Niềm tin neo lại

THÀNH CÔNG 03/07/2019 13:43

Nhiều hơn cả niềm hy vọng, bao ngư dân làng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn giong buồm, hướng về khơi xa. Những hải trình phía trước, họ mang theo một niềm tin được thổi bùng lên bằng tình cảm từ đất liền. Ngoài kia, còn có những người bạn đồng hành đặc biệt, là lực lượng Cảnh sát biển, người “hộ mạng” giữa sóng gió muôn trùng…

Nhiều phần quà hỗ trợ ngư dân, con em ngư dân được chuyển đến Lý Sơn từ sự kết nối của lực lượng Cảnh sát biển. Ảnh: T.C
Nhiều phần quà hỗ trợ ngư dân, con em ngư dân được chuyển đến Lý Sơn từ sự kết nối của lực lượng Cảnh sát biển. Ảnh: T.C

Gieo tình yêu biển đảo

Sân Trường THCS An Hải (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) ngày cuối năm học, những nụ cười ánh lên trên gương mặt của trẻ con xứ đảo, cái cười giòn như tiếng sóng vỗ ngoài kia. Hơn 50 học sinh, đại diện cho 536 học sinh của trường ngồi dưới bóng cây sân trường tham gia các phần thi trong chương trình “Em yêu biển đảo quê hương”. Lần thứ hai, cuộc thi quay trở lại với ngôi trường trên đảo, nhưng sức hấp dẫn thì hình như không thuyên giảm. Các em tập trung theo từng câu hỏi, bàn bạc chọn đáp án với đồng đội của mình, giữa tiếng hò reo không ngớt từ hàng trăm học sinh đang cổ vũ.

Từ những câu hỏi về Lý Sơn quê nhà, nơi có đội hùng binh Hoàng Sa, đến những kiến thức về biển đảo, về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, và không thể thiếu Trường Sa, Hoàng Sa, một phần máu thịt của Tổ quốc. Phạm Trần Bảo Nhi, học sinh lớp 6A là một trong những học sinh xuất sắc trả lời nhanh và chính xác các câu hỏi từ chương trình. Gặp lại sau cuộc thi, em nói rất vui vì đã được tham gia chơi và nhận phần thưởng. “Câu hỏi không có khó đâu. Em được đọc, được nghe ba mẹ kể, rồi coi trên mạng internet, nghe thầy cô nói nhiều về biển đảo, về Trường Sa, Hoàng Sa. Ngày còn nhỏ, em cũng hỏi ba mẹ về tàu Cảnh sát biển lâu lâu vẫn đậu ngoài cảng, ba mẹ cũng nói cho em nghe về con tàu, về những chú Cảnh sát biển hôm nay đến tận trường con. Em rất vui, và vẫn muốn sang năm được thi nữa” - Nhi bảo. Tôi tin vào giọng nói hồn nhiên của em, vào đôi mắt học trò đang sáng trong như màu nước biển Lý Sơn, một ngày hè nắng đẹp…

Tôi chú ý nhiều hơn đến những “học trò làng” tuổi còn nhỏ xíu, nhưng đã bắt đầu biết và nhắc về Hoàng Sa, Trường Sa. Con của biển, của đảo, các em tự biết trân quý từng con tàu nhỏ, từng chuyến biển của gia đình, biết ngóng vọng cha anh trở về từ thăm thẳm khơi xa. Tình yêu, được gieo mầm và lớn lên. Đó cũng chính là câu chuyện mà Thượng tá Hà Quốc Cường (Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) nói với tôi về phần thi “Em yêu biển đảo quê hương”, một chương trình chưa bao giờ thiếu vắng mỗi bận đồng hành với ngư dân của lực lượng Cảnh sát biển. Với người lính Cảnh sát biển, không chỉ là sự hiện diện như một niềm tin về pháp luật thực thi ngoài biển, về chủ quyền, các anh muốn truyền đi nhiều hơn thế.

Một quá trình thai nghén, tìm tòi và sáng tạo. “Từ suy nghĩ ban đầu là phải giáo dục cho con trẻ về tình yêu Tổ quốc, về chủ quyền thiêng liêng của đất nước, đến những kiến thức thiết thực hơn, sâu rộng hơn về biển đảo, về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, chúng tôi đã thử tổ chức, và sau đó mang chương trình “Em yêu biển đảo quê hương” đi được nhiều tỉnh thành trong số 28 tỉnh thành giáp biển trên cả nước. Những nơi chúng tôi đi qua, các em đã biết đến những kiến thức cơ bản nhất về biển đảo đất nước mình. Điều lớn lao, luôn bắt đầu từ những thứ tưởng chừng nhỏ nhặt, giản đơn như thế. Mà ở đây, là bắt đầu từ một niềm tin” - Thượng tá Hà Quốc Cường chia sẻ.

Tôi nhớ, lúc đứng ở sân trường An Hải, nghe mấy cu cậu khán giả phía dưới tinh quái nhắc bài cho bạn, mà vui. Vì, không chỉ là một cuộc thi, rất nhiều trong số các em đã biết đến nhiều kiến thức lý thú, bắt đầu từ những điều thân thuộc: Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam!

Những người đồng hành

Lần trở lại Lý Sơn lần này trong chương trình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân, tôi gặp lại khá nhiều gương mặt mới, những người bạn từ đất liền. Bùi Gia Khánh cùng những người bạn của anh trong Câu lạc bộ chạy bộ 5555*, bằng một mối duyên, đã kết nối được với chương trình để rồi từ Hà Nội vào Quảng Nam, kịp có mặt trên hành trình ra đảo. Khánh là chủ một doanh nghiệp nội thất ở Hà Nội. Bạn của Khánh, hầu hết cũng là những bạn trẻ thành công trong kinh doanh, cùng sở thích chạy bộ và cùng một tình yêu biển đảo. Lúc bắt đầu chương trình, nhóm đã tự gây quỹ bằng cách đặt ra thử thách cho từng thành viên: thức dậy lúc 5 giờ, chạy bộ 5km mỗi ngày, mỗi phút trễ sẽ “thưởng” 5 USD vào nguồn quỹ chung. Nguồn quỹ đó, cả nhóm dành mua xe đạp tặng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, tiếp bước các em đến trường. Đã đi nhiều đảo lớn nhỏ dọc miền Tổ quốc, nhưng Khánh kể, lần này, khi cả nhóm cùng chạy bộ ở Lý Sơn, trong anh thức dậy một xúc cảm khác, rất đặc biệt. “Lần đầu tiên chúng mình được cùng nhau sải bước trên đảo Lý Sơn, nơi có đội hùng binh Hoàng Sa ngày xưa. Biển đảo nơi này quá đẹp, và hơn thế nữa, điều đáng quý là chúng mình được gặp, được trò chuyện cùng nhiều ngư dân và cả lực lượng Cảnh sát biển, hiểu hơn về những gì diễn ra ngoài kia, để thêm trân quý chủ quyền Tổ quốc. Hành trình cũng là dịp để thành viên câu lạc bộ được đến với nơi này, được góp một chút gì đó cho bà con, bằng tấm lòng của mình hướng về biển đảo” - Khánh nói.

Hiện hữu để sẻ chia, họ tiếp sức cho ngư dân để những con tàu luôn sẵn sàng đạp sóng vươn khơi và bình an trở về. Và cũng chính họ là người gieo tình yêu, gieo lòng tin sắt đá về chủ quyền đến từng trẻ em - người mai này sẽ kế nghiệp cha ông gìn giữ từng tấc biển của đất Việt.

Rất nhiều những “mối duyên” như thế đã được Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 kết nối, như một sự sẻ chia với biển đảo, từ đất liền. Đại tá Ngô Huy Sinh - Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển Vùng 2 nói, sẽ là thiết sót nếu không nhắc đến các nhà hảo tâm, nhiều đơn vị và cá nhân luôn sẵn sàng với chương trình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân. “Bà con ngư dân dù còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng không bao giờ đơn độc. Ngoài biển, khi bà con đi đánh bắt có chúng tôi - lực lượng Cảnh sát biển, có Kiểm ngư, Hải quân luôn sát cánh trên vùng biển chủ quyền. Nơi quê nhà, nhiều cá nhân, nhiều đơn vị vẫn luôn sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ gia đình ngư dân, tiếp thêm niềm tin cho bà con vươn khơi bám biển” - Đại tá Ngô Huy Sinh thổ lộ.

Không ai lường trước được điều gì chờ đợi ở hải trình phía trước, nhưng giữa biển, họ tìm thấy cho mình một chỗ dựa vững chãi, là tàu Cảnh sát biển. Ngư dân Nguyễn Lợi, người cùng 14 thủy thủ đoàn trở về từ “cửa tử” nơi biển Cù Lao Xanh (Bình Định) vài năm trước nói, họ được Cảnh sát biển sinh ra lần thứ 2, từ chuyến đi định mệnh ấy. “Không có Cảnh sát biển kịp ứng cứu khi tàu hỏng máy và đã chìm, giữa biển cả mênh mông, chúng tôi không dám nghĩ mình còn sống. Những lần gặp lại, khi thì thuốc men, phao cứu sinh cho ngư dân đi biển, khi thì tặng quà cho gia đình, vợ con ở nhà, các anh thân thuộc như người nhà. Ngư dân giờ yên tâm hơn khi đánh bắt ở những ngư trường quen thuộc Trường Sa, Hoàng Sa, vì chúng tôi biết, ngoài kia luôn có tàu Cảnh sát biển” - ông Lợi nói.

Hiện hữu để sẻ chia, họ tiếp sức cho ngư dân để những con tàu luôn sẵn sàng đạp sóng vươn khơi và bình an trở về. Và cũng chính họ là người gieo tình yêu, gieo lòng tin sắt đá về chủ quyền cho từng đứa trẻ - người mai này sẽ kế nghiệp cha ông tiếp tục gìn giữ từng tấc biển của đất Việt. Như một ngọn hải đăng ngay trên đầu sóng, sự hiện diện của lưc lượng Vùng Cảnh sát biển 2 vẫn luôn là điểm tựa cho ngư dân, cho niềm tin về chủ quyền Tổ quốc.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Niềm tin neo lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO