Niềm vui an cư

VĂN SỰ - PHI THÀNH 24/02/2015 12:45

Nhiều hộ dân từng sinh sống trong vùng sạt lở nghiêm trọng tại thôn Tĩnh Yên (xã Duy Thu, Duy Xuyên) chính thức bước sang trang mới, kể từ Tết Ất Mùi. Bởi, cách đây không lâu họ đã được bố trí đất để xây dựng nhà ở kịp đón mùa xuân mới.

Lo cho dân an cư

Nắng xuân ấm áp, băng qua những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, chúng tôi về lại khu tái định cư Tĩnh Yên. Cách đây 4 tháng, nơi này là bãi đất trống. Còn bây giờ, những ngôi nhà mới mọc lên san sát vẫn còn thơm mùi vôi vữa. Trưa mùng 2 Tết Ất Mùi, ghé thăm gia đình ông Nguyễn Sự - nhân vật trong bài viết “Khu tái định cư Tĩnh Yên: Khi nào giao đất ở cho dân?” đăng trên Báo Quảng Nam ngày 20.8.2014, đúng lúc vợ chồng ông đang cùng những người bạn nâng chén rượu mừng xuân. Ông Sự chia sẻ: “Sau khi báo phản ánh tình trạng sạt lở ven sông Thu Bồn và sự chậm trễ của chính quyền địa phương trong việc giao đất để người dân xây dựng nhà ở tại khu tái định cư mới, khoảng 2 tuần sau UBND xã Duy Thu tiến hành đo đạc, bố trí cho tôi một lô đất rộng 192m2. Ngoài số tiền 20 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ, vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên, cộng với sự giúp sức của bà con tộc họ và hàng xóm, tôi xây được căn nhà cấp 4. Xuân mới, có nhà mới, còn gì mừng hơn!”.

Một góc khu tái định cư Tĩnh Yên trong mùa xuân mới. Ảnh: T.S
Một góc khu tái định cư Tĩnh Yên trong mùa xuân mới. Ảnh: T.S

Đã 63 mùa xuân trôi qua, nhưng năm này là lần đầu tiên bà Mai Thị Chín được đón cái tết trên mặt đất. Bởi, bà là một trong số nhiều người sống trên ghe thuyền cùng gia đình kể từ khi sinh ra. Đối với bà, bao nhiêu trận lụt và bão tố là bấy nhiêu lần bà như chết đi sống lại. “Đêm nằm trên chiếc thuyền nan bồng bềnh, tôi cứ mơ ước có một ngôi nhà nhỏ để trú mưa, trú bão. Bây giờ, cái ước mơ cháy bỏng ấy đã trở thành hiện thực. Từ nay, tôi được nằm ngủ yên cái lưng, lại còn được xem ti vi, nghe nhạc. Nói thật, khi được lên sống trên bờ, tôi thấy mình giống như được sinh ra lần thứ hai trên đời” - bà Chín tâm sự.

Không riêng gì ông Sự, bà Chín mà 17 hộ dân khác cũng chung niềm vui an cư trong mùa xuân mới. Ông Phan Đình Sơn - Chủ tịch UBND xã Duy Thu nói: “Trong quá trình xây dựng nhà ở, chính quyền địa phương tích cực vận động một số doanh nghiệp hỗ trợ vật liệu xây dựng cho người dân nên họ đỡ một phần chi phí. Bây giờ, khu tái định cư Tĩnh Yên rất khang trang, hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, nước sinh hoạt được đầu tư thi công bài bản, kéo đến tận nhà dân. Mùa xuân này, người dân hết sức phấn khởi vì điều kiện sinh sống tốt hơn trước rất nhiều”. Được biết, hiện nay xã Duy Thu đã hoàn thành việc lập danh sách 20 hộ dân cần sớm được di dời trước mùa mưa bão năm 2015 gửi về cấp trên và đang mong chờ nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định của Nhà nước để tiến hành một cuộc di dân nữa.

Tìm sinh kế

Cũng giống như bao người dân khác khi đến nơi ở mới, câu chuyện lập nghiệp của nhiều gia đình ở khu tái định cư Tĩnh Yên được đem ra bàn bạc suốt thời gian qua. Nhâm nhi chén trà nóng, ông Nguyễn Sự bộc bạch: “Làm nhà xong, tiền bạc chẳng còn bao nhiêu, lo việc học hành của 3 đứa con đã thấy hết sức khó khăn. Về tương lai, tôi cũng mơ ước nhiều nhưng điều kiện không có. Bây giờ, bản thân chỉ mong muốn được Nhà nước cho vay ưu đãi khoảng 20 - 30 triệu đồng để phát triển chăn nuôi, từng bước cải thiện cuộc sống”. Nghe bàn tính về chuyện sinh kế cho tương lai, ông Nguyễn Văn Thanh ở cạnh nhà ông Sự mong mỏi: “Chính quyền nên xem xét bố trí cho gia đình tôi và 18 hộ dân khác nằm trong diện vừa di dời một ít đất đai để trồng lúa, trồng hoa màu nhằm đảm bảo vấn đề lương thực, chứ hồi trước đến giờ hầu hết chúng tôi không có đất canh tác. Cạnh đó, địa phương cũng nên hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ hoặc giới thiệu cho người dân nơi đây vào làm việc tại các nhà máy đóng chân trên địa bàn”.

Theo lãnh đạo xã Duy Thu, với mong muốn giúp bà con có việc làm ổn định, gắn bó lâu dài với nơi ở mới, trước mắt chính quyền địa phương sẽ mở một ngôi chợ chiều, ưu tiên sắp xếp, bố trí cho những hộ ở khu tái định cư mới vào kinh doanh buôn bán. Bởi xưa nay, người dân trong vùng muốn phải đi đò sang tận Đại Lộc để đi chợ mua sắm. Đồng thời mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trồng tiêu trên chân đất gò đồi, trồng nấm rơm và phối hợp với các ngành liên quan của huyện Duy Xuyên tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được vay các kênh vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. “Thời gian tới, khi tuyến đường giao thông từ Cần Trục của xã Duy Thu nối với Phường Rạnh thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn hoàn thành không chỉ tạo thuận lợi cho việc giao thương giữa hai địa phương mà còn mở ra nhiều triển vọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng tây của huyện Duy Xuyên và Đại Lộc. Dự kiến, trong tương lai không xa, làng Tĩnh Yên nằm trong vùng trọng điểm phát triển dịch vụ du lịch, kết nối Mỹ Sơn - Thu Bồn - Phường Rạnh - suối nước nóng - Hòn Kẽm Đá Dừng. Lúc đó, người dân ở khu tái định cư này sẽ có thêm cơ hội làm ăn sinh sống, thoát nghèo bền vững ” - ông Sơn cho biết thêm.

Chia tay Tĩnh Yên, trong mỗi ngôi nhà vẫn ngập tràn tiếng nói cười, bầy trẻ thơ trong bộ quần áo mới tung tăng vui đùa trước sân. Hy vọng, người dân nơi đây sẽ có thêm nhiều niềm tin, khát khao vươn lên trong cuộc sống, thật sự làm hồi sinh vùng đất nơi đầu nguồn sông Thu.

VĂN SỰ - PHI THÀNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Niềm vui an cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO