Vụ mùa năm nay, cánh đồng xã Phước Năng (Phước Sơn) không còn cảnh thiếu nước tưới, đồng bào Mơ Nông phấn khởi khi thấy đồng lúa xanh tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu.
Đưa chúng tôi xem công trình dẫn nước tưới phục vụ cho cánh đồng rộng 90ha tại xã Phước Năng, ông Phạm Hữu Pháp – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Năng cho biết, hiện toàn xã đã xây dựng được khoảng 3km hệ thống kênh mương chính và hàng chục ki lô mét đường ống, cống hộp dẫn nước. Đặc biệt là hoàn thành sớm đường dẫn nước xuyên suốt trải dài từ hồ Nước Zút đến cuối đồng ruộng. Trong năm 2013 hơn 1,3 tỷ đồng được đầu tư để thi công công trình. Tiếp trong 3 tháng đầu năm 2014, địa phương tranh thủ nguồn vốn từ nông thôn mới tiếp tục xây dựng khoảng 250m cống bê tông dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho cây lúa. “Sau khi hồ Nước Zút được xây dựng năm 2010 để cung cấp nước tưới cho xã Phước Năng, địa phương đã vận động người dân tự nguyện hiến đất để xây dựng kênh mương. Thấy được hiệu quả lâu dài nên đồng bào hết sức ủng hộ, đến nay cơ bản hệ thống kênh mương đã đưa nước đến từng chân ruộng” - ông Pháp nói.
Phước Năng tích cực xây dựng kênh mương giúp nông dân chủ động nước tưới. Ảnh: P.D.T |
Năm 2012 cùng với xã Phước Chánh, Phước Năng trở thành xã điểm của huyện Phước Sơn thực hiện triển khai chương trình nông thôn mới. Do đó nông nghiệp nông thôn có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, nhất là trong sản xuất lúa nước. Để có đồng lúa rộng hơn 90ha như hiện nay, trung bình mỗi năm chính quyền và nhân dân cùng tham gia khai hoang và phục hóa thêm khoảng 3ha đất trồng lúa. Nhờ lượng nước tưới dồi dào nên diện tích gieo trồng không những đạt mà vượt kế hoạch hằng năm, trong đó diện tích gieo sạ năm 2013 tăng 12ha so với cùng kỳ năm trước. Thấy đồng lúa xanh tốt, chị Hồ Thị Hời (thôn 2, xã Phước Năng) phấn khởi: “Bà con trước kia chỉ làm lúa rẫy, được cán bộ hướng dẫn trồng lúa nước nhưng trời nắng khiến cây lúa không lớn nổi. Từ khi có công trình nước tưới, 4 đám ruộng nhà tôi luôn xanh tốt và được mùa gấp 4 lần lúa rẫy nên cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn”.
Sau khi ổn định về nguồn nước tưới cho người dân, chính quyền địa phương tập trung hướng dẫn nông dân cách làm phân bón vi sinh từ chế phẩm Bima, hỗ trợ giống lúa, thực hiện thâm canh lúa nước đúng quy trình cho bà con nên năng suất lúa trung bình luôn đạt từ 40 tạ/ha. “Được Đảng, Nhà nước hỗ trợ cho công trình nước tưới, giống lúa mới nên đời sống bà con không còn cảnh thiếu đói. Có cây lúa nước người dân dần bỏ bớt lúa rẫy để trồng thay thế cây nguyên liệu tạo ra nhiều thu nhập hơn trước” - ông Hồ Văn Thìn (thôn 1, xã Phước Năng) cho biết.
Để tạo điều kiện cho bà con, những con đường nội đồng dẫn vào khu sản xuất lúa được bê tông hóa giúp người dân đưa phân bón đến ruộng một cách dễ dàng, việc vận chuyển khi thu hoạch cũng đỡ vất vả hơn. Ông Phạm Văn Phước – Chủ tịch UBND xã Phước Năng cho biết thêm, hằng năm xã đều cử cán bộ tham gia đào tạo lớp nông học cho bà con. Trong năm 2013, có 15 người được cử đi học ở huyện để nâng cao kiến thức. Từ đó góp phần tích cực chuyển biến ý thức, cũng như phương pháp sản xuất nông nghiệp. “Chủ trương của xã là phát triển cây lúa nước không chỉ đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ mà tạo ra thu nhập hiệu quả cho bà con, giúp họ giảm nghèo” - ông Phước nói.
Ông Nguyễn Phiếm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn cho biết, vụ đông xuân năm nay toàn huyện gieo sạ khoảng 484ha, trong đó đồng lúa Phước Năng có diện tích lớn nhất. Với hàng trăm ki lô mét hệ thống dẫn nước tưới phân bố ở các xã nên tình trạng thiếu nước tưới không xảy ra. Năm 2013 địa phương đầu tư trên 3 tỷ đồng để xây dựng đập thủy lợi ở xã Phước Công, Phước Hòa. Bên cạnh đó, nhiều đập thủy lợi do nhân dân tự làm giúp cây lúa nước ở Phước Sơn ngày càng phát triển. Ông Phiếm nhận định: “Đầu tư hệ thống nước tưới là việc thiết thực để nâng hiệu quả cho người dân trồng lúa. Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn còn thiếu kỹ thuật về cách trồng lúa nước, do vậy địa phương sẽ thường xuyên họp rút kinh nghiệm, cử cán bộ cùng nông dân theo dõi để phòng chống sâu bệnh”.
PHẠM DUY THÁI