Trước các mối đe dọa làm giảm suy thoái rừng, dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ viện trợ không hoàn lại thông qua nguồn vốn đầu tư, cách tiếp cận phương pháp quản lý đã giúp cho nhiều địa phương bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) rừng.
Giám sát bảo tồn rừng
Dãy rừng Trường Sơn qua địa phận tỉnh đang đối mặt với nhiều mối đe dọa bởi tình trạng phá rừng và suy thoái rừng thông qua các hành vi như săn bắn động vật hoang dã, khai thác gỗ trái phép, xâm lấn rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép... Mặt khác, nhiều cánh rừng bị đe dọa do khả năng chống chịu yếu ớt với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Cuối năm 2017, dự án Trường Sơn Xanh Quảng Nam bắt đầu triển khai trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn tài trợ của dự án, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thành lập 22 nhóm bảo tồn cộng đồng và 26 câu lạc bộ kiểm lâm viên tại các trường học thuộc vùng đệm 4 khu bảo tồn thiên nhiên (gồm Sông Thanh, Sao La, Ngọc Linh và Cù Lao Chàm). Các khu bảo tồn tổ chức điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH và quy hoạch vùng bảo tồn, giám sát loài chủ chốt và hỗ trợ giám sát thực hiện giám sát ĐDSH thông qua bẫy ảnh và các thiết lập điểm nghe vượn và trĩ. Tại huyện Tây Giang, 9 nhóm cộng đồng sống dọc hành lang ĐDSH được tập huấn, tiếp cận phương pháp giữ rừng mới; đồng thời hỗ trợ các cộng đồng xây dựng kế hoạch kinh doanh lâm sản ngoài gỗ và tiếp tục hỗ trợ trồng hơn 30ha cây dược liệu dưới tán rừng bao gồm mây, ba kích và đẳng sâm cho cộng đồng sống tại vùng đệm các khu bảo tồn.
Năm 2019, dự kiến dự án Trương Sơn Xanh tài trợ cho Quảng Nam gần 100 tỷ đồng với các hợp phần chính như hỗ trợ truyền thông, lồng ghép giới, bảo tồn đa dạng sinh học. Dự án giúp các địa phương trong tỉnh giảm phát thải tương đương 3,6 triệu tấn các bon, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và cải thiện sinh kế cho ít nhất 12.000 người dân.
Giai đoạn 2018, các hợp phần hỗ trợ của dự án chủ yếu tập trung nghiên cứu tính khả thi và đánh giá khả năng mở rộng chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đối với sử dụng nước cho sản xuất công nghiệp. Theo Quỹ bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam, hiện đã tiến hành chi trả DVMTR ở dịch vụ nước thải công nghiệp đối với 6 công ty sử dụng nước mặt trên địa bàn tỉnh, với tổng mức thu ước tính hằng năm là 2 tỷ đồng đóng góp vào quỹ. Nguồn thu có thể dùng để chi trả cho khoảng 1.400 người dân tham gia bảo vệ rừng và cải thiện sinh kế bền vững cho người dân. Ngoài ra, dự án Trường Sơn Xanh phối hợp với Quỹ bảo vệ - phát triển rừng và Sở NN&PTNT để triển khai thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các bon.
Hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn
Dự án Trường Sơn Xanh cũng xây dựng kế hoạch và hỗ trợ nhiều địa phương trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng bền vững đạt chuẩn quốc tế (FSC). Nhiều nơi được hỗ trợ chuỗi giá trị rừng gỗ lớn, từ đầu tư vườn ươm nuôi cấy mô đến sản phẩm hoàn thiện cuối cùng phân phối đến tay người tiêu dùng. Hai năm qua, Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam, Hợp tác xã Lâm nghiệp Hiệp Thuận, Tổ chức Agriterra và Công ty CP Gỗ Công nghiệp Quảng Nam đã triển khai trồng rừng gỗ lớn. Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam cho biết, theo kế hoạch, công ty sẽ liên kết đầu tư xây dựng trung tâm nuôi cấy mô với năng suất dự kiến 10 triệu cây mầm/năm tại huyện Đại Lộc và xây dựng các vườn ươm cây giống với quy mô lớn trên địa bàn các huyện Phước Sơn, Tiên Phước và Thăng Bình nhằm chủ động trong việc sản xuất giống chất lượng phục vụ cho việc trồng rừng của công ty cũng như cung cấp giống chất lượng cho người dân trong vùng. Công ty thuê đất của Nhà nước để đầu tư trồng 2.500ha rừng gỗ lớn.
Theo dự án Trường Sơn Xanh, đến năm 2020, tổng diện tích rừng gỗ lớn hướng đến quản lý bền vững theo tiêu chuẩn FSC sẽ đạt 4.560ha, trong đó rừng trồng mới là 2.760ha và rừng chuyển đổi sang rừng gỗ lớn là 1.800ha. Đến nay, có 376ha rừng đã được trồng mới và tỉa thưa. Vì vậy, để mở rộng diện tích theo kế hoạch, doanh nghiệp cần liên kết với người dân để trồng rừng và chuyển hóa rừng. Theo ông Đỗ Đăng Tèo - Phó Giám đốc dự án Trường Sơn Xanh, thời gian qua, dự án Trường Sơn Xanh đã giúp các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nông Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My và Núi Thành tiếp cận được phương án quản lý rừng hiện đại để bảo tồn đa dạng hệ sinh thái rừng; qua đó người dân được hưởng lợi sinh kế, góp phần nâng cao chất lượng đời sống.