Nỗ lực vì an sinh

ANH ĐÔNG 25/08/2015 09:41

Phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, những năm qua, ngành LĐ-TB&XH Quảng Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xây dựng và phát triển quê hương.

Cách đây 70 năm, ngày 28.8.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tuyên cáo “Về việc thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Trong 13 bộ đầu tiên của Chính phủ nước ta, có Bộ Lao động và Bộ Cứu tế xã hội. Để phục vụ yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 3.1947, Chính phủ thành lập Bộ Thương binh - Cựu binh. Cùng với quá trình vận động và phát triển của sự nghiệp cách mạng, tháng 2.1987, Bộ LĐ-TB&XH được thành lập nhằm kế thừa và phát huy chức năng, nhiệm vụ của các bộ và cơ quan tiền thân trước đó.

Truyền thống vẻ vang

Ở Quảng Nam, bộ máy chuyên lo công tác LĐ-TB&XH cũng được thành lập theo hệ thống chung của Trung ương nhưng thực tế công tác LĐ-TB&XH đã được tiến hành ngay sau khi Đảng bộ tỉnh ra đời dưới các hình thức tổ chức như: “Hội cứu tế đỏ”, “Hội ái hữu” và nhiều tên gọi hợp pháp khác. Trong thời kỳ chống Pháp, các cấp ủy, chi bộ đảng trong tỉnh đã tập hợp lãnh đạo quần chúng đấu tranh với địch, chống khủng bố, đòi tăng lương, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai… Nổi bật lên là hoạt động “Hội giúp binh sĩ bị nạn”. Tiếp đó các Ty Lao động, Ty Thương binh được thành lập và hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là trên lĩnh vực huy động dân công hỏa tuyến, chăm sóc thương bệnh binh, giúp đỡ các gia đình liệt sĩ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê  Văn Thanh (bên phải) và Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Huỳnh Tấn Triều tặng quà trẻ em huyện Tiên Phước nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6.Ảnh: V.ANh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh (bên phải) và Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Huỳnh Tấn Triều tặng quà trẻ em huyện Tiên Phước nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6.Ảnh: V.ANh

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ tỉnh đã tăng cường lãnh đạo bằng việc thành lập Ban Thương binh của tỉnh với đội ngũ cán bộ nhân viên và hệ thống bệnh xá, trạm an dưỡng gồm 15 đơn vị để điều trị cho hàng vạn thương binh và đưa thương binh ra miền Bắc điều trị. Trong kháng chiến, cán bộ, nhân viên của Ban Thương binh đã không quản ngại gian khổ, vượt qua mọi khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ. Đã có nhiều cán bộ, nhân viên của Ban Thương binh anh dũng hy sinh, bị thương tật trong khi làm nhiệm vụ.

Sau ngày đất nước thống nhất, Ty LĐ-TB&XH được thành lập, sau đó tách thành Ty Lao động, Ty Thương binh và xã hội. Vào những ngày đầu mới giải phóng, trong thời gian rất ngắn (1975 - 1976), cùng với cấp ủy, chính quyền, ngành LĐ-TB&XH đã tổ chức chuyển hơn nửa triệu dân ở các khu dồn, đô thị vùng địch kiểm soát về quê cũ sinh sống. Trợ giúp lương thực, tạo điều kiện cho nhân dân tập trung sức khai hoang phục hóa hàng chục nghìn héc ta đất canh tác, khôi phục sản xuất nông nghiệp, khôi phục các ngành nghề truyền thống, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 100 nghìn người. Trong những năm 1976 - 1979 ngành đã huy động hơn 10 vạn lao động cho các ngành kinh tế - quốc dân, điều động một bộ phận nhân dân đi xây dựng ở các vùng kinh tế mới trong và ngoài tỉnh. Huy động gần 60 triệu ngày công nghĩa vụ công ích xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông, quốc phòng của tỉnh, đặc biệt là công trình đại thủy nông Phú Ninh.

Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm (thuộc Sở LĐ-TB&XH).
Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm (thuộc Sở LĐ-TB&XH).

Giữa năm 1989, Ty Lao động, Ty Thương binh và xã hội được sáp nhập thành Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam - Đà Nẵng. Theo đó, hệ thống tổ chức bộ máy cán bộ từ tỉnh đến cấp huyện, xã nhanh chóng hình thành. Đến đầu năm 1997, tỉnh Quảng Nam tái lập, cùng với đó là sự ra đời của Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam.

Trách nhiệm lớn

Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ, khi tái lập, toàn tỉnh có 80% dân số làm nông nghiệp, đối tượng chính sách người có công chiếm hơn 15% dân số và gần 30% hộ nghèo. Giải quyết chế độ chính sách, chăm lo đối với người có công, xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, đảm bảo an sinh xã hội… là những vấn đề rất lớn và thực sự khó khăn. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, phối hợp, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tính đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 600 nghìn lao động. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 7,4% năm 1997 xuống còn 4% năm 2015. Cơ cấu lao động đã có sự dịch chuyển theo hướng, tăng dần tỷ trọng lao động trong nhóm ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - thương mại... Cùng với đó, hệ thống mạng lưới cơ sở đào tạo nghề đã được quy hoạch, phát triển khá nhanh với 46 cơ sở dạy nghề đang hoạt động. Quy mô đào tạo ngày càng mở rộng, chất lượng từng bước được nâng lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2014 đạt 41% và ước đạt 44% vào cuối năm 2015 (tăng 38,71% so với năm 1999, năm bắt đầu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về dạy nghề).

Từ năm 1997 đến nay, Sở LĐ-TB&XH được các cấp tặng thưởng 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, 2 cờ thi đua của Chính phủ, 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 8 cờ thi đua xuất sắc và 7 bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH, 1 cờ thi đua đơn vị dẫn đầu Khối Văn hóa xã hội và 6 bằng khen của UBND tỉnh.

Quảng Nam có hơn 65 nghìn liệt sĩ, hơn 30 nghìn thương bệnh binh, gần 45 nghìn người có công giúp đỡ cách mạng và hơn 8.000 người bị địch bắt tù đày. Toàn tỉnh hiện có 12.271 bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những năm qua, ngành LĐ-TB&XH đã có nhiều nỗ lực trong công tác chăm lo, giải quyết chế độ chính sách cho người có công. Ngành đang thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho gần 55 nghìn người, mỗi năm thực hiện chế độ hơn 1.200 tỷ đồng... Trong 18 năm qua, toàn ngành đã vận động tặng 12.398 sổ tiết kiệm tình nghĩa, với tổng trị giá hơn 9,7 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp, xây mới hơn 39.456 nhà ở cho người có công; vận động đóng góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa gần 91 tỷ đồng…

Trong công tác giảm nghèo, ngành tập trung việc thực hiện các nhóm chính sách, dự án để tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Qua đó góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo từ 27,4% năm 1997 xuống còn 12,10% năm 2014, dự kiến cuối năm 2015 còn dưới 10%. Bên cạnh đó, những hoạt động cứu trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới… đều đạt những kết quả nổi bật.

Ông Huỳnh Tấn Triều cho biết, trong giai đoạn mới 2016 - 2020, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các lĩnh vực công tác với mục tiêu tạo bước phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, toàn ngành phấn đấu đến năm 2020 sẽ tạo việc làm tăng thêm cho 75 nghìn người, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55%; tập trung hướng dẫn, xác lập hồ sơ, giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ chính sách đối với người có công cách mạng; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh mỗi năm 2% - 2,5%...

ANH ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực vì an sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO