Những người vì mọi người

19/12/2012 10:04

Có những người luôn sống vì mọi người với những việc làm lặng lẽ...

Chị Huỳnh Thị Kim Quy bón cơm cho một người khuyết tật. ẢNH: D.LỆ
Chị Huỳnh Thị Kim Quy bón cơm cho một người khuyết tật. ẢNH: D.LỆ

Hết lòng vì người khuyết tật

Chúng tôi đến thăm Làng Hòa Bình (thôn Đàn Trung, Tam Đàn, Phú Ninh) khi các cô bảo mẫu chuẩn bị bữa ăn trưa. Trong phòng đặc biệt nặng, có 7 bệnh nhân đa khuyết tật đang nằm hoặc ngồi một chỗ, mọi sinh hoạt như ăn uống, vệ sinh đều do các chị nhân viên của làng chăm từng chút. Trước giờ ăn, các chị làm vệ sinh cho từng người, rồi thay áo quần cho họ, sau đó cẩn thận bón từng muỗng cơm. Có người đang ăn thì đột nhiên khóc ré, không chịu ăn nữa, chị Võ Thị Sinh (nhân viên của làng) phải dỗ dành mãi mới chịu há miệng để chị đưa cơm vào. Gần đó, nhân viên Huỳnh Thị Kim Quy cùng lúc bón cơm cho cả 2 người, một người cười, một người khóc khiến chị xoay xở khá vất vả. Chị Quy bảo: “Những người khuyết tật nhưng còn tự lo được thì mình hướng dẫn họ đút cơm cho người nằm một chỗ ăn. Hay lúc mình bận chăm sóc những người nặng, có thể nhờ họ giúp trông trẻ khuyết tật ở các phòng khác. Như vậy vừa giúp họ vận động mà mình cũng có thời gian chăm lo cho trường hợp khác”.

Ngoài hiên, chị Nguyễn Thị Kim Phương đang bế bé Thanh, dù đã 14 tuổi nhưng chỉ nằm tại chỗ. Thanh thường lăn ra ngoài hiên nằm một mình. Chị Phương kiên trì, hễ Thanh lăn ra hiên là bồng vô, dỗ dành đút cơm. Chị cười, bảo: “Mỗi lần cho bé Thanh ăn mất đứt 2 tiếng đồng hồ. Ngày nào cũng vậy nên các cô ở đây quen rồi. Phải cho các bé ăn bằng được để các bé có sức khỏe”.

Làng Hòa Bình có 13 trường hợp khuyết tật thuộc thể nặng, cần giúp đỡ các hoạt động như mặc áo quần, tắm giặt, hướng dẫn cách ăn hoặc đút ăn. Ngoài ra, có 5 người khuyết tật ở mức vừa, có thể tự lo cho bản thân và giúp nhân viên của làng chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt nặng. Tất cả trường hợp khuyết tật ở làng đều là người tham gia kháng chiến hoặc con của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi hoặc gia đình, bà con không có điều kiện nuôi dưỡng. Ở đây, người khuyết tật được chăm sóc cẩn thận, chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ và được điều trị phục hồi chức năng.

Từng ấy bệnh nhân được chăm sóc bởi 7 nhân viên, trong đó có 2 nhân viên tiếp phẩm và 5 người chăm sóc trực tiếp. Chứng kiến cảnh các chị chăm sóc cho người khuyết tật từng bữa ăn, giấc ngủ, dỗ dành đút từng muỗng cơm mới thấy hết được tình yêu thương mà họ dành cho bệnh nhân ở làng. “Đối tượng không chỉ nằm một chỗ mà còn có dấu hiệu tâm thần, khi thì cười khi thì khóc, lúc la hét hoặc bỏ đi. Dù làm việc trong môi trường được xem là nặng nhọc, độc hại nhưng các cô chỉ hưởng lương theo Nghị định 68, trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chỉ còn hơn 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Theo chế độ, người trực tiếp chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng thêm 40% so với mức lương cơ bản nhưng các cô vẫn chưa được nhận. Dù vậy, các cô vẫn làm tốt nhiệm vụ của mình bằng tất cả tình thương yêu và trách nhiệm dành cho người khuyết tật ở đây” - bác sĩ Võ Văn Kiến, Giám đốc Làng Hòa Bình chia sẻ.

Nghĩa cử của ông thiếu tá về hưu

Quê gốc ở Phú Ninh, năm 1965 ông Hồ Đức Hòa (SN 1946) lên Tiên Phước nhận nhiệm vụ làm tổ trưởng quân báo - trinh sát. Thời gian này ông cùng đồng đội chuẩn bị chiến trường, nắm tình hình địch giúp bộ đội mở những trận đánh lớn. Năm 1969, trong lúc làm nhiệm vụ tại Tiên Cảnh, dẫm phải mìn zip, may mắn thoát chết nhưng ông bị thương phải cắt bỏ chân trái. Sau đó ông được đưa ra miền Bắc, đi học và làm việc tại X81 - Quân khu Thủ đô. Mắt ông đỏ hoe khi nhắc đến những đồng đội, đồng chí một thời vào sinh ra tử. Vì thế dù sinh sống, có gia đình con cái ngoài Hà Nội nhưng ông vẫn đau đáu nỗi niềm được về lại quê hương để gặp gỡ, thăm hỏi những đồng chí cùng chiến đấu năm xưa. Đến năm 1998, ông chuyển hẳn về Tam Kỳ sinh sống (trước đó vào năm 1985 ông được phong quân hàm Thiếu tá). Vì mắc phải bệnh viêm đốt cổ nên ông thường chạy đôn chạy đáo nhiều nơi để chữa trị. Một lần vào Đắc Lắc, bệnh ông được chữa khỏi bằng phương pháp dưỡng sinh tâm thể.

Lớp tập dưỡng sinh tâm thể ở chùa Tam Đàn, Phú Ninh.Ảnh: VĂN HÀO
Lớp tập dưỡng sinh tâm thể ở chùa Tam Đàn, Phú Ninh.Ảnh: VĂN HÀO

Thấy phương pháp chữa bệnh không cần dùng thuốc đem lại hiệu quả, năm 2006 ông Hòa kết hợp cùng Chủ tịch Hội Đông y TP.Tam Kỳ - Trần Văn Thu mời các hướng dẫn viên về khám, chữa bệnh miễn phí bằng phương pháp này tại Quảng Nam. Trước đó, nhiều lần ông trực tiếp gặp Nhạc sĩ, Đại tá Doãn Nho - Viện Nghiên cứu ứng dụng dưỡng sinh tâm thể Trung ương để trao đổi, xin ý kiến. Ông tâm sự: “Ban đầu mọi người đến khám còn có ý dè dặt, ngờ vực. Nhưng sau khi thấy hiệu quả của việc chữa bệnh bằng phương pháp dưỡng sinh tâm thể, họ tin tưởng giới thiệu cho nhiều người cùng tham gia mỗi lúc một đông”. Chính điều đó càng tạo cho ông động lực, niềm tin để giúp người bệnh và xã hội nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật.

Ông tâm niệm các yếu tố tâm thiện, ngôn thiện và hành thiện trong mỗi người là chuẩn mực của đạo đức. Ông đứng ra tổ chức khám và điều trị miễn phí ở nhiều nơi như Hội An, Thăng Bình, Điện Bàn, Tiên Phước… Mới đây, ông đến tận nhà hỏi han và mời hướng dẫn viên khám, điều trị bằng phương pháp dưỡng sinh tâm thể cho em Trịnh Văn Tài (16 tuổi) bị viêm đa khớp phải nằm một chỗ. Nhờ đó, nay Tài đã khỏi bệnh, đi lại bình thường. Tự nguyện, tự túc kinh phí… ông đến với những người hay đau ốm, bệnh tật bằng cả cái tâm của người lính Cụ Hồ. 

Hiện tại ông Hòa mở lớp tập dưỡng sinh tâm thể tại chùa Tam Đàn (Phú Ninh). Lớp tập bắt đầu từ 14 - 17 giờ hằng ngày, thu hút đông đảo bà con tham gia. Mỗi sáng, ông Hòa còn mời người tới Làng Hòa Bình (Tam Đàn, Phú Ninh) để trực tiếp tập cho em khuyết tật do nhiễm chất độc da cam. Ông Võ Văn Kiến - Giám đốc Làng Hòa Bình cho biết: “Sau khi triển khai phương pháp tập dưỡng sinh tâm thể tại trung tâm, các em đã có sự chuyển biến đáng kể về tâm lý, hành vi nói năng, ứng xử. Chúng tôi cần lắm những tấm lòng như ông Hòa để giúp các em sớm hòa nhập với cộng đồng”. Đã ngoài 60 tuổi nhưng người thương binh này vẫn miệt mài, lặn lội khắp các vùng miền xứ Quảng để tìm hiểu những mảnh đời bệnh tật, giúp họ chữa bệnh. Ông nói: “Chúng tôi mong muốn tỉnh tạo điều kiện để xây dựng Hội Dưỡng sinh tâm thể tại Quảng Nam nhằm giúp đỡ được nhiều người hơn...”.

DIỄM LỆ - VĂN HÀO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những người vì mọi người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO