận 180.000 đồng tiền trợ cấp nuôi dưỡng.

Hồi tháng 7.2014, thấy cảnh nhà chị lụp xụp nên chính quyền xã Quế Sơn 1 đã hỗ trợ chị 10 triệu đồng, đồng thời cho vay thêm 20 triệu đồng (không lãi) để chị làm nhà. Chị Trương Thị Thu Yến, 54 tuổi, vừa láng giềng, cũng là “đồng nghiệp” của chị Lợi, tâm sự: “Lợi nó hoàn cảnh quá, chồng mất vẫn bám lại, ẵm heo nuôi con. Ở chợ, hầu như nó ít nói chuyện vì mặc cảm, nó bảo rằng không sợ khổ, chỉ sợ không đủ sức để nuôi con đến nơi đến chốn”.

Ẵm heo, đối với những phụ nữ này có thể là kế mưu sinh duy nhất của họ. Nhưng, trên hết, khi ở chợ heo, những đắng cay ngọt bùi ở đời, họ có bạn, có bè tâm sự, để mà san sẻ nhau. Như chị Ba, chị Thảo, chị Lợi… nếu không có những người bạn “cùng khổ” giúp nhau, động viên nhau, có lẽ các chị đã không đủ mạnh mẽ để tiếp tục.

Với bà Lê Thị Liên, 74 tuổi, chợ heo là nơi mà bà có thể giúp cô con dâu san sẻ khó khăn. Mỗi sáng, bà Liên ra chợ heo mót rơm từ các giỏ mà người ta chở heo đến. Rơm sạch bà để riêng, rồi bán với giá 2.000 đồng/bó; rơm bẩn bà phơi khô, đốt lấy tro, bán cho nông dân ở Thăng Bình dùng để trồng hành, dưa… với giá 30.000 đồng/bao tro. Để có được 1 bao tro, bà phải mất 3 - 5 ngày gom, phơi rơm bẩn. “Tính ra mỗi ngày cũng kiếm được vài ba chục nghìn, giúp được con dâu nuôi con, nuôi cháu” - bà Liên thỏ thẻ.

Hóa ra, con dâu của bà Liên cũng làm nghề ẵm heo, riêng con trai bà, sức khỏe yếu nên không làm lụng được nhiều, đó là chưa kể đến những lúc người con trai này “hóa dại” do mắc bệnh về tâm thần. Đứa cháu trai đầu 22 tuổi của bà Liên đã nghỉ học, theo phụ hồ ở Đà Nẵng, hôm 24 tết vừa rồi, chẳng may bị tai nạn gãy chân. Cả gia đình bà, đã khổ, càng thêm khó khăn. Nhưng nhiều người ở chợ, đùa rằng, “ganh tị” tình mẹ chồng - nàng dâu của bà Liên, họ thương yêu nhau như mẹ con ruột thịt.

XUÂN KHÁNH - HỒNG NHÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những người đàn bà ẵm heo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO