Những ngày này, người dân thôn Trà Văn A (xã Phước Kim, huyện Phước Sơn) đang hối hả về nhà mới. Những nền nhà cũ, bãi đất đá vùi lấp bên dòng Nước Xe đã được xã Phước Kim khắc phục, trở thành bãi bằng đẹp, dòng nước đục ngầu hung dữ ngày nào giờ đã êm và trong xanh hơn rất nhiều.
Men theo cây cầu dây dẫn vào làng Trà Văn A, chúng tôi đến với 17 căn nhà kiên cố đang được hoàn thiện. Tiếng cười nói rộn rã của bà con Giẻ Triêng hòa lẫn tiếng động cơ đang khắc phục công trình giao thông… khiến không khí nơi đây trở nên rộn ràng. Trong những căn nhà tạm chỉ còn người già và những đứa trẻ chưa đủ tuổi đến trường. Còn phần lớn bà con làng Trà Văn A đã yên tâm đi nương rẫy.
Có hẹn trước, nên ông Hồ Văn Thư - Bí thư Chi bộ thôn Trà Văn A chờ đón chúng tôi từ đầu làng. Ông Thư cho biết, cơn bão số 9 đi qua đã cuốn 26 ngôi nhà trôi sạch, cũng may không có thiệt hại về người. Ngày đó, người dân chỉ kịp kéo nhau chạy lên núi, còn bất lực nhìn toàn bộ tài sản, nhà cửa trôi theo dòng nước lũ… Rất may, sau bão, làng được nhà nước và doanh nghiệp kịp thời hỗ trợ làm nhà ở kiên cố.
“Gần 2 tháng nay, bà con trong làng đã tự đi nương rẫy, chuẩn bị cho vụ mùa mới. Giờ có nhà mới ai nấy cũng vui mừng, yên tâm lao động sản xuất. Đặc biệt, tết này có nhà kiên cố, ổn định, có cái ăn, ra tết sẽ vào vụ thu hoạch nên không lo đói cái bụng, ai nấy cũng mừng. Hy vọng làng Trà Văn A sẽ được hồi sinh” - ông Thư tin tưởng nói.
Để có được niềm vui đó, hơn hai tháng qua, ông Lý Minh Tám, một doanh nghiệp tại huyện Phước Sơn đã hỗ trợ làng Trà Văn A hơn 1 tỷ đồng để làm nhà ở và hạ tầng giao thông. Ngoài ra, nhiều trang thiết bị, nhu yếu phẩm khác của người dân làng Trà Văn A được ông Tám tài trợ ngay sau khi bị sự cố lũ quét.
Ông Tám chia sẻ: “Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, chúng tôi đã sử dụng sân vận động của thôn Trà Văn A để dựng 16 căn nhà cho bà con, 1 căn nhà khác trên mặt bằng cách đó không xa. Vì đường sá chưa đi lại được nên không thể làm nhà bê tông, tôi đã đề xuất làm nhà ở bằng khung sắt với các trụ sắt to được chôn sâu dưới đất có lớp bê tông bảo vệ, mái, vách tôn, trang bị hệ thống chống sét, hệ thống thông gió, có điện, nước, khu vệ sinh, nhà sinh hoạt cộng đồng đầy đủ... Đặc biệt, bếp và các vách ngăn bếp được làm bằng bê tông, nền nhà bê tông kiên cố. Vách tôn, mái tôn có thể tháo lắp để ứng phó khi mưa bão. Dự kiến ngày 15.1 tới chúng tôi sẽ bàn giao nhà cho người dân dọn về ở”.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy đã đi kiểm tra công trình cũng như thăm hỏi động viên bà con đang sống tạm. Ông Hà cho biết, mô hình nhà ở này đã được sự đồng thuận của bà con và cũng rất phù hợp với tình hình hiện nay của địa phương, không tác động vào rừng. “Chúng tôi sẽ kiểm tra, lấy ý kiến bà con, trên cơ sở này tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị thiết kế làm hồ sơ để tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình. Qua đó giúp bà con miền núi, đặc biệt vùng sạt lở sớm có nhà ở, ổn định cuộc sống” - ông Hà nói.
Trên mặt bằng rộng hơn 1.500m2, 16 căn nhà liền kề nhau, mỗi căn rộng chừng 50m2, là nơi ở mới của người làng Trà Văn A… Một ngôi làng mới đã bắt đầu hồi sinh sau thiên tai, lũ dữ.