Những người đưa bài chòi vào du lịch

TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ 05/11/2022 08:21

(VHQN) - Ngày nay, tại Hội An, bài chòi là một sản phẩm không thể thiếu trong những hoạt động du lịch. Bài chòi cũng được mang đi trình diễn tại nhiều nước trên thế giới trong mỗi dịp quảng bá du lịch, giao lưu nghệ thuật.

Hô bài chòi ở Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Hô bài chòi ở Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Vẽ lại bài, dựng thêm chòi

Những năm cuối thế kỷ 20, khi du lịch bắt đầu phát triển mạnh, Trung tâm Văn hóa Hội An giao cho ông Trần Văn Nhân tìm lại những trò chơi phát xuất từ nghệ thuật dân gian và văn hóa bản địa, để giới thiệu với du khách đồng thời lấy đó làm sản phẩm du lịch.

Loay hoay mãi vẫn chưa có ý tưởng, một hôm tình cờ Trần Văn Nhân gặp Võ Đức Bướm. Nghe ông Nhân thổ lộ ý định đang tìm thêm các trò chơi dân gian để tạo sản phẩm du lịch, ông Bướm gợi ý nên tìm cách tổ chức lại bài chòi để phục vụ nhu cầu giải trí của du khách.

Ban đầu, ông Nhân lo ngại bởi những lần tổ chức thử nghiệm trước đó đều không có nhiều người tham gia, nhưng ông vẫn làm đề án trình thành phố xin chủ trương tổ chức trò chơi này. Đề án được thông qua.

Trước đó, Trần Văn Nhân cũng có biết sơ qua về thú chơi bài chòi nên ông tìm mua một bộ bài trùng về để nghiên cứu. Bộ bài trùng vốn được in bằng bản gỗ nên không rõ ràng cho lắm, đồng thời lại không có tên quân bài bằng tiếng Việt, nên giới trẻ cũng khó tiếp cận.

Trần Văn Nhân ngồi vẽ lại cả bộ bài trùng cho lớn hơn, rõ ràng hơn và chua thêm tên từng quân bài vào. Sau đó, ông đặt làm bảng gỗ để dán quân bài, giúp người chơi dễ sử dụng và nhận dạng ba mươi quân bài.

Đồng thời, dựa và nền tảng ca dao dân gian, ông viết thêm ba mươi câu thiệu theo dạng hò đối đáp với các nội dung tình tự, ca ngợi về tình yêu, cuộc sống gia đình, châm biếm các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Những câu hò đối đáp này được các anh hiệu, chị hiệu sử dụng để hát dẫn hay còn gọi là “hô bài chòi”, thông báo những quân bài trúng thưởng trong trò chơi.

Trình diễn bài chòi tại Diễn đàn du lịch Mê Kông 2022. Ảnh: PHAN MINH HUY
Trình diễn bài chòi tại Diễn đàn du lịch Mê Kông 2022. Ảnh: PHAN MINH HUY

Qua nhiều lần quan sát Trần Văn Nhân nhận thấy quy ước chơi theo kiểu cũ gồm có chín chòi, mỗi chòi ba người ngồi. Nếu mỗi người mua một quân bài, thì lượng người chơi chỉ được tối đa 27 người cho mỗi suất chơi, và chỉ có một người trúng thưởng.

Điều này sẽ không mang lại không khí hào hứng du khách tham gia trò chơi. Sau nhiều suy tính, ông thể hiện mỗi bộ có mười bảng cờ, mỗi bảng ba quân cờ, phát hành cùng một lúc mười bộ cờ.

Kiểu này có thể lên đến 100 người chơi, và có ít nhất 10 người sẽ trúng thưởng. Làm vậy sẽ giúp cuộc chơi trở nên náo nhiệt hơn, đồng thời phục vụ được nhiều khách tham gia hơn.

Những anh chị hiệu - linh hồn bài chòi

Xong chuyện quân bài, lại xoay qua chuyện tìm một anh hiệu hô bài chòi. Trước đó, Hội An đã có lần mời ông Dư từ Đoàn Ca kịch Quảng Nam về làm anh hiệu, nhưng tính chuyện lâu dài thì ông Dư không phải là lựa chọn tốt vì ông chỉ làm việc này ngoài giờ.

Nhờ Phạm Phú Sương giới thiệu, ông Nhân liên lạc với Nguyễn Đáng, một người Hội An hô bài chòi rất giỏi. Khi đó, ông Đáng đang làm việc ở Hợp tác xã Nông nghiệp Cẩm Hà.

Bây giờ nghĩ lại, dường như tạo hóa đã sắp đặt đâu vào đó cho từng sự việc xảy ra ở vùng đất này, nên mỗi khi có chuyện cần là có những con người dường như được định sẵn để thực hiện. Nguyễn Đáng là người rất mê bài chòi. Ông chịu ảnh hưởng từ những ngày còn ấu thơ, khi ông được bà ngoại dẫn đi chơi bài chòi vào những dịp tết đến.

Những câu hò đối đáp, những câu hô bài chòi như thấm vào trong ông. Ông tham gia đội văn nghệ Hợp tác xã Nông nghiệp Cẩm Hà, chuyên biểu diễn các tiết mục dân ca. Do đó, ông thường tham gia các hội bài chòi được tổ chức tại địa phương nơi ông cư ngụ.

Ông tiếp cận với nhiều đàn anh chuyên về dân ca kịch, bài chòi như Ly Nguyễn và Hải Nam để học hỏi thêm, kể cả sau khi ông nhận được lời đề nghị làm anh hiệu chính cho chương trình bài chòi của Trung tâm Văn hóa Hội An.

Ban đầu, chương trình được tổ chức mỗi tuần một lần. Nguyễn Đáng hát chung với Nguyễn Thị Nữ - nguyên là kế toán của Trung tâm Văn hóa Hội An. Một thời gian sau, chương trình bài chòi được du khách tham gia ngày càng đông đúc, bèn tổ chức hai lần mỗi tuần.

Nguyễn Thị Nữ cũng đã lớn tuổi không kham được nên nghỉ hát. Chương trình phải bổ sung thêm những gương mặt nữ đang hoạt động biểu diễn tại trung tâm như Lệ Nga, Thu Hương, Ngọc Huệ.

Lúc đầu, Nguyễn Đáng còn dựa vào 30 câu hô dẫn bài chòi được Trần Văn Nhân sáng tác trước đó. Về sau, với nhiều kinh nghiệm trong những đêm tổ chức bài chòi, Nguyễn Đáng bắt đầu viết tiếp những câu thiệu mới để tránh nhàm chán.

Ông viết và hướng dẫn cách hô bài chòi, đồng thời tập luyện cùng các chị hiệu mới, dần dần tạo được một đội ngũ hô bài chòi khá chuyên nghiệp cho chương trình này tại Hội An.

Năm 2018, anh hiệu Nguyễn Đáng và chị hiệu Phùng Ngọc Huệ được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, ghi nhận công lao góp phần bảo tồn và phát triển môn nghệ thuật dân gian này.

Tuy không là nơi phát sinh ra bài chòi, nhưng Hội An lại là mảnh đất tốt để hạt giống bài chòi nẩy nở và phát triển. Hội An là nơi quảng bá và giới thiệu môn nghệ thuật dân gian này ra với thế giới bên ngoài. Và họ - những người góp phần gìn giữ và đưa bài chòi vào du lịch là phần không thể thiếu trong bức tranh về bài chòi.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những người đưa bài chòi vào du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO