Tôi chẳng bao giờ nghĩ, món sương sâm nước đường vốn dân dã bao năm trời lại trở nên đặc biệt đến thế trong mắt người xứ khác.
Đúng dịp nhóm bạn phương xa của chúng tôi ghé chơi nhà, cô Bảy bưng qua biếu một rổ lá sương sâm tươi rói, vẫn còn lớp lông tơ mịn màng trên mặt lá. Mẹ hồ hởi bắt tay làm món sương sâm để kịp trưa hôm sau đãi khách.
Mẹ tỉ mẩn ngồi vặt cuống lá, rửa từng chiếc lá rồi để ráo nước. Lá ráo nước thì dùng tay vò nát nhuyễn, châm thêm nước sôi để nguội. Mẹ vò thật mạnh tay để nước cốt lá trở nên đặc sánh.
Xong xuôi, mẹ cho từng chút vào tấm vải xô thưa, vắt kiệt để nước chảy xuống, trên khăn chỉ giữ lại xác lá. Phần nước sóng sánh để qua một đêm là tự đông lại như thạch. Khi ăn dễ dàng cắt ra thành từng miếng nhỏ. Thắng nước đường với gừng tươi rồi thả sương sâm vào, thêm vài viên đá là có món sương sâm.
Các bạn tôi tấm tắc mãi cái hương vị tinh tế, chua nhẹ của lá, hòa quyện cùng nước đường ngọt thanh. Thạch mềm mại, núng nính, cắn một miếng như mùa thu tan ra mát dịu.
Người bạn Hàn Quốc “ghiền” món ăn quá, cứ nhất quyết phải đặt cho sương sâm một cái tên tiếng Anh để ông dễ dàng giới thiệu với mọi người. Cuối cùng, ông gọi đó là “green heart” (trái tim xanh).
Vì lá sương sâm có hình trái tim, lại xanh đậm mướt mắt. Trái tim xanh gợi cảm giác mát mẻ, đầy năng lượng, cũng lành mạnh và tự nhiên như bản chất món thạch này vậy.
Tôi lớn lên cùng những cây sương sâm trong vườn. Chúng sống dạng dây, bám lên tán cây khác hoặc bò là đà trên mặt đất. Lá già có màu xanh thẫm, mặt lá phủ một lớp lông tơ đặc trưng.
Lá non màu xanh ngọc, lớp lông tơ lại càng dày hơn, chúng lấp lánh trong ánh nắng mặt trời. Đó là lý do, dù nhìn ở khoảng cách rất xa cũng có thể nhận ra có một cây sương sâm trong đám hoa cỏ dại.
Lá sương sâm dùng làm thạch phải là lá già hoặc bánh tẻ. Lá tươi làm thạch ngay sẽ có màu xanh đẹp mắt. Nếu cố tình phơi lá cho héo thì sương sâm sẽ ngả màu nâu, hương thơm dìu dịu như mùi của nắng.
Thuở trước, người ta tin rằng phải ai “mát tay” mới làm được món sương sâm này. Vì cùng công thức nhưng có người làm thạch đông cứng, để vào bát, úp ngược cũng không rơi xuống.
Có người làm thạch nhất quyết không chịu đông, chúng vữa ra, chẳng thành miếng. Mẹ bảo, thực ra không phải mát tay gì, làm sương sâm chủ yếu là tỉ mỉ và cẩn thận, tay phải thật sạch, khi vò phải mạnh tay, nước cốt cần vắt thật kỹ, không được để lẫn một chút xác lá nào.
Tôi không dám hứa một ngày nào đó, khi các bạn quay lại đây, mẹ con tôi lại có thể làm đãi họ món ăn này. Vì lá sương sâm bây giờ không còn dễ hái, chúng khó tìm và trở thành thức quà quý giá. Trước đây, xóm mọc đầy cây sương sâm, muốn ăn chỉ việc ra vườn mà hái. Nhưng càng về sau, giống cây này bị săn lùng.
Người ta vào vườn đào cả củ về trồng hoặc bán lại. Thời đó, vườn nhà nào nhà nấy mở toang, đâu ai rào lưới, xây tường như bây giờ. Nhiều cây mất đi vì người nông dân quá lạm dụng phân thuốc hóa học. Cây sương sâm ưa sạch, không chịu được mà dần chết đi.
Có lần, trông thấy một cây sương sâm trong vườn bị dân đào sương sâm bỏ sót, tôi vui mừng lấy cuốc đánh cả rễ cây lên, mang về trồng ở vườn rau với suy nghĩ mình phải “bảo tồn” nó. Nhưng dù chăm bón cẩn thận, lá cây vẫn cứ lụi đi. Có lẽ, sương sâm sinh ra vốn đã thuộc về những vùng đất hoang dại.
Một buổi sáng tinh mơ, tản bộ trên con đường quanh xóm, tôi trông thấy những trái tim xanh biếc long lanh nấp trong đám cây xuyến chi mọc dại. Đó là nhánh sương sâm mọc lên từ một thân cây cụt ngủn, rễ trồi lên mặt đất. Chắc hẳn cây từng bị ai đó đào lấy gốc, phần gốc sót lại đã mọc lên một cây mới.
Cây sương sâm này tất nhiên chẳng thuộc về ai, nhưng tôi đã từ bỏ ý định “bảo tồn” nó. Tôi ngắm một lúc “trái tim màu xanh” đang đọng sương sớm, đẹp mong manh, cố bỏ qua chuyện nó sẽ ra sao nếu bị phát hiện. Dù gì, tôi thấy mình nên bắt đầu học cách tôn trọng một cái cây.