Ông Trần Xuân Trang ở thôn 4 (xã Quế Lưu, Hiệp Đức) cho biết, năm 2009 trở về trước cuộc sống của gia đình ông chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng lúa. Tuy nhiên, do đất canh tác nơi đây quá nghèo dinh dưỡng, nguồn giống không đảm bảo chất lượng, nước tưới bấp bênh, các loại sâu bệnh nguy hiểm cứ thay phiên gây hại nên vụ nào năng suất lúa cũng đạt thấp. Trong khi đó, vợ ông bị bệnh tim nên không làm được việc nặng và phải thường xuyên tốn tiền thuốc thang, còn đứa con trai lớn thì theo học đại học khiến kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, thời điểm ấy gia đình ông Trang nằm trong diện hộ nghèo của xã.
Đầu năm 2010, nhờ các đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ, vợ chồng ông Trang được vay ưu đãi gần 180 triệu đồng theo hình thức tín chấp để đầu tư phát triển kinh tế hộ nhằm vươn lên thoát nghèo. Với số tiền trên, gia đình ông tập trung khai hoang, cải tạo 8,5ha đất vườn đồi rồi triển khai trồng 5,5ha rừng keo nguyên liệu và 3ha cao su tiểu điền. Bên cạnh đó, mua 2 con trâu nghé về thả nuôi theo hướng vừa phục vụ sản xuất vừa sinh sản. Ông Trang chia sẻ: “Bây giờ vườn cây cao su của tui đã bắt đầu bước vào thời kỳ khai thác mủ. Mặc dù giá mủ tụt giảm nhiều so với những năm trước nhưng bình quân hằng tháng gia đình tui cũng kiếm được hơn 7 triệu đồng. Còn rừng keo lai, một thời gian ngắn nữa là tiến hành khai thác đồng loạt, theo tui ước tính thì có tệ mấy cũng thu được 275 triệu đồng từ ngần đó diện tích. Điều đáng mừng hơn là, hiện nay đứa con trai lớn của tui đã tốt nghiệp đại học ra trường và vừa tìm được công ăn việc làm ổn định. Thấy đời sống kinh tế đã khá hơn trước rất nhiều nên cuối năm ngoái tui tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Đầu năm nay, ra khỏi diện nghèo, gia đình tui được chính quyền địa phương biểu dương, tặng thưởng 5 triệu đồng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho tất cả 4 thành viên”.
Theo tìm hiểu của Tư Ruộng, từ đầu năm 2013 đến nay bằng nhiều kênh vốn huy động, huyện Hiệp Đức đã đầu tư hơn 92 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, đào tạo nghề, hỗ trợ lãi suất tiền vay, dịch vụ thú y trọn gói và nhiều loại máy móc nông cụ, giống cây trồng, con vật nuôi cho nông dân có điều kiện phát triển mạnh lĩnh vực sản xuất nông - lâm - thủy sản. Trong đó, chủ yếu ưu tiên cho những xã miền núi thuộc diện khó khăn trên địa bàn. Đặc biệt, 3 năm qua ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương của huyện đã phối hợp mở 141 lớp tập huấn chuyển giao những gói kỹ thuật tiên tiến liên quan đến trồng trọt và chăn nuôi cho ít nhất 5.600 lượt hộ dân.
Mới đây, tại cuộc làm việc giữa Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh với lãnh đạo huyện Hiệp Đức về tình hình thực hiện Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2013-2016 và định hướng đến năm 2020 theo Nghị quyết số 55/2012/NQ-HĐND (ngày 19.9.2012) của HĐND tỉnh khóa VIII, ông Phan Như Sơn - Phó phòng LĐ-TB&XH Hiệp Đức phấn khởi nói: “Nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía nên những năm qua các hộ nghèo trên địa bàn huyện có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh từng bước cải thiện cuộc sống. Ba năm trở lại đây toàn huyện có tổng cộng 713 hộ dân tự nguyện đăng ký thoát nghèo và trong số đó có 680 hộ được công nhận thoát nghèo bền vững. Ngoài số tiền thưởng 3,4 tỷ đồng huyện còn chi hơn 1,2 tỷ đồng để cấp 2.932 thẻ bảo hiểm y tế cho các thành viên của những hộ thoát nghèo vừa nêu”.
TƯ RUỘNG