11 quốc gia thành viên còn lại tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa đồng ý tiếp tục duy trì TPP mà không có Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand, Todd McClay tại Hà Nội. Ảnh: Reuters |
Bên lề hội nghị trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra vào cuối tuần qua tại Hà Nội, 11 thành viên TPP (trong đó có Việt Nam) nhất trí nghiên cứu các phương thức để duy trì hiệp định này. Trong buổi họp báo bên lề APEC, Trưởng đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer cho biết, Mỹ không có ý định quay lại TPP nhưng vẫn duy trì các cam kết trước đó, quan tâm và ưu tiên các hiệp định song phương với các quốc gia khu vực. “Đối với Mỹ, đàm phán song phương có lợi hơn là đàm phán đa phương” - Robert Lighthizer phát biểu.
Theo Reuters, việc Mỹ rút khỏi TPP ít nhiều ảnh hưởng đến việc “hồi sinh” của hiệp định. Trong đó, một trong những quy định của 12 quốc gia đàm phán TPP trước đây là phải có ít nhất 6 thành viên đóng góp 85% tổng sản phẩm quốc nội của khối phê chuẩn để TPP đi vào hiệu lực. Do đó, TPP cần cả Mỹ và Nhật Bản phê chuẩn, nhưng nay Mỹ đã rút khỏi TPP và quy định này cần được xem xét lại. Mặt khác, nếu muốn giữ chân được một số quốc gia tham gia TPP trước đây vốn đặt trọng tâm khai thác, tìm kiếm lợi ích từ thị trường Mỹ thì TPP cần tiếp tục được đàm phán trở lại vài điều khoản. Bộ trưởng Thương mại New Zealand, Todd McClay nói: “Mỗi quốc gia phải có cách tiếp cận riêng. Nhưng tôi tin chắc rằng sẽ có lợi ích kinh tế cho tất cả 11 thành viên còn lại và quan trọng nhất là phải có lý do chiến lược để chúng ta tiếp tục xem xét TPP”. Ông Todd McClay cho biết thêm, các quốc gia đang xúc tiến việc đưa ra đề xuất để duy trì TPP vào tháng 11 tới, nhân sự kiện diễn ra hội nghị APEC tại Việt Nam. Theo Reuters, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với TPP là giữ được Việt Nam và Malaysia, hai quốc gia tham gia thỏa thuận và hứa thực hiện những cải cách lớn chủ yếu nhằm đạt được sự tiếp cận rộng mở hơn với thị trường Mỹ. “Chúng tôi sẽ cần phải đảm bảo rằng lợi ích của mình vẫn được bảo vệ, và những lợi ích mà thỏa thuận mang lại là nhiều hơn chi phí” - Bộ trưởng Bộ Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed phát biểu.
Để có hiệu lực như kế hoạch đề ra, TPP phải được các nước thành viên phê chuẩn hạn chót vào tháng 3.2018. Hiện mới có Nhật Bản và New Zealand thông qua. Theo Japan Times, đây là hai trong số 11 quốc gia của TPP đang cố gắng đạt được thỏa thuận với các nước còn lại để xúc tiến hiệp định mà không có sự tham gia của Mỹ. Tại cuộc gặp mới đây giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp New Zealand, Bill English, ông Abe cho biết Nhật Bản và New Zealand là những quốc gia giương lá cờ đầu trong tự do thương mại và sẽ duy trì hợp tác chặt chẽ, đặt mục tiêu sớm đưa TPP vào thực tế. Trước đó vào tháng 4, Chánh văn phòng nội các Nhật, ông Yoshihide Suga phát đi tín hiệu cho biết Tokyo đã sẵn sàng xúc tiến quá trình thực thi TPP đồng thời nỗ lực làm dịu đi mọi phản đối từ phía Mỹ. Một cuộc họp giữa các nhà đàm phán từ 11 nước còn lại trong TPP sẽ diễn ra vào tháng 7 tới tại Nhật Bản.
QUỐC HƯNG