Năm 2016 qua đi với biết bao quan ngại. Thảm họa môi trường biển miền Trung với ám ảnh mắt cá chết dọc những bãi bờ từng cát trắng nước xanh. Những cái chết thảm của trẻ em trong những vụ án mạng kinh hoàng do những “con quỷ sống” lẫn với người hành sự. Nạn “ngáo đá”, án mạng học đường. Bệnh nhân tâm thần và an sinh xã hội. Những viên chức nhà nước hành hung phụ nữ, người già. Căn bệnh vô cảm hay “bệnh không nhúc nhích”, thấy người hoạn nạn mà không cứu giúp trong đời sống xã hội. Đáng sợ hơn gấp nhiều lần là căn bệnh “vô cảm với trách nhiệm” của một số người quản lý và điều hành guồng máy xã hội. Căn bệnh này khiến nhiều công bộc của dân sống không “chính danh”, sống chỉ cho mình, sống cho lợi ích nhóm, dân tình “sống chết mặc bay”, khiến nạn tham nhũng, nạn mua quan bán chức còn lâu mới dứt...
Năm 2016 cũng là năm tổng kết 30 năm “đổi mới”. Câu hỏi cuộc sống rồi sẽ ra sao nếu không có công cuộc đổi mới khiến cho nhiều người nuôi hy vọng, kiên trì với hy vọng về một ngày mai sẽ tốt. Ba mươi năm đủ để một thế hệ “giật mình” vì “rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao” với bao đổi thay, đổi đời. Từ một xã hội bao cấp đói nghèo, lạc hậu; nhiều sự trái ngang phi lý như chuyện sống trên vựa lúa mà cam phận ăn bo bo, khoai sắn; sinh viên nghi kỵ nhau vì mất cái quần đùi, cái áo ngực, có đôi chia tay nhau vì lý lịch gia đình khó có việc làm; rồi chuyện nuôi được con heo, con gà phải bán “giá bèo” cho mậu dịch, sau đó buộc phải mua lại thịt chúng bằng chế độ tem phiếu; chuyện gạo thịt mắm muối... bị ngăn sông cấm chợ; nhiều bậc cha mẹ chung nhau một bộ áo quần vì nhường hết “tiêu chuẩn” cho con…
Bạn còn nhớ chăng hơn ba mươi năm trước - một bài thơ của một tác giả Đông Âu đã cho rằng thời đó là “thời vô tích sự” - kiểu nói “khó” của người Quảng là thời “không nhằm máu chi hết”. Bài thơ đó như sau: “Giữa thời vô tích sự này/yêu em là điều tôi không chịu nổi/tôi không thể vừa yêu vừa sợ hãi/khi tất cả đều không vững bền/khi tất cả chỉ là sự cam chịu lặng thinh/và ngoài sự chia ly ra/không điều gì có thực”. Đầu những năm 90, Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Rồi cuộc sống không “vô tích sự” nữa, chí ít là với số đông đôi lứa trên đời, khát khao xây đắp một vườn địa đàng trên trần thế vẫn dẫn đường thế giới kiếm tìm hạnh phúc với slogan “cho tình yêu thay chiến tranh”.
Năm 2017 cũng như nhiều năm phía trước, bạn và tôi - chúng ta chỉ có một cuộc đời này, nên bớt khắt khe bi phẫn với phần khiếm khuyết của dòng sống. Sự khắt khe nhìn nhận dễ dẫn đến lụi tắt niềm hy vọng, thứ hy vọng đã nuôi dưỡng từng trang viết như nuôi xanh từng lá cỏ, mỗi hạt mầm về chính cuộc sống tươi đẹp của chúng ta. Chuyện một em bé học tiểu học ở Hải Phòng - khi làm vỡ kính xe của người khác đã để lại lời xin lỗi kèm tên tuổi, địa chỉ nhà em để “đền bù” chiếc kính xe đã khiến lòng ta ấm áp về thứ quả ngọt của lòng tử tế. Chuyện con cháu hai bên đã tổ chức đám cưới “đúng nghĩa” cho hai người già “góa bụa” (ông Lý 73 tuổi xã Đồng Hóa, Kim Bảng và bà Xuân 70 tuổi xã Liêm Chính, TP. Phủ Lý, Hà Nam) vào ngày đầu năm dương lịch khiến ta thấy giới trẻ ngày càng đáng yêu vì những người trẻ dường đã sẵn một “thức nhận” về lòng nhân ái, sự khoan dung bởi phàm là người ai cũng mưu cầu hạnh phúc, bất luận trẻ, già. Người viết bài này khá thích thú với bài phát biểu mãn nhiệm của ông Obama - nhất là khi ông nói về hai cô con gái : “... các con đã là các cô gái xinh đẹp và không những thế, các con trở thành những cô gái nhân ái, chín chắn...”. Tin yêu, hy vọng về phía nhân ái, tử tế của cuộc đời này xiết bao!
PHÙNG TẤN ĐÔNG