Đa số địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho học sinh đến trường trực tiếp. Việc kiểm soát dịch bệnh sẽ phải tăng cường hơn nữa trong bối cảnh số ca mắc cộng đồng vẫn còn cao...
Tại TP.Tam Kỳ, ngoài các trường có F0 phải nghỉ hoặc tổ chức học trực tuyến, các cấp học của địa phương này vẫn đến trường học trực tiếp 1 buổi/ngày. Trong khoảng thời gian này, TP.Tam Kỳ vẫn luân phiên tổ chức xét nghiệm diện rộng cho học sinh và giáo viên của tất cả trường học. Theo Ban chỉ đạo Phòng chống dịch TP.Tam Kỳ, tính đến ngày 6.12, TP.Tam Kỳ đã lấy gần 40 nghìn mẫu xét nghiệm cho học sinh và giáo viên.
“Từ ngày 26.11, TP.Tam Kỳ đã chỉ đạo lấy mẫu Sars-CoV-2 và xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên đối với các trường học đóng trên địa bàn thành phố, từ mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, đại học, cao đẳng. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức tiêm vắc xin mũi 2 cho tất cả giáo viên” - ông Nguyễn Hồng Lai, Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết.
Trước đó, với diễn biến dịch bệnh khá phức tạp, TP.Tam Kỳ cho học sinh học trực tuyến trong 2 ngày 26 - 27.11 nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và phục vụ việc điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng... Sau đó, trước khi học sinh, sinh viên quay trở lại trường học, địa phương yêu cầu các trường bố trí đủ và đảm bảo nơi rửa tay với nước sạch và xà phòng, dung dịch sát khuẩn tay, nhà vệ sinh sạch sẽ, trang thiết bị phục vụ vệ sinh trường học.
Ông Nguyễn Văn Lộc - Trưởng phòng Giáo dục TP.Tam Kỳ cho biết, ngành yêu cầu các trường tập huấn cho cán bộ, giáo viên về công tác phòng chống dịch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, cách phát hiện các trường hợp nghi mắc Covid-19.
Ngoài ra, TP.Tam Kỳ yêu cầu học sinh, giáo viên, nhân viên tự theo dõi sức khỏe tại nhà và đeo khẩu trang trên đường đến trường, thực hiện vệ sinh, khử trùng trường học và phương tiện đưa đón theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.
Bộ phận thường trực về công tác y tế trường học được kiện toàn, mỗi trường học bố trí phòng cách ly tạm thời. Khi học sinh đi học trở lại, các trường học có trách nhiệm bố trí người đón và giao học sinh tại cổng trường, cha mẹ học sinh không được vào trong trường.
Khi có học sinh, cán bộ nhân viên ho, sốt, khó thở, nhà trường sẽ đưa ngay đến phòng y tế để kiểm tra, theo dõi, cách ly, phối hợp với cha mẹ học sinh khai thác tiền sử tiếp xúc của học sinh, tham vấn ý kiến của y tế địa phương.
Mở cửa trường học theo các cấp độ kiểm soát dịch bệnh là yêu cầu được đặt ra để giữ an toàn ở học đường. Tại Nghị quyết 128 của Chính phủ đã nêu rõ, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế ban hành hướng dẫn để học sinh, sinh viên đến trường.
Việc triển khai hướng dẫn này phụ thuộc vào tình hình dịch theo các cấp độ tại mỗi địa phương và chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện. Các địa phương phải tạo điều kiện tối đa cho học sinh, sinh viên đến trường an toàn.
“Sổ tay về phòng chống Covid-19 trong trường học” đã được ban hành trong hệ thống các trường học trên toàn quốc. Nhiều địa phương đã tổ chức tập huấn các kỹ năng về dự phòng, quản lý, chăm sóc và phòng chống Covid-19 để “mỗi giáo viên trở thành một cán bộ y tế tại trường học”.
Ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, nhiều địa phương đã chuyển sang dạy trực tuyến toàn trường hoặc một số lớp để đảm bảo học sinh không phải dừng việc học.
Sở cũng yêu cầu các trường học tổ chức thực hiện mục tiêu kép, duy trì việc dạy học song song với việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong trường học theo Phương án 117 của UBND tỉnh.
“Ngoài kế hoạch ứng phó với dịch Covid-19 đã triển khai, chúng tôi yêu cầu các cơ sở giáo dục kích hoạt tổ giám sát an toàn phòng chống dịch tại trường học; thực hiện nghiêm quy định 5K.
Bên cạnh đó, nhân viên y tế, thành viên tổ giám sát phải chú ý ghi chép đầy đủ nhật ký theo dõi sức khỏe của học sinh, giáo viên, nhân viên trong nhà trường, đảm bảo chia theo khung giờ hợp lý, lớp cách ly lớp, phòng cách ly phòng; tăng cường công tác vệ sinh trong trường học” - ông Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ.