Nỗ lực cải cách hành chính

TRỊNH DŨNG 07/03/2018 13:55

Trung tâm hành chính công đã trở thành mô hình ưu việt, giúp các tỉnh, thành trên cả nước nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tin liên quan

  • CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH VÀ NÂNG CAO CHỈ SỐ PCI
Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư được xem như mô hình ưu việt để các địa phương xúc tiến thành lập, hiện thực hóa công cuộc cải cách hành chính. Ảnh: T.D
Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư được xem như mô hình ưu việt để các địa phương xúc tiến thành lập, hiện thực hóa công cuộc cải cách hành chính. Ảnh: T.D

Mô hình “ưu việt”

Kể từ ngày vận hành (9.1.2017), Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam đã trở thành trung tâm đầu mối giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC). Mô hình thống nhất một cửa, một đầu mối, cắt giảm 30% thời gian, TTHC trên nguyên tắc “công khai - minh bạch - chất lượng - đúng hẹn”, “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại chỗ” đã tạo sự hài lòng cho nhiều người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch.

Công bố trước Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ngày 8.2.2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói Quảng Nam đã thực hiện rà soát và công bố TTHC của 3 cấp chính quyền, chuẩn hóa và đưa vào thực hiện (các sở, ngành 1.341 TTHC, cấp huyện 261 và cấp xã 84 TTHC). Hiện có 1.219/1.294 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành được chuyển sang giải quyết trực tiếp tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư, chiếm tỷ lệ 94%/tổng số TTHC. Năm 2017, 100% các sở, ngành thuộc tỉnh đã cắt giảm trung bình 30% thời gian giải quyết TTHC. Một số lĩnh vực có thời gian đăng ký cắt giảm cao như xây dựng (45,5%), tư pháp (34%), văn hóa thể thao và du lịch (33,7%), công thương (33,7%). Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trên mạng trong nội bộ các cơ quan nhà nước ở cấp tỉnh, cấp huyện gần 95%. Năm 2017, Quảng Nam đã triển khai việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với 358 TTHC, mức độ 4 với 24 TTHC từ tỉnh đến xã, đạt khoảng 23% TTHC. Điển hình là Cục Hải quan vận hành chính thức hệ thống dịch vụ công trực tuyến hải quan, Cục Thuế tăng tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 100%, Bảo hiểm Xã hội triển khai giao dịch đóng bảo hiểm xã hội, y tế qua mạng đạt hơn 92%...

Có thể khẳng định trung tâm hành chính công đã và đang trên con đường vận hành thông suốt, thực hiện công cuộc cải thiện môi trường đầu tư bằng việc cải cách TTHC. Kể từ khi Quảng Ninh đưa trung tâm hành chính công vào hoạt động (năm 2013), đến nay cả nước có 16 tỉnh, thành mở trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó ban Chỉ đạo cải cách hành chính Nguyễn Trọng Thừa cho rằng vẫn còn một số vấn đề cần hoàn thiện, nhưng mô hình trung tâm hành chính được xem là bước đột phá về cải cách TTHC và hiện đại hóa nền hành chính. Những mô hình này đang trên con đường trở thành mô hình kiểu mẫu, ưu việt giúp các nhà đầu tư, người dân dễ dàng thực hiện các TTHC. Nhiều tỉnh, thành khác cũng đang tiếp cận, học tập để có thể thành lập mô hình.

Vì một nền hành chính phục vụ

Trên bình diện quốc gia, theo Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm đáng kể so với trước đây là thành công đáng kể trong công tác cải cách hành chính. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính Trương Hòa Bình cho rằng cải cách hành chính của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã góp phần quan trọng trong việc tạo lập môi trường pháp lý, hành chính thông thoáng, thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho các chủ thể của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật trên một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế. TTHC trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, cần phải tiếp tục rà soát, đơn giản hóa. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC vẫn còn phổ biến. “Chính sức ỳ của bộ máy hành chính các cấp trong việc thay đổi thói quen, cách làm cũ còn lớn, còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” và một bộ phận công chức không hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế về năng lực, yếu kém về đạo đức đã trở thành lực cản đối với công cuộc cải cách” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay quan điểm nhất quán của Quảng Nam là thực sự đổi mới tư duy từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện kiểm soát TTHC, đưa việc kiểm soát TTHC thường xuyên, nền nếp. Nâng cao chất lượng hệ thống các quy định, tăng cường trách nhiệm các cấp, ngành, nghiêm túc triển khai hiệu quả các phương án đơn giản hóa các TTHC đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua.

Nỗ lực kiện toàn, cải cách TTHC của Quảng Nam đang được vận hành khá tốt. Quảng Nam phấn đấu thực hiện phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC, phấn đấu đến ngày 30.6.2018 có tối thiểu 50% tổng số TTHC và đến 31.12.2018 có tối thiểu 70% TTHC thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành được tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại chỗ, trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Tuy nhiên, lực cản nhiều phía lại đến từ các bộ, ngành. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói cải cách hành chính vẫn còn khó khăn, phức tạp. Một số bộ, ngành không kịp thời công bố hay công bố chưa đầy đủ các TTHC dẫn đến khó thực hiện trong thực tế. Quảng Nam đã kiến nghị tiếp tục thực hiện rà soát toàn bộ các quy định TTHC đã ban hành, công bố công khai những thủ tục rườm rà, bị loại bỏ và hệ thống hóa những quy định về thủ tục còn giá trị thi hành, tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC theo hướng tạo thuận lợi cho địa phương dễ tiến hành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 và thủ tục liên thông điện tử cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện cho các địa phương thực thi nhiệm vụ.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO