Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG 15/04/2020 13:00

Ngoài việc nhanh chóng thực thi các chính sách của Trung ương, việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất… trong khả năng, thẩm quyền của địa phương là nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền Quảng Nam trong thời gian này.

Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền Quảng Nam. Ảnh: T.D
Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền Quảng Nam. Ảnh: T.D

Doanh nghiệp kiệt sức

Không quá ngạc nhiên khi số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường ngày càng gia tăng trước tác động của đại dịch Covid-19. Theo thống kê của Sở KH&ĐT, chỉ trong vòng 3 tháng qua, đã có đến 245 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh có thời hạn, tăng 27,6% so cùng kỳ năm 2019, 43% doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục giải thể (tăng 53,6%).

Theo ông Trần Văn Ẩn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, việc rút khỏi thị trường thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp là nghe ngóng, chờ đợi rồi mới quyết định có tiếp tục hay đóng cửa kinh doanh...

Doanh nghiệp đứng trước khó khăn về nguồn cung nguyên liệu, linh kiện đầu vào cho sản xuất, tiêu dùng, thiếu hụt đầu ra, nhân sự và khó khăn về tài chính, không còn đủ lực để duy trì sản xuất.

Có thể chứng minh bằng những con số: chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 24,7% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3.2020 giảm 36,8% so với tháng trước và giảm gần 40% so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp đến cuối tháng 3 giảm 1,1% so với cùng kỳ. Số người thất nghiệp của tỉnh tăng, tỷ lệ thất nghiệp chung toàn tỉnh ở mức 3,84%.

Thông qua nhiều cuộc khảo sát của các cơ quan quản lý, chủ yếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết nếu dịch bệnh kéo dài tới tháng 6, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu sẽ bị giảm trên 50% (chiếm hơn 60%), doanh thu giảm 20 - 50% (chiếm gần 29%).

Nếu dịch bệnh chưa thể kiểm soát cuối quý II, có thể gần 74% doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương người lao động, tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng và nhiều chi phí khác.

Trong một diễn biến khác, theo Sở LĐ-TB&XH, tính đến ngày 7.4.2020, báo cáo sơ bộ của 140 doanh nghiệp thì có đến 64 doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 (52 doanh nghiệp ngoài nhà nước, 10 doanh nghiệp FDI và 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh).

Hiện đã có 24 doanh nghiệp đề nghị tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất với số lao động đề nghị tạm dừng đóng 1.239 người. Các chính sách mới ban hành (tài khóa, tiền tệ…) vẫn còn ở độ trễ nhất định khiến doanh nghiệp chưa thể tiếp cận hoặc nhận được sự hỗ này khiến bức tranh sản xuất, kinh doanh vẫn u ám. Số doanh nghiệp rời bỏ thị trường, năng lực sản xuất kinh doanh ngày càng giảm sút có thể nối dài hay nặng nề hơn.

Tháo gỡ khó khăn

Không đợi chính sách từ Trung ương, việc hỗ trợ doanh nghiệp, cứu nguồn thu ngân sách và lao động đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống chính trị Quảng Nam. Trong thẩm quyền của mình, chính quyền tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác khảo sát tác động của dịch bệnh đối với doanh nghiệp thuộc những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp.

Một cuộc tổng rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào để đề xuất các giải pháp đảm bảo nguyên vật liệu cho sản xuất, kinh doanh, huy động nguồn lực để đầu tư, xây dựng thêm các sản phẩm mới để phát triển kinh tế sau khi dịch kết thúc.

Các sở, ngành liên quan đã tiến hành rà soát các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đề xuất tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, ổn định giá cả thị trường.

Chính quyền tỉnh chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá đối với các mặt hàng đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do cấp tỉnh định giá. Xây dựng dự kiến chương trình kích cầu du lịch, sản phẩm đặc trưng nhằm phục hồi đà tăng trưởng du lịch hậu Covid-19.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết chính quyền đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong khi chờ thực thi các chính sách của Trung ương.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay sẽ vận dụng, thực thi các chính sách, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực, gia tăng kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển dịch vụ, bảo đảm đời sống sinh hoạt bình thường của nhân dân sau khi dịch bệnh kết thúc. Tạo điều kiện, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ, dệt may, da giày, điện, sản xuất, lắp ráp ô tô và bảo đảm an sinh. Chủ động triển khai các biện pháp phù hợp để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Những công việc, thủ tục trực tiếp liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư của nhà đầu tư, doanh nghiệp được xử lý ngay. Hiện thực việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, áp dụng, giải quyết, xử lý thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến, cắt giảm mạnh chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Gia tăng rà soát, đề xuất việc ban hành theo thẩm quyền việc giảm lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch bệnh” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Ngoài chỉ đạo cho các sở, ngành liên quan thực hiện các chính sách từ Trung ương (giảm lãi suất, gia hạn thuế, dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đến hết tháng 6.2020 cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng), chính quyền Quảng Nam đã đề đạt Trung ương về việc kịp thời triển khai các gói tín dụng hỗ trợ sản xuất, miễn, giãm lãi vay, triển khai các gói hỗ trợ lãi suất 0% đối với các hộ kinh doanh, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chính quyền Quảng Nam cũng đề nghị Trung ương xem xét miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh, nhất là doanh nghiệp du lịch, khách sạn, giáo dục…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO