Nỗi ám ảnh chiến tranh

LÂM BÌNH THÁI 15/04/2018 08:00

Từ thời gian khác là cuốn sách thứ 12 của Nguyễn Hiệp được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2017. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết thứ 4 (sau 3 tiểu thuyết Ngã Hai, Làng Người Xanh, Mùi chồng) của nhà văn ở chân núi Tà Cú viết về cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới Tây Nam và cuộc “tây tiến viễn chinh” của quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Xary. Tiểu thuyết Từ thời gian khác chỉ dày khoảng 200 trang in với 19 chương dài ngắn khác nhau xoay quanh ba nhân vật chính là Sa, Du và Chan Tha. Ba người đã đi qua cuộc chiến tranh tàn khốc đến nỗi cuộc sống của họ có một thời gian khác - đó là quá khứ, luôn song hành với những ám ảnh khôn nguôi.

Tiểu thuyết Từ thời gian khác.
Tiểu thuyết Từ thời gian khác.

Rời Việt Nam trở về nước khi Campuchia được hoàn toàn giải phóng vào mùa xuân 1975, Chan Tha không ngờ chế độ Kh’mer Đỏ do Pol Pot - Ieng Xary cầm quyền lại phản động, đẩy dân tộc cô đến bên bờ diệt vong. Song thân cô bị giết bằng cây dùi vuông vì là những trí thức - thành phần bị Angka quy kết là cặn bã của xã hội. Cô may mắn thoát chết và chạy trốn về phía Việt Nam để lánh nạn. Trên đường đi, Chan Tha tình cờ gặp Du. Người lính tình nguyện Việt Nam đã giúp đỡ cô bằng cách gửi cho một đơn vị bạn. Khi nghe tin Du bị thương nặng, phải chuyển về hậu phương, Chan Tha không quản ngại đường sá xa xôi, lặn lội đi về phía đông tìm kiếm ân nhân của mình. Và hành trình đi tìm người thương, Chan Tha lại gặp Sa - đồng hương với Du, là lính lái xe. Sa không những cho cô “quá giang” mà còn hướng dẫn tận tình cho cô sang đất Việt. Chan Tha đã tìm được Du, cô tá túc ở chùa Ngọc Linh để hàng ngày đến khu điều dưỡng thương binh chăm sóc anh. Tình yêu nảy nở và họ nên vợ nên chồng. Song số phận không buông tha cô gái Kh’mer, hạnh phúc chưa đầy tay thì Du lặng lẽ từ giã cõi đời. Rồi Chan Tha lại tình cờ gặp Sa như là duyên tiền định.

Thông qua chuyện tình của ba người, tiểu thuyết Từ thời gian khác cứ đan xen giữa hiện tại với quá khứ, đồng hành đồng hiện khiến người đọc ám ảnh dù cuộc chiến tranh đã lùi xa vào quá vãng. Chan Tha không thể nào quên được nhà tù Tuol Sleng (nhà tù S21). Bởi đó là nơi “loài ác thú Pol Pot - Ieng Xary” “…trói nạn nhân vào mặt giường, kéo căng chân tay ra bốn góc và từng nhát một vừa thọc dao vừa lạn da vừa giật từng mảng, máu rịn ra, máu phọt ra bắn tia nhuộm đỏ trần nhà”, “chúng trói tay chân nạn nhân vào những khúc cây, xô bật ngửa ra, dùng dao phay xắt thịt rạch mạnh một đường ngang bụng, ruột xổ ra, máu tràn, dịch tràn nhầy nhụa…”. Đó là  những kiểu giết người thời trung cổ. Còn những ngón đòn tra tấn tù nhân cũng độc nhất vô nhị trên đời: “Thú vui nhẹ nhàng hơn của những kẻ áo đen khăn đỏ này là rút móng tay móng chân, đổ a xít vào mặt, vào chỗ kín, dùng búa rìu, roi vọt, chày đánh đập nạn nhân”. Gần bốn năm cai trị, Pol Pot - Ieng Xary đã biến đất nước Campuchia thành bãi tha ma vương vãi đầy xương người. Mỗi lần đến nhà tù Tuol Sleng, Chan Tha luôn đứng chết lặng trước “…một tấm bản đồ đất nước Campuchia rất lớn xếp kín sọ người, một tấm bản đồ đất nước được kết bằng những hốc mắt chết chóc trống rỗng, một tấm bản đồ điêu tàn bị hút hết sự sống bởi những kẻ lương tâm bị tẩm độc, bị dụ khị, bị điều khiển từ một con ngáo ộp nào đó thâm độc và tham vọng bành trướng…”.

Vướng trái mìn Z2, Du bị hất tung vào chạng vạng tối lúc thông đường cho tổng đài trinh sát, anh trở thành phế nhân. “Du bị mù hai mắt, cụt tay trái, cụt chân trái, chân phải teo tóp đầy vết sẹo bỏng, tay phải chỉ còn hai ngón dị dạng, thiếu đi gần hết những gì cần thiết mà tạo hóa ban cho con người”. Du tự cho mình là đồ bỏ đi, nhiều lần anh tự sát bằng cách bứt hết các ống dây nhợ chuyền dịch khi nằm điều trị tại bệnh viện nhưng bất thành. Anh “sống lại” nhờ có Chan Tha: “Đời sống kỳ diệu ấy đã đến với Du như một phép màu, như sự xếp đặt bù đắp có hậu của định mệnh, của tạo hóa, của những gì gọi là linh thánh trong cuộc đời này”. Dẫu vậy, nỗi ám ảnh về chiến tranh, về tiếng nổ khiến Du tàn phế cứ bám riết lấy anh: “Mỗi lần xung quanh có tiếng ồn đột ngột, anh lại giật mình, ánh lửa ấy hiện ra, lại ú ớ, hốt hoảng”. Còn Sa đi qua chiến tranh, khi ra quân về lại quê nhà và trở thành nhà văn. Anh lập gia đình nhưng cuộc sống yên bình không thể nào xóa nhòa được “thời gian khác” luôn thường trực trong anh. Nó hiện về trong tâm trí Sa với hình ảnh bao lương dân vô tội chết ở dọc dài biên giới Tây Nam khi bọn “áo đen khăn đỏ” tràn sang, qua những hồi tưởng như nhật ký ghi vội lúc “tây tiến viễn chinh”, qua đồng đội ngồi xe lăn họp mặt truyền thống… Nó bám riết lấy anh khiến mái ấm gia đình đổ vỡ, anh buộc phải chọn cách bỏ nhà ra đi như một sự giải thoát cho mình và cho vợ…

Với sự giúp đỡ của Sa, Chan Tha đã viết tác phẩm “Tóc máu” kể về cuộc đời cô, dân tộc cô và số phận của Du, của Sa và những người lính tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hy sinh để cứu đất nước Chùa Tháp. Tác phẩm “Tóc máu” đã được trao giải thưởng văn học Mê Kông. Đó là sự ghi nhận về một thời gian khác mà những người đi qua chiến tranh không thể nào quên vì sự ám ảnh luôn thường trực trong tâm trí. Và đó cũng là nội dung tư tưởng mà tiểu thuyết Từ thời gian khác của nhà văn Nguyễn Hiệp gửi đến độc giả gần xa…

LÂM BÌNH THÁI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi ám ảnh chiến tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO