Những người tôi cảm phục

CHIÊU THỤC ANH 06/03/2015 09:32

Hiếu thuận và tình người đã giúp bà Lê Thị Cặn (thôn An Điềm, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) và chị Phạm Thị Mua (thôn Thành Mỹ, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) vượt qua khó khăn của đời sống cơm áo gạo tiền để làm tròn vẹn hiếu nghĩa.

Hiếu nghĩa làm đầu

Rất nhiều người dân Đại Hưng đều biết câu chuyện hiếu thuận, chăm sóc chị chồng Võ Thị Hào (81 tuổi) nằm liệt giường từ nhiều năm nay của bà Lê Thị Cặn (58 tuổi). Làm dâu về nhà chồng hơn 30 năm nay, sinh một lèo 6 người con vừa trai vừa gái đủ cả. Nhà đông con lại ở vùng đất khó khăn, vợ chồng bà Cặn quần quật cả ngày ngoài đồng để kiếm tiền nuôi con. Cuộc sống dẫu không giàu nhưng cũng bình an, đủ ăn qua ngày. Những đứa con đầu vì hoàn cảnh gia đình nên nghỉ học sớm đi làm kiếm tiền và lập gia đình. Hai đứa sau cùng một đang học đại học, một học phổ thông. Dù nay tuổi đã ngấp nghé 60 nhưng cuộc sống của vợ chồng bà Cặn vẫn chưa một ngày thư thả. “Vẫn phải làm ruộng, nuôi heo, bò, gà để đóng tiền học phí cho đứa năm hai đại học và đứa học lớp 9” - bà Lê Thị Cặn vừa rửa tay chân khi ở ngoài đồng về, vừa giải thích với khách.

Cô Lê Thị Cặn hằng ngày chăm sóc, hiếu nghĩa với chị chồng Võ Thị Hào. Ảnh: THỤC ANH
Cô Lê Thị Cặn hằng ngày chăm sóc, hiếu nghĩa với chị chồng Võ Thị Hào. Ảnh: THỤC ANH

Điều khiến tôi cảm phục là dù cực nhọc như thế, bà Lê Thị Cặn còn phải chăm lo cho người chị chồng bệnh nằm một chỗ từ gần 6 năm nay nhưng chưa một lời than thở. Tuổi già sức yếu, bà Võ Thị Hào vừa không nhìn thấy lại nằm một chỗ nên mọi việc từ ăn uống đến vệ sinh hằng ngày đều cậy nhờ vào bà Cặn. Em trai bà Hào - chồng bà Cặn thấy vợ vất vả trăm bề nhiều lần đề nghị để mình phụ vợ chăm sóc chị gái nhưng bà một mực từ chối vì ngại cho chồng. Quay như chong chóng từ nhà ra đồng, từ đồng về nhà từ sáng đến tối nhưng nhiều khi bà Cặn còn bị chị chồng rầy rà, mắng mỏ. “Biết là mình sai đấy cháu ạ. Biết em nó vất vả vì cuộc sống lại còn chăm nom mình mà mắng mỏ nó thì không phải tí nào. Bởi tính ra nó có máu mủ, tình thân gì với mình đâu cơ chứ. Nhưng nằm cả ngày không làm được gì, bệnh tật hành hạ, sống dở chết dở nên cáu bẩn vô lối. Nhiều khi hết cáu, nghĩ thương và cám ơn em dâu vô cùng” - bà Võ Thị Hào tâm sự. Ai đến thăm nhà bà Cặn cũng phải xuýt xoa vì gian nhà bên phải, nơi bà Hào nằm khá sạch sẽ vì được bà Cặn vệ sinh mỗi ngày. “Những ngày đầu chị Hào nằm một chỗ, chưa điều tiết được tinh thần và quán xuyến công việc nên trong người nhiều khi cũng bực bội vì mệt mỏi, vất vả quá. Nhưng nghĩ tới nghĩ lui, thương chồng thì phải thương chị chồng. Vả lại, việc mình làm hôm nay để có thể nhận lại từ con cháu mình. Bây giờ mình đối xử tệ bạc với chị, biết đâu ngày sau mình nhận lại quả đắng hơn” - bà Cặn chia sẻ. Việc làm và tấm lòng của bà Cặn đã làm lay động khá nhiều người, đặc biệt là những đứa con chị. Các con bà Cặn chia sẻ rằng, không biết mai mốt khi ba mẹ bị đau ốm như vậy, có chăm sóc được được như mẹ đang chăm sóc cô Hào. Tuy nhiên, một khi những đứa con biết trân trọng việc làm của mẹ mình thì có lẽ, bài học nghĩa tình mà bà Cặn viết ra sẽ còn nối dài trong gia đình hiếu thuận.

Sống mở lòng

Tương tự bà Cặn, câu chuyện của chị Phạm Thị Mua (thôn Thành Mỹ, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) cũng mang dáng dấp nghĩa tình mà mấy ai có được. Chị Mua vẫn còn nhớ những tháng ngày cùng cực trước đây khi chồng tha phương khắp nơi để kiếm sống nhưng không may bị bạo bệnh qua đời, để lại cho chị một nách hai con nhỏ dại. Dù khó dù khổ nhưng chị cũng nuôi dạy hai con thành người, ra trường và có việc làm ổn định. “Tôi nghĩ nhờ Trời Phật thương nên mới giúp mình vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, thì nghĩa vụ của mình là phải cho đi trở lại”. Nghĩ thế, chị Mua quyết định nhận nuôi mẹ Nguyễn Thị Lai - đơn thân không nơi nương tựa. Suốt 5 năm trường, dù công việc đồng áng bận rộn, việc trao đổi buôn bán hàng hóa tấp nập, công việc xã hội nặng gánh nhưng chị Mua vẫn sắp xếp thời gian hợp lý để chăm sóc mẹ Lai từng miếng cơm, ngụm nước, miếng trầu. Những đêm trái gió trở trời, mẹ Lai đau nhức rên rỉ, chị Mua lại vỗ về âu yếm, xoa bóp hòng giúp mẹ vơi bớt nỗi đau thể xác tuổi xế chiều. Mắt mẹ Lai mù lòa, tuổi cao sức yếu nằm một chỗ nên mọi việc vệ sinh tiểu tiện hằng ngày chị Mua đảm trách mà không hề than vãn, kêu ca. Năm tháng dần qua, mẹ Nguyễn Thị Lai ra đi năm 2013 trong tình thương và sự bảo bọc không khác con gái ruột của chị Phạm Thị Mua.

“Cứ nghĩ chị Mua sẽ nghỉ ngơi sau cái chết của mẹ Lai. Nhưng không, tấm lòng thơm thảo của chị lại tiếp tục khi quyết định nhận nuôi cụ ông Phạm Hồng -80 tuổi, không nơi nương tựa. Thiệt lòng mà nói, thời buổi này, người phụ nữ như chị Mua không phải dễ có” - bà Nguyễn Thị Vân, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Ninh chia sẻ. Vẫn như con thoi, hằng ngày chị xoay giữa hằng trăm việc riêng, việc xã hội và chăm sóc cụ ông như chính người thân trong gia đình. Ngoài ra, hiện nay chị Mua còn tiếp tục sẻ chia với bà con chòm xóm, khó khăn về kinh tế. “Tôi thường cho nhiều người vay vốn làm ăn, mua con giống không lấy lãi để tạo điều kiện công ăn việc làm. Tôi muốn việc làm của mình như là sự đền đáp, báo ân với những người ngày xưa giúp mình. Có vậy, tôi mới thấy lòng mình thanh thản” - chị Phạm Thị Mua nói.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những người tôi cảm phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO