Những người đi cùng năm tháng

SONG ANH 15/03/2013 09:21

Chúng tôi gọi các thành viên trong đội chiếu bóng lưu động tỉnh là “những người đi cùng năm tháng”, bởi họ theo đuổi công việc thầm lặng nhưng đầy cống hiến cho xã hội suốt bao năm qua. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Điện ảnh Việt Nam (15.3), nghe những câu chuyện nghề đong đầy tình cảm, mới thấy công việc của họ không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa chiếu phim.

.

Miệt mài những chuyến đi

Họ mải miết đi trên những con đường dẫn đến các vùng miền, nhiệt tình và say mê. Những cuộc đi ấy cứ nối dài từ vùng biển đảo cho đến tận những bản làng xa xôi ở miền núi. Bằng cái tâm, họ vượt khó, vượt khổ, mang niềm vui đến với những người dân trên khắp các vùng trong tỉnh. Ông Nguyễn Tấn Sinh - Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh bộc bạch: “Không phải vùng hẻo lánh nào ô tô cũng đến được. Có khi anh em phải mang vác thiết bị máy móc trèo đèo, lội suối cả chục cây số mới đến nơi. Thời tiết không phải lúc nào cũng thuận lợi, nắng đổ lửa thì còn có thể đổi bằng mồ hôi nhưng mưa gió rất đáng lo. Người có thể ướt những máy móc thì không thể”.

Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam nhận cờ thi đua của UBND tỉnh năm 2012.
Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam nhận cờ thi đua của UBND tỉnh năm 2012.

Chúng tôi theo chân các anh đến với buổi chiếu phim tại xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, Hội An). Tàu vừa cập bến, toàn đội nhanh chóng khuân những chiếc hòm gỗ nặng trịch với máy chiếu phim, loa… lên điểm tập kết. Nghe tin có đoàn chiếu phim về, trẻ em trên đảo mừng rỡ kéo đến vây quanh. Người lớn thì xăng xái giúp đoàn dựng phông màn, sắp xếp dụng cụ. Trời chưa tối, họ đã kéo đến chật kín sân bãi. Hai đêm chiếu bóng tại Cù Lao Chàm, đoàn nhận được nhiều sự yêu mến, người dân xã đảo còn nằn nì mời đoàn ở thêm vài ngày.

Về với đồng bào vùng cao. Ảnh: S.A
Về với đồng bào vùng cao. Ảnh: S.A

Chín đội chiếu bóng lưu động trực thuộc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam đều cùng chung nhiệm vụ góp thêm niềm vui cho đời sống tinh thần của bà con vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Với những người trẻ tuổi, phim màn ảnh rộng là điều gì đó rất mơ hồ. Nhưng với những người già, màn ảnh rộng là một thời kỷ niệm của họ. Vậy nên, khi đoàn đến bất cứ vùng quê nào, từ người già đến trẻ đều tỏ ra hào hứng lạ kỳ. Người trẻ thích thú vì sự mới lạ, còn người già như lại bắt gặp chính thời tuổi trẻ của mình trong những thước phim. Niềm vui của những người làm chiếu bóng cũng chính tại đây. Bắt gặp sự hân hoan trên gương mặt mỗi người dân, nhận được những cái siết tay thật chặt, hay thiết thực hơn là bà con mời họ dùng bữa khoai mì sau đêm chiếu… Tất cả đều thể hiện tình yêu quý và trân trọng công việc của họ. Anh Phạm Thế Hải - Đội trưởng đội chiếu bóng đóng chân tại huyện Nam Giang chia sẻ: “Mỗi chuyến đi thường kéo dài nhiều ngày. Công việc vất vả, không kiên nhẫn, nhiệt huyết sẽ quay lưng lại với nghề. Anh em trong đội không gì vui sướng hơn là được thấy những đứa trẻ chân đất hớn hở chạy theo xe reo mừng, hay trong đêm chiếu phim, khán giả say sưa hướng lên màn hình. Họ chính là liều thuốc quý giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Công việc nhiều ý nghĩa

Những năm qua, Đội chiếu bóng huyện Bắc Trà My đã tổ chức tốt các tuần phim, đợt phim, khai thác tốt phim về đề tài chiến tranh, phim tư liệu về Bác Hồ, ngoài ra còn thông qua các buổi chiếu lồng ghép tuyên truyền về vấn đề dân số, Luật Bình đẳng giới… được người dân đón nhận. Hay như ở Hiệp Đức, nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ, đội chiếu bóng huyện phối hợp với đội chiếu bóng liên huyện tổ chức chiếu phim trước khi vào lễ chính với người xem là người có công, thân nhân liệt sĩ. Họ đã xúc động thật sự khi nhìn thấy chặng đường phát triển của 15 năm Hiệp Đức, trong đó có sự đóng góp của chính bản thân và người thân gia đình họ. Có lẽ vì vậy, ý nghĩa của những buổi chiếu phim không chỉ dừng lại ở tính giải trí, phục vụ đời sống tinh thần mà còn mang tầng nghĩa cao hơn, hướng con người đến gần hơn với chân - thiện - mỹ, hiểu và thực hiện đúng những chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước.

Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam được thành lập sau ngày tái lập tỉnh. Qua 16 năm xây dựng và phát triển, trung tâm đã thực hiện 24 nghìn buổi chiếu phim với hơn 6 triệu lượt người xem, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Những năm qua, trung tâm được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua.

Ông Sinh còn cho biết, bên cạnh sự nỗ lực của toàn đơn vị, trung tâm đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, chương trình xây dựng đời sống văn hóa cho đồng bào vùng cao, biên giới hải đảo đã được Sở VH-TT&DL, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ký kết giao cho Phòng Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh và Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng thực hiện. “Từ ký kết phối hợp đó, hai đơn vị đã liên kết tổ chức các tuần phim, đợt phim tuyên truyền về chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và biển đảo đến với đồng bào các dân tộc vùng cao, biên giới hải đảo. Đồng thời qua các buổi chiếu, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào, đẩy lùi tập tục lạc hậu; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với thực tế địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực” - ông Sinh nói.

Tuy công việc nặng nề và nhọc nhằn là vậy, nhưng phụ cấp cho anh em các đội chiếu bóng hầu như không có. Đời sống của các thành viên còn lắm khó khăn, nhưng với lòng yêu nghề, họ vẫn quyết gắn bó dài lâu. Tiếp xúc với các anh, nghe trong những câu chuyện nghề, ngoài nụ cười còn có cả những giọt mồ hôi.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những người đi cùng năm tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO