105 năm trước, phong trào chống sưu thuế quật cường của nông dân đã nổ ra đầu tiên tại Quảng Nam rồi thành cao trào khắp 13 tỉnh Trung kỳ. Thực dân Pháp và Nam triều phong kiến đã thẳng tay đàn áp, một số người bị xử tử đã để lại ấn tượng sâu đậm đối với hậu thế…
Phong trào chống sưu thuế tại Quảng Nam kéo dài từ giữa tháng 3 cho đến hạ tuần tháng 5.1908. Thực dân Pháp và Nam triều phong kiến thẳng tay đàn áp, khiến cho sĩ dân phải chịu cảnh “áo lam ngồi đầy lao, xiềng gông đi khắp xứ”. Một số trường hợp bị chúng xử tử ngay tại Quảng Nam như Ông Ích Đường (người huyện Hòa Vang), Nguyễn Cương, Nguyễn Dực, Phan Tham, Trần Phước (đều người huyện Duy Xuyên), Trần Thuyết (người phủ Tam Kỳ) và tiến sĩ Trần Quý Cáp (quê phủ Điện Bàn nhưng bị xử tử tại Khánh Hòa).
PGS - TS. Ngô Văn Minh trao tặng ảnh Ông Ích Đường cho hậu duệ. |
Trần Thuyết (thường gọi Mục Thuyết, quê xã Phước Lợi, nay thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) là người đã hô câu “Dân ta xin quan đề đốc cho dân ăn gan!” ngay tại phủ đường Tam Kỳ khi nổ ra chống thuế, được dân 7 tổng có mặt tại phủ đường hưởng ứng bằng một tiếng “Dạ” vang lừng, khiến viên đề đốc gian ác Trần Tuệ mặc dù đã được viên đại lý Pháp đến giải thoát khỏi đám đông biểu tình nhưng vẫn sợ đến nỗi hộc máu chết ngay trong xe. Tương truyền, trong bản án Trần Thuyết có câu kết tội: “Thanh thanh thực đề đốc can, nhất hô nhi thất tổng chi dân giai ứng” (nghĩa là, một tiếng hô ăn gan quan đề đốc mà dân bảy tổng dạ vang). Ông bị xử chém tại đầu cầu Tam Kỳ, đến năm 1986 mới phát hiện được mộ phần. Ông chủ vườn, nơi có ngôi mộ, kể lại rằng, cụ thân sinh cũng là người tham gia cuộc biểu tình chống thuế đã chôn cất Trần Thuyết ngay vườn nhà, trước khi qua đời có dặn con cháu phải giữ gìn tu tảo phần mộ. Tra cứu các châu bản triều Duy Tân về phong trào chống thuế, cả Đại Nam thực lục đều không thấy có tên Trần Thuyết. Tuy nhiên, căn cứ vào trường hợp Trần Duy bị quy tội “kết hợp dân chúng kháng quan… dám tụ dân vào nha, đạp phá hàng rào, canh giữ phủ thự, truyền hô vây bắt quan trưởng, đã bị quan Một đem binh đánh đuổi…” và bị xử trảm quyết trong châu bản, chúng tôi cho rằng có lẽ Trần Duy chính là Trần Thuyết.
Cách đây hơn 2 năm, tôi đọc tạp chí Xưa và Nay số 359 (tháng 7.2010), bất ngờ thấy tác giả Dư Thanh Khiêm giới thiệu 4 bức ảnh về cảnh đao phủ hành hình người yêu nước, được chụp bởi Auguste Thirat - một cộng sự viên đắc lực của báo Illustration. Tại buổi hành hình có sự giám sát của viên quan Pháp phụ trách cảnh sát phía Bắc là M. Salvant. Điều đặc biệt, bức ảnh có hẳn chú thích bằng tiếng Pháp bên dưới, cho biết đó là những hình ảnh Ông Ích Đường thọ hình tại chợ Túy Loan. Dù nhìn những tấm ảnh này chúng ta hết sức đau lòng, nhưng qua đó lại thấy được sự hiên ngang lẫm liệt của người anh hùng trẻ tuổi Ông Ích Đường khi tuẫn nạn, đúng như những gì dân gian Quảng Nam vẫn lưu truyền về ông.… |
Với trường hợp Trần Phước, trong cuộc hội thảo 100 năm phong trào chống thuế Quảng Nam tổ chức tại huyện Đại Lộc, những người tham dự hết sức xúc động khi nghe người cháu nội của nhân vật này (hiện đã trên 80 tuổi) kể chuyện. Chuyện rằng, khi ông Phước bị hành quyết, người con còn rất nhỏ nhưng đã nhào tới khóc lóc thảm thiết xin thế mạng, nhưng rồi sau đó phải uất ức ôm lấy xác dưới lưỡi dao của tên đao phủ.
Trần Quý Cáp không trực tiếp tham gia vào phong trào chống thuế ở Quảng Nam, vì trước đó 1 tháng ông đã đổi vào làm giáo thụ huyện Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa). Nhưng khi được tin về cuộc cự sưu kháng thuế ở quê nhà qua thư của Trần Đình Phiên là con thầy học cũ Trần Đình Phong từ Quảng Nam gửi vào, Trần Quý Cáp phấn khích lấy bút ghi luôn vào đó mấy chữ: “Ngô dân thử cử, khoái thậm, khoái thậm!” (Dân ta làm thế, sướng lắm, sướng lắm!). Nam triều phong kiến và thực dân Pháp vin vào mấy chữ đó kết ông vào tội “mưu toan phản nghịch” xử trảm lập quyết. Ngày 17.5 năm Mậu Thân (1908), Trần Quý Cáp bị đưa ra chém ở bãi sông Cạn (Diên Khánh). Tên cai ngục rất kính trọng ông, nói: “Tôi vì phải thi hành mệnh lệnh, thấy ông bị nguy thế này, lòng tôi như dao cắt”. Trần Quý Cáp trả lời: “Được như thế này là chí muốn của tôi, có phàn nàn gì đâu. Chỉ nhờ ông lấy cái áo lễ của tôi, đặt hương án ở trước tôi để tôi làm lễ từ biệt đồng bào, đồng chí”. Người cai ngục làm theo lời. Trần Quý Cáp mặc lễ phục đến trước hương án quay về phương Bắc (quê nhà Quảng Nam) lạy 5 lạy và nói: “Quý Cáp bất tài, không giúp được một tay cho nước, cho dân. Đồng bào lầm than chưa biết đến bao giờ mà tôi đã thoát khổ, thật là có tội. Xin lấy chết tạ tội”. Tiếp đến lạy 4 lạy và nói: “Các đồng chí cố gắng, dân trí mở mang dần, dân khí có lúc dùng được. Mong các đồng chí kiên trì giữ mình, góp sức suy nghĩ, đừng vội vã, đừng yếu ớt, làm cho được việc, đừng bắt chước chết sớm như tôi. Tội tôi to lắm, xin lỗi các đồng chí”. Sau đó ngoảnh mặt lại nói với tên coi chém: “Việc tôi hết rồi”. Nhưng liền sau đó lại tiếp lời: “Chưa, chưa! Tôi còn mẹ già, lẽ nào lại không tạ tội”. Rồi ông trở lại trước hương án lạy 4 lạy, nói: “Tôi lấy chết tạ mẹ già tôi”.
Ông Ích Đường trước giờ tuẫn nạn. |
Cái chết của Trần Quý Cáp gây xúc động mãnh liệt trong dân chúng và sĩ phu đương thời. Năm 1925, hài cốt của ông được môn đệ Trần Huỳnh Sách cùng thân nhân đưa về cải táng tại quê nhà (làng Bất Nhị, nay thuộc xã Điện Phước, huyện Điện Bàn). Trên hai trụ mặt tiền của mộ có đôi câu đối của Phan Bội Châu và minh văn của Huỳnh Thúc Kháng, kết thúc bằng lời, “Sanh ư đạo đức, tử ư khí tiết, triết kỳ úy hồ! Thùy vi hậu triết!”.
Ông Ích Đường người làng Phong Lệ Bắc (nay thuộc phường Hòa Thọ, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng), là cháu nội danh tướng Ông Ích Khiêm, đã từng tháp tùng Phan Châu Trinh ra Bắc, lên đồn Phồn Xương gặp Hoàng Hoa Thám. Khi chuẩn bị cho cuộc chống thuế tại Hòa Vang, ông đi các xã thôn vận động nhân dân lấy chữ ký và đến lúc khởi sự, ông dẫn đầu một cánh biểu tình bao vây nhà Lãnh binh Điềm là một tên coi xâu gian ác bị nhân dân oán ghét. Nhưng lãnh Điềm bỏ trốn trước nên cuộc vây bắt không thành. Trong bản án của Nam triều ngày 16.4 năm Duy Tân thứ hai (1908), Ông Ích Đường bị quy vào tội “khích biến lương dân” (kích động nhân dân), xử trảm quyết. Ông bị giặc bắt đưa ra xử ngay tại chợ Túy Loan (nay thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) khi chợ đang đông để uy hiếp tinh thần dân chúng. Tại nơi hành hình, ông ung dung nói: “Dân nước Nam như cỏ cú, giết Đường này còn có trăm nghìn Đường khác. Bao giờ hết mía mới hết Đường!”, rồi quay mặt bảo tên đao phủ: “Đứa nào chém tao thì chém một nhát cho đứt”.
Cái chết oanh liệt của người thanh niên yêu nước mới 24 tuổi này đã gây xúc động mãnh liệt đối với nhân dân. Khi ông tuẫn nạn, ngay tại chợ Túy Loan nhiều người dân tự mua vải trắng để tang ông. Có người bán hàng vải ở chợ xé cả gánh vải trắng phát không cho những người tưởng niệm. Tên đao phủ chém ông trên đường về bị nhân dân đón đánh hộc máu, về nhà ốm liền 3 tháng rồi chết. Sau đó, dân chúng quanh chợ quyên tiền lập miếu thờ “Cậu Đường” với hai câu đối điếu đề trước cửa miếu: “Tinh thần thiên bất tử; Nghĩa khí thế trường sanh” (Tinh thần còn mãi mãi; Nghĩa khí sống đời đời), cùng với bài văn tế ca ngợi, xót thương, có đoạn: “Hỡi ôi!/ Biển Việt sóng xô, núi Nam mây ủ/ Gió ái quốc đón đưa hào kiệt, mưa duy tân giục giã anh hùng/ Dựng cờ dân chủ chống lại cường quyền, mở nghĩa tự do tranh cùng chính phủ/ Lòng thương nước tính toan ngày tháng, dạ vì dân tơ tưởng đêm ngày/ Chí như thế dân nước há quên, người như thế đất trời nỡ phụ…”. Phan Châu Trinh cũng có câu đối điếu ông: “Phụ tử tử vu vinh? Bạch địa nhất thời mai trung cốt/ Tiên sinh sinh hữu hậu, thanh thiên vạn cổ chiếu đơn tâm” (Khương Hữu Dụng dịch: “Ngài chết thế mà vinh, một thuở xương trung vùi đất trắng/ Ông sống còn có hậu, muôn đời lòng tỏ rạng trời xanh”. Miếu thờ Ông Ích Đường vẫn được nhân dân hương khói suốt 105 năm qua. Mộ ông đã được con cháu cải táng đưa về chôn gần mộ ông nội ở phường Hòa Thọ, nhưng tiếc rằng hậu duệ không có được một di ảnh của ông để thờ…
105 năm đã trôi qua, nhưng nghĩa khí của những người tuẫn nạn trong phong trào chống chế độ sưu thuế của thực dân - phong kiến năm 1908 vẫn và sẽ còn sâu đậm mãi trong trang sử đất Quảng.
PGS-TS. NGÔ VĂN MINH