Trong tuần này, tại TP.Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc hội thảo và giới thiệu về cuốn sách “Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 - 1952) - Một trang sử thuộc địa bị lãng quên”.
Cuốn sách có tựa đề tiếng Pháp “Immigrés de force - Les travailleurs indochinois en France (1939-1952)” được xuất bản tại Pháp vào năm 2009, của tác giả người Pháp, Pierre Daum, nay được chuyển thể qua tiếng Việt của dịch giả Trần Hữu Khánh. Tác phẩm là một lát cắt lịch sử với mong muốn mang tiếng nói công bằng cho những người lính Việt Nam trong Thế chiến thứ 2 tại Pháp.
Hơn 70 năm qua, những bi kịch lịch sử vẫn còn đó. Cuốn sách gợi lại lịch sử của tháng 9.1939 khi chính phủ Pháp cưỡng bức đưa 20 nghìn thanh niên Việt Nam sang Pháp làm việc trong các công xưởng chế tạo súng đạn, thay thế cho những công nhân Pháp đang cầm súng chiến đấu chống phát xít Đức. Những lính thợ Việt Nam phải làm việc trong các điều kiện bị bóc lột sức lao động, không được trả lương, làm những công việc nặng nhọc nhất, sống trong điều kiện thiếu vệ sinh, lương thực khan hiếm. Dẫu sống trên đất Pháp, những người lính thợ Việt Nam vẫn một lòng hướng về đất mẹ, tổ chức nhiều hoạt động nhằm ủng hộ công cuộc kháng chiến giành độc lập của nhân dân Việt Nam và phản đối thực dân Pháp tái xâm lược Việt Nam.
Bìa cuốn sách của Pierre Daum. |
Sau một thời gian dài bị vùi sâu trong ký ức, cuốn sách của Pierre Daum đã phơi bày sự thật trước công luận và gây tiếng vang lớn, đánh động dư luận và chính phủ Pháp. Để thực hiện cuốn sách, Pierre Daum mất 4 năm tìm hiểu tư liệu, gặp các nhân chứng còn sống và viết. Thêm một sự kiện khác: vào đầu năm 2013, bộ phim tài liệu “Công binh, đêm dài Đông Dương” của đạo diễn Lê Lâm được công chiếu tại Pháp đã gây nhiều chú ý. báo Libération (Pháp) viết, đã đến lúc, nước Pháp cũng nên nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ thực dân. Bộ phim cho thấy sự bất công mà chính phủ Pháp đã gây ra đối với số thanh niên trai trẻ Việt Nam làm lính thợ. Còn tờ Le Figaro của Pháp cho rằng, “thà chậm còn hơn không”, đã đến lúc phải trao trả lại cho họ tiếng nói, sự hiện diện, một khuôn mặt và hãy chia sẻ với những người lính thợ Việt Nam trên đất Pháp bị lãng quên.
Đến nay, nhiều địa phương ở Pháp đã tổ chức lễ tôn vinh những cựu lính thợ Việt Nam với sự hiện diện rất ít ỏi các nhân chứng nay đến tuổi gần đất xa trời. Vào ngày 5.10.2014, tượng đài kỷ niệm cấp nhà nước nhằm tưởng nhớ công lao của 20 nghìn lính thợ Việt Nam tại Pháp trong Thế chiến thứ 2 được long trọng khánh thành ở Camargue dưới sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao Cộng hòa Pháp cùng đại diện chính phủ Việt Nam. Cũng dưới tác động của công luận qua cuốn sách của tác giả Pierre Daum và sức ép của báo chí Pháp, tòa thị chính thành phố Arles - bằng một cử chỉ hàm ơn - khi sẽ cho đặt tên một con đường là Travailleurs indochinois (Lao động Đông Dương) vào tháng 12 tới. Đồng thời một hành động ý nghĩa nữa là vận động để nước Pháp phải công nhận vai trò của các lính thợ Việt Nam trong việc hồi sinh nghề trồng lúa và sản xuất ra thứ gạo chất lượng trở thành một đặc sản tại cực nam nước Pháp.
NAM VIỆT