Những người thầy bám đảo

K.LINH - T.ĐẠI 20/11/2014 12:03

 (QNO) - Vượt qua khó khăn, những thầy, cô giáo tại Cù Lao Chàm (xã Tân Hiêp, Hội An) vẫn một lòng bám lớp, ươm mầm cho bao ước mơ con trẻ nơi đầu sóng ngọn gió.

Sinh ra và lớn lên tại Cù Lao Chàm, cô giáo Mai Thị Trái - giáo viên Trường Tiểu học Tân Hiệp luôn đồng cảm với những vất vả của trẻ em trên đảo. Lớp học của cô là một căn phòng đơn sơ với vỏn vẹn 5 học sinh được chia thành 3 lớp ghép (3 em lớp 2 và 2 em lớp 1). Dù lấy chồng ở đất liền (xã Cẩm Thanh, Hội An), cô Trái vẫn một mình bám đảo để rồi bao năm qua như con thoi vào nhà ra đảo, vừa dạy học, vừa chăm lo sắp xếp công việc gia đình. Năm 2009, trong một lần qua Bãi Hương dạy học, chiếc xe máy của cô Trái mất lái lao xuống vách đá, hậu quả nửa người gần như bị liệt hoàn toàn tưởng chừng như không thể vượt qua để tiếp tục công việc dạy học. Nhưng rồi niềm đam mê tiếp thêm sức mạnh cho cô vượt qua khó khăn để sống với nghiệp đã chọn.

Mang trên người chiếc nẹp bó lưng, hàng ngày cô Mai Thị Trái lại đến trường, tối lại đến từng gia đình trong thôn nhắc học sinh học bài. Nhiều phụ huynh bận đi làm biển cũng gửi con nhờ cô Trái kèm cặp trông nom. “Hơn 30 năm dạy học trên đảo, cô Trái chưa hề bỏ lớp ngày nào, kể cả những lúc bệnh tật hành hạ cô vẫn mang nẹp lên lớp dạy học” - cô giáo Hồ Thị Đào - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hiệp nhận xét. Theo cô Đào, cô Trái chỉ là một trong số nhiều giáo viên gắn bó với đảo hàng chục năm nay, dù mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nhưng đều gặp nhau ở lòng nhiệt huyết và tình yêu thương con trẻ.

Cô Mai Thị Trái dù bị thương tật nhưng vẫn tận tình với trẻ em trên đảo.
Cô Mai Thị Trái dù bị thương tật nhưng vẫn tận tình với trẻ em trên đảo.

Hiện tại, hệ thống trường lớp tại Cù Lao Chàm đã có đủ cho 3 bậc học mầm non, tiểu học và THCS với khoảng 180 học sinh. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, niềm vui lớn nhất của những giáo viên công tác tại đảo chính là đã thay đổi được nhận thức người dân “học cũng giăng câu thả lưới, không học cũng thả lưới giăng câu”. Qua đó, góp phần  tạo điều kiện cho con em trên đảo không chỉ được đến trường, mà còn thúc đẩy sự nghiệp giáo dục xã đảo ngày càng phát triển, tạo động lực để giáo viên gắn bó hơn với Cù Lao Chàm. “Khó khăn thì nơi đâu cũng có nhưng với các giáo viên trên đảo thì điều này được nhân đôi bởi những đặc thù nơi đây” - thầy Thanh chia sẻ.

Trong tổng số 17 cán bộ, giáo viên đang công tác, giảng dạy tại Trường Tiểu học Tân Hiệp phần lớn đều có thâm niên công tác lâu năm, vài người trong số đó đã đi gần hết chặng đường công tác của đời mình trên đảo. “Ban đầu khi ra nhận công tác dạy học, các  giáo viên đều có suy nghĩ sẽ chỉ giảng dạy theo đúng thời gian quy định rồi luân chuyển vào lại đất liền. Nhưng rồi sự cảm thông, lòng yêu trẻ và tấm lòng người dân nơi đây đã níu kéo chúng tôi ở lại nên chẳng mấy chốc thời gian đã qua 15 năm,  20 năm, thậm chí nhiều giáo viên đã gắn bó trên 30 năm với bao thế hệ con em xã đảo” - cô Đào tâm sự. Bản thân cô Đào cũng đã công tác trên đảo tròn 30 năm, đôi lúc là chỗ dựa tinh thần như một người chị động viên đồng nghiệp trẻ vượt qua khó khăn gắn bó với các em. Bây giờ vùng đất này đã trở thành quê hương thứ hai của không ít giáo viên của trường.

Rõ nét nhất là việc giáo viên trên đảo phải có nhiều giáo án do mỗi khối chỉ có một lớp học nên cứ dạy tiết nào là soạn giáo án cho tiết đó. Ngoài ra, không ít giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều phần việc mà mình không có chuyên môn. Đặc biệt, điều kiện ăn ở, cuộc sống của đa phần giáo viên hầu như vẫn còn khó khăn, chưa đảm bảo, phải ở trong khu nhà nội trú chật chội (diện tích khoảng 20m2) được xây dựng từ khá lâu. “So với trước đây thì điều kiện ăn ở của giáo viên ngoài đảo bây giờ đã khá hơn nhiều nhờ sự quan tâm của ngành giáo dục cũng như sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội. Tuy nhiên, về lâu dài cần có những chính sách hỗ trợ để các giáo viên yên tâm công tác dài lâu trên đảo” - thầy Nguyễn Văn Thanh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Dung - Trưởng phòng GD-ĐT Hội An khẳng định, những khó khăn, vất vả mà các giáo viên trên đảo vượt qua rất đáng trân trọng. “Tôi cho rằng tất cả những thầy cô trên đảo đều là những tấm gương sáng về lòng yêu nghề và sự tận tụy với học sinh. Tuy nhiên, trong giới hạn của phòng cũng chỉ động viên, hỗ trợ tinh thần là chính. Riêng với cô Mai Thị Trái phòng đang xem xét để sang năm học 2015 - 2016 có thể chuyển cô vào đất liền cho gần gia đình và tiện công tác” - ông Dung nói.

Đời sống của nhiều giáo viên trên đảo vẫn còn khó khăn.
Đời sống của nhiều giáo viên trên đảo vẫn còn khó khăn.

K.LINH - T.ĐẠI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những người thầy bám đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO