Dù đã triển khai nhiều biện pháp thu hồi nhưng cơ quan thuế không thể làm “nhúc nhích” được các khoản nợ thuế lưu cữu.
Nợ hơn 1.000 tỷ đồng
Chuyện nợ thuế của hai công ty khai thác và sản xuất vàng của Tập đoàn Besra đã bắt đầu lật qua trang mới khi Cục Thuế Quảng Nam cho hay đã thu được 40,1 tỷ đồng nợ thuế của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn do Ngân hàng TMCP Việt Á nộp thay trong tháng 8.2016. Tuy nhiên, số nợ của doanh nghiệp này cũng chỉ là “lát cắt” trong việc doanh nghiệp nợ thuế lâu nay của Quảng Nam. Ông Lương Đình Đường - Phó Cục trưởng Cục Thuế cho hay, trong nhiều tháng qua, ngoài các biện pháp quản lý nợ theo quy trình, toàn ngành thuế đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế như trích tài khoản ngân hàng 502 lượt, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng 167 lượt, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 27 trường hợp. Không chỉ vậy, rất nhiều lượt xác minh thông tin về tài khoản, hóa đơn để tiến hành cưỡng chế thuế đã được tiến hành, giúp nhiều khoản thuế nợ được nộp dần vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nợ thuế vẫn đang có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của Cục Thuế, hiện tổng nợ thuế toàn ngành đến ngày 30.9.2016 khoảng 1.084 tỷ đồng. So với tháng 12.2015, số nợ này đã tăng 155 tỷ đồng (tăng 16,7%). Cục Thuế phân tích, hiện tổng số nợ có khả năng thu hồi chiếm 58,2%/tổng nợ. Trong số này đã bao gồm nợ thuế của Công ty vàng Phước Sơn khi có quyết định nộp dần chuyển từ nợ khó thu phân loại sang nợ có khả năng thu là 334,9 tỷ đồng. Hiện tiền thuế nợ khó thu, nợ đang xử lý 342 tỷ đồng, chiếm 31,5%/tổng nợ.
Cơ quan thuế đang tiến hành các biện pháp thu hồi nợ thuế tại nhiều doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. (ảnh chỉ có tính minh họa) |
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tăng nợ thuế phải kể đến là thực hiện các kiến nghị của kiểm toán nhà nước buộc phải đưa vào quản lý nợ đối với tiền sử dụng đất, thuê đất của các dự án còn vướng về đền bù giải tỏa hoặc dự án đang chờ xử lý miễn, giảm, bù trừ nhưng chưa xử lý được. Tiền nợ khó thu lớn, nhưng từ đầu năm đến nay không thu được nên phát sinh tiền chậm nộp. Kết quả 9 tháng đầu năm chỉ thực hiện chỉ tiêu thu nợ khoảng 6%. Ngoài ra, sai sót từ người nộp thuế ghi nhầm khoản mục thu, dẫn đến vừa theo dõi nợ ngân sách, nhưng vừa hạch toán nộp thừa khoản mục khác. Mặt khác, việc luân chuyển và hạch toán chứng từ nộp thuế điện tử một số thời điểm không đúng địa bàn thu và chưa kịp thời dẫn đến phát sinh nợ ảo tại thời điểm khóa sổ. Đó là chưa kể đến công tác đôn đốc thu hồi xử lý sau thanh tra, kiểm tra không kịp thời cũng góp phần gia tăng số nợ trên địa bàn. Ngoài ra, việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế tại một số chi cục thuế như Điện Bàn, Đông Giang, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, Quế Sơn, Phước Sơn đạt tỷ lệ quá thấp.
Không dễ thu hồi
Thu hồi nợ đọng là một trong những yếu tố để tăng thu ngân sách. Cơ quan thuế cho hay đã tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, tiến hành rà soát, phân loại nợ, giao chỉ tiêu thu nợ hàng tháng cho từng bộ phận, cán bộ. Tuy nhiên, thực tế không dễ thực hiện bởi khá nhiều yếu tố. Nhiều chi cục thuế cho rằng dù lệnh cưỡng chế đã thực thi, nhưng vẫn không thể thu hồi được nợ. Khá nhiều doanh nghiệp thông báo tạm dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã bỏ trốn, phá sản từ lâu không thể tìm ra địa chỉ. Nợ cứ treo, không thể thu được thì tiền phạt chậm nộp cứ tiếp tục gia tăng và tỷ lệ nợ thuế lại tăng cao. Và trong số nợ lưu cữu ấy, có cả phần nợ thuế ưu đãi vượt trội nhiều năm của doanh nghiệp. Ông Lương Đình Đường – Phó Cục trưởng Cục Thuế nói cơ quan thuế đã nhiều lần kiến nghị về nợ ưu đãi đầu tư. UBND tỉnh đang tìm biện pháp hữu hiệu để xử lý số nợ này vì không thể “bội ước” với doanh nghiệp. Nếu được xử lý, sẽ có không ít số nợ thuế được giảm. Còn một khi chưa được xử lý thì số nợ sẽ vẫn bị “khoanh” trên sổ sách theo dõi làm tăng tổng nợ.
Công luận và ngay cả những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thuế đặt ra câu hỏi tại sao cơ quan quản lý nói đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp thu hồi nợ thuế, kể cả công bố tên doanh nghiệp nợ thuế lên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng nợ thuế vẫn chưa có dấu hiệu giảm? Có vẻ, các định chế pháp luật nhà nước, cơ quan công quyền đã “bất lực” với việc nợ thuế dai dẳng của các doanh nghiệp không hợp tác thực thi pháp luật. Công luận, doanh nghiệp muốn có câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan quản lý bởi những người tuân thủ lẽ nào lại “thiệt thòi” hơn những đối tượng chây ì, cạnh tranh không sòng phẳng trên thương trường nhờ vào số tiền thuế chậm nộp. Suy cho cùng nợ thuế hay chậm nộp cũng là cách chiếm dụng ngân sách nhà nước để quay vòng vốn. Chắc chắn, doanh nghiệp sẽ không thể làm như vậy được nếu như các cơ quan thuế vụ làm đúng thẩm quyền theo luật định. Chuyện nợ thuế, nếu chính quyền, các cơ quan quản lý xử lý đúng luật, có lẽ sẽ có ý nghĩa rất lớn và nó thể hiện việc thực thi pháp luật hướng tới các giá trị xã hội căn bản ngày càng tốt hơn!
TRỊNH DŨNG